Sự kiềm chế bất thường của Trung Quốc giữa vòng xoáy “thương chiến” với Mỹ
(Dân trí) - Trong khi Mỹ công bố hàng loạt biện pháp cứng rắn nhằm vào tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc giữa cuộc chiến thương mại, các lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh dường như vẫn kiềm chế đưa ra những phát ngôn chỉ trích Washington.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang bước vào giai đoạn gia tăng nguy hiểm khi Washington cấm Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc, mua các phần mềm và chất bán dẫn của Mỹ, đồng thời đe dọa đưa thêm nhiều công ty công nghệ hàng đầu của Bắc Kinh vào “danh sách đen”.
Mặc dù Mỹ có nhiều lý do chính đáng khi tìm cách cân bằng chênh lệch thương mại với Trung Quốc, song việc Washington cấm Huawei và các công ty khác của Trung Quốc sử dụng các phần mềm và thiết bị của Mỹ, tất cả đều với lý do lo ngại an ninh quốc gia, được cho là nỗ lực nhằm chặn đà phát triển của công nghệ Trung Quốc.
Điều này rất nguy hiểm vì có thể sẽ thổi bùng thêm căng thẳng song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, thậm chí có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh lạnh thực sự.
Giới phân tích nhận định Tổng thống Donald Trump đang tìm cách đe dọa cấm cửa Huawei cũng như các công ty công nghệ khác của Trung Quốc để nhận được sự nhượng bộ của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán thương mại. Năm ngoái, ông Trump từng sử dụng cách này với một công ty viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn đang tăng cường giọng điệu chỉ trích Mỹ. Tuy nhiên, một điều ngạc nhiên là các lãnh đạo cấp cao của nước này gần như giữ im lặng về căng thẳng với Mỹ.
Hồi đầu tuần, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công tác tới tỉnh Giang Tây. Đây là chuyến đi trong nước đầu tiên của ông Tập kể từ khi căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang cách đây 2 tuần. Mặc dù ông Tập không đề cập cụ thể tới căng thẳng thương mại với Mỹ, song truyền thông nước ngoài nhanh chóng phát hiện ra rằng nơi chủ tịch Trung Quốc tới thăm là một nhà máy xử lý tài nguyên đất hiếm lớn. Tại đây, ông Tập đã nói rằng Trung Quốc cần phải “bắt đầu lại tất cả”.
Trung Quốc là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới. Đây là thành phần quan trọng trong các sản phẩm công nghệ cao như chất bán dẫn. Một số nhà phân tích cho rằng chuyến đi và phát biểu của Chủ tịch Tập tới nhà máy đất hiếm nhằm thể hiện một thông điệp tinh tế nhưng cũng rất cứng rắn rằng, nếu cần thiết, Trung Quốc có thể đáp trả cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ và khiến ngành sản xuất công nghệ cao của Mỹ bị tổn thương.
Theo một số nhà phân tích khác, việc các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc hạn chế đưa ra tuyên bố cứng rắn về cuộc chiến thương mại với Mỹ chỉ đơn giản là vì họ muốn chờ cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump qua đi. Điều này đặc biệt đáng chú ý trong bối cảnh ông Trump đang phải đối mặt với “sóng gió” chính trị trong nước cũng như làn sóng đòi luận tội ông ngày càng mạnh.
Sự kiềm chế của Trung Quốc
Trung Quốc chắc chắn đang chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ nhất trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như vẫn ưu tiên hơn chiến lược giảm bớt căng thẳng với Washington.
Cho đến nay, các quan chức cấp cao của Trung Quốc vẫn kiềm chế đưa ra những phát ngôn mang tính đối đầu với Mỹ trước công chúng. Chẳng hạn, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Cui Tiankai ngày 21/5 chia sẻ với hãng tin Fox News rằng Bắc Kinh vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Washington.
“Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục các cuộc đàm phán với những người đồng cấp Mỹ nhằm đạt được một thỏa thuận. Cánh cửa của chúng tôi vẫn mở”, ông Cui cho biết.
Một điều đặc biệt là mặc dù truyền thông nhà nước Trung Quốc công kích hành động “bắt nạt” và “gây sức ép mạnh mẽ” của Mỹ, song vẫn tránh chỉ trích trực tiếp Tổng thống Donald Trump. Trong khi vẫn tiến hành phỏng vấn các nhà phân tích Trung Quốc và nước ngoài để đưa ra các bình luận nhằm chỉ trích Mỹ, truyền thông Trung Quốc kiềm chế kích động tinh thần dân tộc trong nội bộ công chúng nước này.
Tuy vậy, trong những ngày gần đây, Trung Quốc bắt đầu tìm cách kêu gọi chủ nghĩa dân tộc trên một số “mặt trận” khác, chẳng hạn thông qua kênh phim truyền hình trung ương Trung Quốc. Kênh này đã bất ngờ bỏ chiếu các chương trình thường lệ, thay vào đó phát sóng các bộ phim truyện và phim tài liệu chống Mỹ.
Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành tập đoàn Huawei, đã lên tiếng cảnh báo về việc khuấy động chủ nghĩa dân tộc, mặc dù công ty của ông bị Mỹ liệt vào “danh sách đen”. Huawei sẽ không được phép mua các sản phẩm và công nghệ do Mỹ sản xuất nếu chưa được sự chấp thuận của chính phủ Mỹ.
Mặc dù các công ty lớn của Mỹ như Google cũng bắt đầu thực thi các quy định của chính phủ về việc cấm vận Huawei khi dừng hợp tác và cung cấp dịch vụ cho tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, song ông Nhậm Chính Phi vẫn tuyên bố không thể quy trách nhiệm cho các công ty Mỹ.
Thậm chí, nhà sáng lập Huawei còn bày tỏ sự trân trọng dành cho các công ty Mỹ vì những đóng góp của họ cho sự phát triển của Huawei, đồng thời cảnh báo việc kích động dân tộc tại Trung Quốc.
Theo ông Nhậm Chính Phi, việc ủng hộ Huawei không đồng nghĩa với việc phải mua điện thoại thông minh của hãng này. Việc mua hay không mua sản phẩm của Huawei chỉ là quyết định về thương mại và không nên gắn điều đó với chính trị hay lòng yêu nước.
Giới phân tích nhận định nhà sáng lập Huawei đã đúng khi khẳng định tương lai của Trung Quốc nằm ở việc “mở cửa”, vì chỉ có như vậy Trung Quốc mới có thêm nhiều bạn bè.
“Ở thời điểm hiện tại, sẽ là khôn ngoan nếu Trung Quốc tiếp tục đề cao vấn đề đạo đức và không học theo Mỹ bằng cách đưa ra biện pháp đáp trả nhằm vào các công ty Mỹ. Khi ông Trump và ông Tập dự kiến gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tháng tới, đây sẽ là cơ hội tốt để họ đạt được một thỏa thuận để giảm bớt căng thẳng”, nhà phân tích Wang Xiangwei của báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng bình luận.
Thành Đạt
Theo SCMP