1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sự hồi sinh của ngoại giao Nga tại Đông Á

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những hoạt động ngoại giao bận rộn tại Sochi, nơi diễn ra lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông hồi tuần trước.

Sự hồi sinh của ngoại giao Nga tại Đông Á

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Sochi ngày 6/2. Ảnh: AFP/TTXVN
 
Ông Putin đã có các cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (ngày 6/2) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (ngày 8/2). Các nhà phân tích cho rằng ông Putin đã "tận dụng" cơ hội này để mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Á.

Từ trước đến nay, ông Putin tỏ ra ít quan tâm đến khu vực Đông Á mà thường dành tâm sức cho các vấn đề ở bên kia biên giới phía Tây và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây ở Trung Á. Tuy nhiên, sự leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã "mở cánh cửa" để ông Putin (với một đòn bẩy trên tay) bước vào khu vực Đông Á. Theo nhà nghiên cứu Liang Yunxiang tại Đại học Bắc Kinh, thì "cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều chú trọng đến mối quan hệ với nước Nga, vì họ hy vọng rằng ông Putin sẽ đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề an ninh của khu vực và họ muốn có được sự ủng hộ của ông trong bối cảnh diễn ra tranh chấp trên quần đảo không có người ở này".

"Quần đảo không có người ở" này bao gồm 8 hòn đảo cằn cỗi. Nhật Bản hiện đang kiểm soát những gì mà họ gọi là quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông trong khi Trung Quốc cũng đòi chủ quyền đối với những hòn đảo mà họ gọi là Điếu Ngư. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi cả ông Tập Cận Bình lẫn ông Abe mới đây đều đã có mặt tại khu nghỉ mát nổi tiếng ở Biển Đen để gặp gỡ nhà lãnh đạo của Liên bang Nga.

Nước Nhật của ông Abe và nước Nga của ông Putin về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì chưa giải quyết được vấn đề quần đảo Kuril. Trong nhiều thập kỷ, cả Tokyo lẫn Moskva đều kiên quyết không chịu nhượng bộ. Thời điểm hiện tại, một số người lại tin rằng ông Abe sẽ sẵn sàng giải quyết vấn đề đó. Phát biểu vào ngày 8/2 vừa qua, ông Abe cho rằng các cuộc đàm phán về quần đảo này sẽ diễn ra "rất nhanh". Bên cạnh đó, ông Putin được cho là sẽ thăm Nhật Bản vào mùa thu này.

Cách đây chưa lâu, người ta khó có thể hình dung rằng Nhật Bản và Nga có thể ký kết một hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt tình trạng đối đầu từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai để có thể chuyển sang đàm phán về các hiệp định thương mại. Dù thành công hay không thành công, các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa hai ông Putin và Abe cho thấy một "sự hồi sinh" của ngoại giao Nga ở vùng Viễn Đông. Trong hai thập kỷ trước, đã có rất ít điều mà điện Kremlin có thể làm được ở Đông Á.

Bắc Kinh và Tokyo, xét cho cùng từng là những người bạn thân thiết của nhau. Nhật Bản trước đây đã hỗ trợ mạnh mẽ nền kinh tế Trung Quốc thông qua viện trợ, thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại người Nhật lại đang cắt dần các mối quan hệ kinh tế với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Chẳng hạn, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong năm 2013 đã giảm 5,1% so với năm 2012 (năm ghi nhận một sự suy giảm ở mức 3,9% so với năm 2011). Trong năm ngoái, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Trung Quốc giảm 4,3% và đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nhật Bản cũng giảm 23,5%.

Cho dù kết cục sẽ như thế nào thì cuộc tranh chấp hiện nay giữa Bắc Kinh và Tokyo cũng đã "mở cửa" để ông Putin bước vào khu vực Đông Á với vai trò như "một trung gian mới đầy quyền lực". Ông Putin rõ ràng sẽ không để tuột mất cơ hội hiếm hoi này.

Theo Minh Đức
Baotintuc.vn/World Affairs