1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sự hỗ trợ của Mỹ phía sau vụ Ukraine phóng tên lửa vào lãnh thổ Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Các chuyên gia đã chỉ ra rằng Mỹ đã hỗ trợ đáng kể cho Ukraine trong các vụ phóng tên lửa ATACMS vào lãnh thổ Nga.

Sự hỗ trợ của Mỹ phía sau vụ Ukraine phóng tên lửa vào lãnh thổ Nga - 1

Hệ thống phòng không Nga bắn hạ tên lửa ATACMS ở Lugansk, miền Đông Ukraine (Ảnh: Sputnik).

Nga cho biết 5 Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) do Mỹ sản xuất đã bị đánh chặn và một tên lửa đã bị hệ thống phòng không S-400 và Pantsir phá hủy vào ngày 19/11, khi lực lượng Ukraine phóng 6 tên lửa vào khu vực Bryansk của Nga.

Ông Alexander Mikhailov, người đứng đầu Cục Phân tích Chính trị - Quân sự của Nga, đã chỉ ra rằng Mỹ đang can dự vào cuộc xung đột Ukraine thông qua các vụ phóng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga.

"Quân nhân Mỹ tham gia vào việc dẫn đường tên lửa ATACMS và điều phối hành trình bay của chúng để thực hiện cuộc tấn công. Chúng tôi có thể tự tin khẳng định như vậy", quan chức Nga nói với hãng tin Sputnik.

Ông giải thích rằng, tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất và sử dụng dữ liệu định vị vệ tinh do quân đội Mỹ cung cấp. Việc lựa chọn mục tiêu và tọa độ của chúng do các chuyên gia kỹ thuật quân sự Mỹ thực hiện. Ngoài ra, quá trình tải dữ liệu bay vào đầu dẫn đường của tên lửa cũng do các quân nhân Mỹ thực hiện.

"Vụ phóng không thể thực hiện được nếu không có các sĩ quan Mỹ. Người Mỹ sẽ không chuyển giao các thuật toán, mã hoặc cơ chế nhập tọa độ vào tên lửa ATACMS cho các sĩ quan của lực lượng vũ trang Ukraine", ông Mikhailov nói thêm.

Các chuyên gia an ninh Mỹ cũng đồng tình với quan điểm trên của chuyên gia Nga.

Cựu sĩ quan tình báo Thủy quân Lục chiến Mỹ Scott Ritter khẳng định "ATACMS không thể được vận hành bởi bất kỳ lực lượng nào ngoài Mỹ".

Cụ thể, hệ thống dẫn đường và dữ liệu được đưa vào ATACMS là do các nhà phân tích không gian địa lý của Lầu Năm Góc tại châu Âu thực hiện.

Ngoài ra, dữ liệu được mã hóa bằng mật mã của Cơ quan An ninh Quốc gia và được truyền từ địa điểm ở châu Âu đến một trạm liên kết tải xuống ở Ukraine do các chuyên gia Mỹ điều hành. Sau đó, dữ liệu này được tải lên ATACMS bởi các chuyên gia Mỹ.

"Vì vậy, mọi hoạt động được Mỹ lên kế hoạch, dữ liệu được nạp vào tên lửa và khi nút bấm được kích hoạt, nó sẽ được phía Mỹ kích hoạt để tấn công lãnh thổ Nga. Chỉ có Mỹ mới có thể làm được điều đó", ông Ritter nhấn mạnh.

Với trọng lượng hơn 1,6 tấn, dài 4m và đường kính 610mm, ATACMS có thể bay ở tốc độ lên tới 1km/s ở trần bay khoảng 50km. Sử dụng thiết bị dẫn đường sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GPS, tên lửa này có sai số rất nhỏ dù có thể tấn công mục tiêu ở xa tới 300km.

Một phân tích của Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định, với tầm bắn 300km, ATACMS có thể tấn công ít nhất 245 mục tiêu quân sự của Nga, bao gồm 15 căn cứ không quân nằm ở các vùng Bryansk, Kaluga, Kursk, Lipetsk, Voronezh, Rostov và Krasnodar.

Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã kêu gọi Washington dỡ bỏ lệnh hạn chế tấn công các sân bay của Nga bằng ATACMS, với lý do rằng các sân bay này là nơi Nga đặt các máy bay chiến đấu chuyên dùng để tấn công mục tiêu của phía Kiev.

George Barros, một nhà phân tích của ISW, đã tạo ra một bản đồ phác thảo phạm vi và các mục tiêu tiềm năng ở Nga của ATACMS. Nếu Ukraine chỉ dùng rocket của hệ thống HIMARS với tầm tấn công 77km, họ chỉ có thể tấn công 20 mục tiêu của Nga, tuy nhiên với ATACMS, con số này đã tăng lên hơn 10 lần.

Theo Kyiv Post, Ukraine có thể đã nhận được ít hơn 50 tên lửa ATACMS, tuy nhiên không rõ Kiev đã dùng bao nhiêu quả và còn lại bao nhiêu quả.

Mỹ và Ukraine chưa bao giờ xác nhận số lượng tên lửa chính xác được viện trợ. Cho đến nay, chỉ có hai lần Mỹ giao ATACMS được biết đến rộng rãi, với một lần hồi cuối năm 2023 với các phiên bản tầm ngắn hơn (160km) và một lần được giao bí mật vào tháng 3 năm nay với các phiên bản tầm xa (300km).

Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ về việc can dự ngày càng sâu vào cuộc xung đột ở Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc Mỹ bật đèn xanh cho các cuộc không kích của Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa ATACMS là dấu hiệu cho thấy Washington và phương Tây muốn leo thang xung đột.

Theo Sputnik

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm