1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Sự giận dữ mang màu gì?

Chỉ ít ngày sau vụ bắn tỉa kinh hoàng ở Dallas khiến 5 cảnh sát Mỹ thiệt mạng, 6 người khác trọng thương, lại có thêm một vụ xả súng nữa, lần này vẫn nhằm vào lực lượng cảnh sát Mỹ. Hiện trường vụ việc diễn ra ở Baton Rouge, bang Lousiana.

Thực chất, đây là một vụ phục kích có lớp lang bài bản khi một người gọi điện đến số điện thoại khẩn cấp 911, dụ các cảnh sát đến gần một trạm xăng rồi nổ súng nhằm vào họ.

Một lần nữa, chỉ trong vòng mươi ngày, các nhân viên công lực Mỹ lại phải đặt cược mạng sống của mình trước họng súng của những kẻ thủ ác có chủ đích.

Truyền hình Mỹ đưa tin về vụ xả súng. Nguồn: WFTV
Truyền hình Mỹ đưa tin về vụ xả súng. Nguồn: WFTV

Nước Mỹ vốn không xa lạ gì với những vụ xả súng, thậm chí có những vụ như ở Orlando diễn ra mới chỉ một tháng trước đã giết chết tới 50 người, tương đương với thương vong của một trận chiến cỡ nhỏ. Tuy nhiên, việc các tay súng liên tiếp nhằm vào cảnh sát và tiến hành các vụ tấn công với mục tiêu sát hại càng nhiều càng tốt các nhân viên thực thi pháp luật Mỹ khiến người ta phải ngỡ ngàng đặt câu hỏi: Điều gì đang xảy ra với nước Mỹ?

Có những điểm chung giữa hai hung thủ xả súng nhằm vào cảnh sát Mỹ.

Cả hai đều là cựu quân nhân, ít nhiều trải qua các đợt huấn luyện quân sự. Micah Xavier Johnson, kẻ đã thực hiện vụ bắn tỉa nhằm vào các cảnh sát trong cuộc biểu tình hòa bình ở Dallas là thành viên quân dự bị Mỹ từng tham chiến ở Afghanistan. Còn Gavin Eugene Long, người tiến hành phục kích ở Baton Rouge, có tới 5 năm phục vụ trong lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, từng tham chiến ở chiến trường Iraq.

Chính vì thế mà khi hai hung thủ này ra tay, khả năng sát thương do chúng gây ra đối với các nhân viên công lực Mỹ là rất đáng kể. Vụ bắn tỉa ở Dallas chính là vụ việc gây thương vong lớn nhất cho lực lượng cảnh sát Mỹ kể từ sau vụ khủng bố kinh thiên động địa do Al Qaeda tiến hành ngày 11-9-2001!

Cả hai đều là người da màu Mỹ gốc châu Phi. Và cả hai đều căm ghét người da trắng, đặc biệt là cảnh sát Mỹ.

Trong lúc đàm phán khi bị bao vây do tiến hành vụ bắn tỉa ở Dallas, Micah Xavier Johnson đã không giấu giếm ý định điên rồ của y là giết càng nhiều người da trắng, đặc biệt là cảnh sát, càng tốt. Chính vì sự nguy hiểm của y nên cảnh sát Mỹ đã lần đầu tiên trong lịch sử phải sử dụng đến biện pháp dùng robot tải bom vào gần chỗ Micah Xavier Johnson rồi kích nổ để tiêu diệt.

Không nghi ngờ gì nữa, cả hai vụ nổ súng nhằm vào nhân viên công lực Mỹ đều có liên quan đến hai vụ cảnh sát Mỹ bắn người da đen trước đó.

Ngày 5-7, Alton Sterling, một người đàn ông da đen 37 tuổi, bị hai sĩ quan cảnh sát bắn chết khi đang bán đĩa CD trước một cửa hiệu ở thành phố Baton Rouge, chính là thành phố mà ở đó Gavin Eugene Long đã ra tay. Một ngày sau đó, Philando Castile, một người đàn ông da đen 32 tuổi, bị cảnh sát bắn khi dừng xe trong một cuộc kiểm tra giao thông bình thường ở thành phố Falcon Heigh, bang Minnesota.

Những hình ảnh về hai vụ nổ súng của cảnh sát này được lan truyền trên mạng xã hội đã gây nên sự giận dữ trong cộng đồng người da màu ở Mỹ và là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt hành động phản kháng sự phân biệt đối xử nhằm vào người da màu. Chính vụ biểu tình ở Đa-lát, nơi diễn ra vụ bắn tỉa, cũng là một hoạt động phản kháng hòa bình như vậy, nhưng cuối cùng lại biến thành một cuộc tấn công đẫm máu.

Trước khi tiến hành vụ phục kích bắn chết 3 cảnh sát ở Baton Rouge, Ga-vin Ơ-giên Long đã viết nhiều thông điệp trên mạng xã hội để tôn vinh vụ bắn tỉa ở Dallas, đồng thời bày tỏ rằng y cảm thấy mệt mỏi về sự phân biệt đối xử với những người da màu gốc Phi của cảnh sát Mỹ.

Vậy phải chăng nguồn gốc thực sự của những cơn giận dữ nhằm vào cảnh sát là do người da màu bị phân biệt đối xử ở nước Mỹ?

Ngày 28-8-1963 , từ bậc thềm của Đài tưởng niệm Lincohn trong cuộc tuần hành đến Washington vì việc làm và tự do, nhà hoạt động nhân quyền của nước Mỹ, mục sư Martin Luther King đã có bài phát biểu nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ”. Trong bài hùng biện kinh điển này, ông mô tả ước mơ của mình cho tương lai của nước Mỹ, khi người da trắng và da đen có thể sống chung hòa thuận như những người bình đẳng.

Có vẻ như đến ngày nay, sau hơn năm thập kỷ, ước mơ của Martin Luther King vẫn còn là ước mơ chung của nhiều người da màu ở Mỹ.

Mà cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng của những người da màu ở nước Mỹ thật ra đã sớm hơn rất nhiều, từ năm 1863, khi Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ đã công bố tự do cho hàng triệu nô lệ. Hơn một thế kỷ rưỡi sau, chế độ nô lệ không còn nữa, cũng lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ đã có một Tổng thống da màu, thế nhưng sự bất bình đẳng màu da thì vẫn chưa bị xóa bỏ hoàn toàn.

Những con số thống kê về tỷ lệ người da màu phạm pháp và bị tù đày luôn cao hơn hẳn những người da trắng đã cung cấp cơ sở cho lý lẽ của người da màu về sự bất bình đẳng trong xã hội.

Chính sự nhạy cảm trong vấn đề màu da đã khiến cho ứng xử của cảnh sát Mỹ đối với người da màu luôn nằm trong tầm soi xét của dư luận, chỉ cần một vụ việc thôi là đã có thể thổi bùng cơn giận dữ của người da màu.

Thật ra, không phải nước Mỹ đã không nỗ lực để xóa bỏ ranh giới vô hình giữa các màu da, thế nhưng những nỗ lực đó có vẻ như chưa đủ. Việc mới đây Bộ Tài chính Mỹ quyết định đưa bà Harriet Tubman-một nhà hoạt động nhân đạo chống chế độ nô lệ người Mỹ gốc Phi trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên có mặt trên tờ 20USD không xóa bỏ được cái ấn tượng của người da màu về sự thiên vị của lực lượng thực thi luật pháp đối với người da trắng, rằng hệ thống luật pháp của nước Mỹ có thiên hướng chống lại những người Mỹ gốc Phi. Mâu thuẫn màu da đã và vẫn còn là một vấn nạn nhức nhối trong lòng nước Mỹ.

Không có bất cứ một lý lẽ nào có thể biện minh cho hành động xả súng nhằm vào cảnh sát Mỹ của những kẻ thủ ác. Nhưng trên một khía cạnh khác, nước Mỹ sẽ còn phải ngẫm nghĩ dài lâu về những gì vừa xảy ra. “Văn hóa súng đạn”, sự bất bình đẳng màu da trong đối xử của các nhân viên công lực Mỹ trong một vài trường hợp cá biệt, đã là thứ nhiên liệu nguy hiểm cho các hành động cực đoan.

Nếu nước Mỹ không khắc phục từ gốc rễ những nguyên nhân đó, sự giận dữ mang màu sắc đen tối sẽ tiếp tục phủ bóng lên xã hội Mỹ.

Theo Văn Yên

Quân đội nhân dân