1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Cảnh sát Mỹ lần đầu dùng robot để tiêu diệt nghi phạm bắn tỉa

(Dân trí) - Trong vụ bắn tỉa ở thành phố Dallas tối ngày 7/7, cảnh sát Mỹ lần đầu tiên sử dụng một loại robot phá bom đặc biệt, có khả năng mang theo thuốc nổ và được kích hoạt từ xa để tiêu diệt nghi phạm gây ra vụ tấn công này.

Quay được cảnh nghi phạm sát hại cảnh sát trong vụ đấu súng trực diện

Một robot do cảnh sát Mỹ điều khiển đang lấy một vật khả nghi từ thùng rác hồi tháng 4/2016 (Ảnh: Getty)
Một robot do cảnh sát Mỹ điều khiển đang lấy một vật khả nghi từ thùng rác hồi tháng 4/2016 (Ảnh: Getty)

Tờ ABC News dẫn lời cảnh sát trưởng thành phố Dallas David Brown kể lại sau vụ bắn tỉa của các tay súng nhằm vào lực lượng hành pháp trong cuộc biểu tình ôn hòa ở Dallas vào tối ngày 7/7 cho biết, lực lượng cảnh sát Texas đã quyết định sử dụng một robot có khả năng kích hoạt bom từ xa để tiêu diệt nghi phạm Micah Xavier Johnson, lúc đó vẫn đang cố thủ bên trong một tòa nhà và có vũ khí trong tay, sau hơn một giờ đàm phán bất thành. Đây là phương án hành động được cho là chưa từng có tiền lệ đối với lực lượng thi hành pháp luật ở Mỹ.

“Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải sử dụng một robot mang bom, sau đó kích nổ nó khi thiết bị này tiếp cận nghi phạm. Những phương án khác có thể khiến lực lượng cảnh sát lộ vị trí và đặt các sĩ quan vào tình thế nguy hiểm”, ông Brown chia sẻ với các phóng viên trong cuộc họp báo vào ngày 8/7.

Phương án sử dụng robot mang thiết bị nổ đã được cảnh sát Dallas triển khai khi con số thương vong của các cảnh sát liên tục tăng dần. Nhiều chuyên gia về chiến tranh và pháp lý nhận định việc sử dụng một robot chuyên rà phá bom mìn để tiêu diệt một phần tử có vũ trang trong một cuộc tấn công nhằm vào cảnh sát như hôm 7/7 là trường hợp đầu tiên xảy ra ở Mỹ. Theo đó, các robot này hoạt động nhờ tín hiệu điều khiển từ xa và thường được dùng cho các nhiệm vụ như thăm dò hay kiểm tra vật thể nghi là bom mìn.

David Klinger, giáo sư nghiên cứu Tội phạm học và Hình sự tư pháp tại Đại học Missouri-St. Louis, Mỹ, nhấn mạnh việc lực lượng cảnh sát Dallas dùng robot để tiêu diệt nghi phạm là "hoàn toàn đúng đắn". Theo ông Klinger, robot được điều khiển bởi một sĩ quan cảnh sát chuyên nghiệp đã được huấn luyện từ trước. Loại robot này được thiết kế có một cánh tay máy tương đối linh hoạt để cảnh sát có thể đặt lên đó một số thiết bị theo ý muốn như bom, máy quay phim, điện thoại được mã hóa, các thiết bị đánh lạc hướng hay thậm chí cả đồ ăn.

Tờ Fortune nhận định, ngoài những gì cảnh sát trưởng Dallas nói với phóng viên về việc sử dụng robot mang bom để tiêu diệt nghi phạm Johnson, những thông tin chi tiết về cách thức lực lượng này sử dụng robot đó như thế nào vẫn chưa được tiết lộ. Theo các nhà nghiên cứu tại Trung Tâm nghiên cứu thiết bị không người lái thuộc Đại học Bard, cảnh sát Dallas hiện sở hữu ít nhất 3 loại phương tiện, hoặc 3 loại robot hoạt động trên bộ. Họ có được những thiết bị này từ một chương trình 1033 của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho phép các cơ quan hành pháp có thể mua sắm các thiết bị dư thừa từ quân đội. Các cơ quan hành pháp có thể mua bất kỳ thứ gì họ muốn từ chương trình này, từ xe bọc thép, vũ khí đến robot.

Mặc dù chưa có thông tin chính thức về loại robot được cảnh sát Dallas sử dụng nhưng theo nhận định của ABC News, đó là mẫu C-4 của nhà sản xuất RoboteX. Trong vòng 5 năm qua, RoboteX đã chế tạo ra một loại robot đặc biệt, thường xuyên xuất hiện trong các hội nghị chiến thuật của lực lượng cảnh sát Mỹ. Loại robot này chỉ cao khoảng 45 cm, rộng 30 cm và nặng gần 5,5 kg. Với thiết kế nhỏ gọn như vậy, chúng có khả năng di chuyển lên xuống cầu thang. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có xác nhận chính thức về thông tin này.

Một mẫu robot do hãng RoboteX chế tạo. (Ảnh: ABC News)
Một mẫu robot do hãng RoboteX chế tạo. (Ảnh: ABC News)

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng cảnh sát Dallas có thể sử dụng một số loại robot khác như Packbot của hãng Endeavor Robotics, Talon của QinetiQ hay MARCbot của Exponent, theo Gizmodo. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho biết các mẫu robot hoạt động trên mặt đất này hiếm khi được sử dụng để tiêu diệt một đối tượng tình nghi. Mục đích chính của chúng là để dò tìm và vô hiệu hóa bom nhằm cứu sống nhiều người nhất có thể.

Điểm chung đáng lưu ý của các loại robot này là không tự hoạt động mà phải cần tới sự điều khiển từ xa của con người để đảm bảo rằng chúng sẽ vận hành chính xác và đi đúng hướng. Ngoài ra, những robot này đều được trang bị máy quay phim, từ đó cho phép người sử dụng có thể quan sát từ xa một cách chính xác nhất. Trong vụ tấn công ở Dallas, nhờ chức năng của camera gắn trên robot mà cảnh sát có thể điều khiển robot tiếp cận gần tới nghi phạm và kích hoạt thiết bị nổ thay vì ném lựu đạn về phía đối tượng tình nghi.

Việc sử dụng robot phá bom đã trở thành biện pháp hữu hiệu hỗ trợ tích cực cho các cơ quan hành pháp của Mỹ trong những năm vừa qua. Nhiều vụ việc đã xử lý ổn thỏa và không để thương vong nhờ vào công dụng của loại thiết bị hiện đại này.

Thành Đạt

Tổng hợp