Sử dụng điện thoại di động tại trạm xăng: Quốc tế ứng xử ra sao?
(Dân trí) - Dùng điện thoại di động ở trạm xăng có gây ra cháy nổ vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi trên thế giới. Nhiều người cho rằng đây chỉ là tin đồn, không có bằng chứng khoa học rõ ràng, tuy nhiên, vẫn cần phải tắt điện thoại để đề phòng.
Năm 2004, một sinh viên tại Mỹ khi đang bơm xăng cho chiếc xe thể thao của mình ở gần New Paltz, New York, thì có cuộc gọi tới. Anh mở điện thoại di động trả lời và đột nhiên thấy lửa bủa vây khắp người và sau đó là một quả cầu lửa khổng lồ bốc lên. Theo người đứng đầu cơ quan cứu hỏa New Paltz, Patrick Koch, nhân viên trạm xăng đã kích hoạt hệ thống chữa cháy dập tắt lửa và sinh viên có tên Matthew Erhorn may mắn chỉ bị bỏng nhẹ, mặc dù điện thoại của anh bị hỏng.
Lính cứu hỏa khi đó kết luận điện thoại di động của Erhorn đã kích lửa xăng bốc hơi lên từ thùng nhiên liệu của xe khi đang đổ xăng. “Điện thoại có thể đốt cháy xăng bốc hơi lên từ thùng chứa và gây ra thảm họa”, Koch khi đó cho biết về vụ tai nạn.
Mặc dù các trạm xăng ở Mỹ đều có gắn cảnh báo về việc sử dụng điện thoại, nhưng nhiều chuyên gia tỏ ra ngờ vực với kết luận trên. Thậm chí chương trình truyền hình Good Morning America còn tiến hành thử nghiệm trên giả thuyết điện thoại di động có thể gây hỏa hoạn ở trạm xăng và kết quả của họ cũng là sự ngờ vực.
Tĩnh điện là thủ phạm?
Các chuyên gia trên thế giới tin rằng tĩnh điện, chứ không phải điện thoại, gây ra vụ hỏa hoạn kể trên. Hỏa hoạn do tĩnh điện tại trạm xăng rất hiếm khi xảy ra, nhưng không phải là không có. Trang web của Viện thiết bị dầu mỏ (PEI) của Mỹ cho biết cho đến nay họ ghi nhận có 158 trường hợp cháy trạm xăng có liên quan đến tĩnh điện. Cũng theo trang web này tĩnh điện đã gây ra một vụ cháy trạm xăng đã được ghi lại bằng camera an ninh ở in San Antonio, Texas vào tháng 11/2002. Khách mua xăng bị bỏng nặng. Tĩnh điện cũng bị nghi là thủ phạm trong vụ cháy trạm xăng năm 1996 ở Tulsa, Okland, khiến một phụ nữ thiệt mạng.
Song Steve Fowler, kỹ sư điện của Hiệp hội Fowler, Mỹ, cho biết tín hiệu di động yếu tới mức không thể làm bắt lửa thậm chí là với hơi xăng dễ gây cháy nổ. Ông và Jim Farr, người đứng đầu cơ quan cứu hỏa ở hạt Gaston, Bắc Carolina., đã nghiên cứu về hỏa hoạn do tĩnh điện và cho rằng bản thân cơ thể chúng ta cũng có thể tạo tĩnh điện, theo nhiều hình thức khác nhau, như ra và vào xe. “Khi chà chân xuống thảm, bạn có thể tạo ra điện áp 35.000 volt”, Fowler cho hay. “Với trường hợp xe hơi, chúng ta có thể thấy điện áp cao tới 60.000 volt”. Và theo Fowler, điện áp này đủ lớn để gây cháy hơi xăng.
Fowler và Farr cho rằng với điện thoại di động, hoặc pin điện thoại di động, thì nguy cơ hỏa hoạn về lý thuyết là có thể xảy ra nhưng thực tế thì không hoàn toàn chắc chắn.
Các chuyên gia cho rằng sóng tần số vô tuyến RF do điện thoại di động tạo ra không thể gây hỏa hoạn bởi tổng điện tích điện thoại di động sử dụng là rất nhỏ. Kỹ sư thiết kế cũng luôn thiết kế sản phẩm tránh gây ra sự phóng điện hoặc nổ ở trạm xăng hoặc các môi trường dễ bị cháy nổ khác.
Về vụ hỏa hoạn liên quan đến sinh viên ở New York, mới đây phụ tá của Patrick Koch cho biết: “Dựa vào điều tra tiếp về hiện trường vụ việc và trao đổi với nạn nhân, tôi kết luận rằng nguồn gốc phát lửa là từ một nguồn khác chứ không phải là điện thoại mà người lái xe này sử dụng. Mặc dù chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết chắc, nhưng nguồn phát lửa nhiều khả năng là do phóng tích điện từ bản thân người lái xe tới vòi bơm xăng”.
Không có bằng chứng rõ ràng, nhưng “phòng còn hơn chữa”
Tuy nhiên, tất cả các công ty dầu khí lớn đều cấm dùng điện thoại di động ở trạm xăng nhằm đề phòng. Và nhằm tránh xảy ra bất kỳ tai nạn nào liên quan đến sự phóng tích điện, Viện thiết bị dầu khí (PEI) của Mỹ đã ra 3 quy định an toàn về đổ xăng gồm Tắt động cơ; Không hút thuốc và Không trở lại xe khi đang đổ xăng
Ngoài ra Good Morning American trong chương trình nói về điện thoại di động và trạm xăng dẫn lời các chuyên gia cho rằng, khi xảy ra hỏa hoạn, không bao giờ được rút vòi bơm xăng ra khỏi bình xăng bởi hành động này sẽ biến tình trạng xấu trở thành thảm họa.
Theo một báo cáo toàn diện của PEI, điện thoại có vẻ như không gây ra nguy cơ hỏa hoạn khi bơm xăng. Trong báo cáo này, PEI cho biết: “điện thoại di động vẫn tiếp tục được trích dẫn là nguyên nhân gây ra hỏa hoạn tại trạm xăng trong các bức thư điện tử được lan truyền trên mạng. Nhưng cho tới nay chúng tôi chưa thể ghi nhận bất kỳ vụ tai nạn nào do điện thoại di động gây ra”.
Trước đây, các nhà sản xuất điện thoại di động vẫn cảnh báo khách hàng về việc dùng thiết bị của họ gần trạm xăng, trong đó có hãng Motorola, Nokia… Nhưng gần đây, họ bắt đầu hạ thấp nguy cơ này và cho rằng nguy cơ thực sự rất nhỏ, đặc biệt là với những mẫu điện thoại mới, được phát triển tốt hơn. Ngành công nghiệp này đã dẫn ra hai nghiên cứu kết luận hoàn toàn không có bằng chứng chứng tỏ điện thoại di động là mối nguy hiểm trong môi trường có xăng.
Tuy nhiên “phòng còn hơn chữa”, nên việc cấm dùng điện thoại di động gần trạm xăng đang ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Hãng Shell giải thích cho chính sách mới của họ ở các nước châu Á: “Mặc dù lái xe khi sử dụng di động hoàn toàn an toàn, nhưng chúng tôi không cho phép sử dụng điện thoại ở trước trạm xăng, phòng trường hợp lỗi về điện của điện thoại có thể gây ra tia lửa.” Nhưng quy định cấm này chưa có hiệu lực ở các trạm xăng Shell ở Mỹ.
Các trạm xăng ở Australia đều gắn cảnh báo người đi xe tắt điện thoại di động khi bơm xăng. Hãng Shell ở Malaysia cũng đưa ra miếng dán có cảnh báo tương tự ở các trạm xăng. Nhiều trạm xăng ở Mỹ có cảnh báo về dùng điện thoại di động. Các nhà quản lý trạm xăng lớn ở Canada cũng cấm khách hàng dùng di động khi bơm xăng. Và vào năm 1999, thành phố Cicero ở Illinois, Mỹ, thông qua luật đầu tiên của Mỹ về cấm sử dụng di động ở trạm xăng. Hãng Exxon năm 1999 cũng cấm khách hàng ở Phần Lan sử dụng di động ở trạm xăng.
Vũ Quý
Tổng hợp