Sở thích của giới thượng lưu Trung Quốc
(Dân trí) - Những người giàu ở Trung Quốc đại lục chiếm tới 26% tổng số của toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, đây được coi là mảnh đất "màu mỡ" của các thương hiệu cao cấp Tây Âu, từ rượu, đồng hồ, quần áo đến xe hơi và du thuyền.
Ở một nước nhiều năm liền chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số như Trung Quốc, không có gì ngạc nhiên khi xuất hiện ngày càng nhiều triệu phú. Theo một báo cáo của Capgemini và Merrill Lynch, hiện có 345.000 người ở Trung Quốc đại lục có giá trị tài sản trên 1 triệu USD, chưa kể nhà ở. Còn ở Hồng Kông có 87.000 người.
Giá trị tài sản trung bình của các triệu phú ở Trung Quốc đại lục là 5 triệu USD, và ở Hồng Kông là 5,4 triệu USD, cao hơn mức trung bình 3,3 triệu USD của toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đặc biệt, hầu hết triệu phú của Trung Quốc có tuổi đời khá trẻ. Ở đây, 83% giới thượng lưu trong độ tuổi dưới 55, trong khi ở Nhật Bản, 73% là trên 55 tuổi.
Đặc điểm của những triệu phú trẻ Trung Quốc là thích hàng hiệu phương Tây. Đó là lý do tại sao các công ty như Rolls-Royce, Louis Vuitton… đang đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối tại Trung Quốc.
Và đây là những sở thích tốn kém của giới thượng lưu Trung Quốc:
Rượu hảo hạng
Người Trung Quốc không được biết đến như những người thích uống rượu. Nhưng gần đây, Hồng Kông đã giảm thuế đối với mặt hàng này với mong muốn trở thành một trung tâm rượu vang cho những người giàu có sở thích sưu tập rượu.
Tác phẩm nghệ thuật
Nhờ sở thích sưu tập của giới thượng lưu, giá các tác phẩm nghệ thuật của Trung Quốc đã tăng mạnh trong thời gian qua. Các tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hoá Trung Hoa cũng khá được ưa chuộng. Và đó là lý do để nhà đấu giá Christie's hy vọng rằng bức tranh sơn dầu chân dung Chủ tịch Mao Trạch Đông trên chất liệu lụa sẽ lập một kỷ lục về giá khi đem trưng bày tại Hồng Kông vào cuối tháng này.
Máy bay riêng
Các triệu phú Trung Quốc hầu hết là giới doanh nhân, nên nhu cầu đi lại khá cao. Để chủ động, thuận tiện và tiết kiệm thời gian, họ chọn giải pháp sử dụng máy bay riêng, thuê hoặc mua.
Gulfstream, phân nhánh của tập đoàn sản xuất máy bay cá nhân lớn thứ hai thế giới General Dynamics, đã chứng kiến doanh thu ở nước ngoài tăng đột biến trong thời gian vừa qua, một phần nhờ vào nhu cầu của các triệu phú Trung Quốc. Đất nước đông dân nhất thế giới bỗng chốc trở thành “mỏ vàng” của các nhà sản xuất máy bay cá nhân và công ty cung cấp dịch vụ bay thương mại. Hãng Jet Aviation của Thuỵ Sĩ, chuyên cung cấp dịch vụ bay cho giới thương gia vừa ký hợp đồng liên doanh với Deer Air, một công ty điều hành máy bay thương gia của Trung Quốc.
Thời trang cao cấp
Các công ty bất động sản ở Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều thành phố lớn khác của Trung Quốc bận rộn hơn hẳn trước cuộc đổ bộ của hàng loạt thương hiệu cao cấp như Moet Hennessy Louis Vuitton (LVMH). Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý, và là một vấn đề lớn của các hãng thời trang cao cấp phương Tây, là những người Trung Quốc thực sự giàu có lại thích sang tận các trung tâm thời trang lớn của thế giới như Milan hay Paris để mua sắm.
Phụ kiện đắt tiền
Richemont, công ty Thuỵ Sĩ sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Montblanc, Cartier, và Piaget, cho biết doanh số của công ty trong quý 1/2008 đã tăng 16%. Dù doanh số tại Nhật Bản giảm, nhưng Richemont chứng kiến tốc độ tăng trưởng 31% ở các nước còn lại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó phần lớn nhờ vào sức mua lớn ở Trung Quốc.
Du thuyền Italia
Hồi tháng trước, công ty du thuyền Azimut của Italia đã tuyên bố mở chi nhánh tại Trung Quốc. Nhà sản xuất du thuyền hàng đầu thế giới cho biết họ đã nhận được 4 đơn đặt mua du thuyền cỡ lớn, trong đó có mẫu Azimut 98 Leonardo dài 30m. Mục tiêu của Azimut là mỗi năm tiêu thụ 50 du thuyền tại Trung Quốc, bắt đầu từ 2012.
Xe Rolls-Royce
Rolls-Royce đang đẩy mạnh mở rộng mạng lưới phân phối trên toàn Trung Quốc, với các đại lý lớn ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Hồng Kông. Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ lớn thứ 3 thế giới của nhà sản xuất ô tô hạng “siêu” sang này, và nhiều khả năng sẽ vượt Anh để vươn lên vị trí thứ 2, chỉ sau Mỹ.
Các mức thuế “cao ngất” áp với ô tô nhập khẩu có vẻ như không phải là một rào cản lớn với giới thượng lưu Trung Quốc. Ở đây, sau khi tính các loại thuế, giá một chiếc Rolls-Royce Phantom mới nhập khẩu nguyên chiếc lên tới 800.000 USD, gấp đôi giá xuất xưởng, song không vì thế mà có ít xe Rolls-Royce ở Trung Quốc. Có vẻ như chính mức giá đó lại khiến dòng xe này càng thêm hấp dẫn đối với giới thượng lưu Trung Quốc, vì nó nói lên rằng họ rất giàu có, và họ thực sự muốn thể hiện điều đó.
Rolls-Royce không phải là nhà sản xuất ô tô hạng sang duy nhất chú ý phát triển thị trường Trung Quốc. Một loại các tên tuổi khác như Bentley, Aston Martin, Ferrari và Maserati cũng đang chứng kiến doanh số tăng trưởng mạnh tại đây.
Hàng cao cấp Đức
Với giới thượng lưu Trung Quốc, những chiếc ô tô Đức có một sức hút đặc biệt. BMW báo cáo doanh số tăng 42% ở Trung Quốc trong năm ngoái, và họ quyết định tăng 45% công suất nhà máy tại đây nhằm đáp ứng nhu cầu. Mercedes-Benz cũng đã chọn Bắc Kinh làm nơi ra mắt mẫu xe thể thao việt dã mới nhất của mình. Với mác xe sang Audi của tập đoàn Volkswagen, tình hình cũng tương tự.
Đặng Lê
Theo Business Week