1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Slovenia coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á

Minh Phương

(Dân trí) - Sáng 23/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề Châu Âu Slovenia Tanja Fajon.

Slovenia coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á - 1

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Cộng hòa Slovenia Tanja Fajon (Ảnh: Bộ Ngoại giao).

Tại cuộc hội đàm diễn ra sáng 23/5, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Cộng hòa Slovenia.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu Slovenia Tanja Fajon bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tích cực của Việt Nam trong thời gian qua; đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới; khẳng định Slovenia luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam, đối tác quan trọng hàng đầu của Slovenia tại khu vực Đông Nam Á. 

Trong không khí cởi mở, tin cậy, hai Bộ trưởng đã trao đổi toàn diện về tình hình kinh tế - xã hội mỗi nước và quan hệ hợp tác song phương. Trong gần 30 năm qua quan hệ hữu nghị truyền thống hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Slovenia đã và đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhất là về chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại. Hai bên nhất trí rằng, hai nước còn nhiều dư địa để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, đồng thời thống nhất các biện pháp nhằm đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực tiềm năng trong giai đoạn tới.

Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn; thúc đẩy giao lưu nhân dân. Việt Nam khuyến khích Slovenia tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau.

Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hợp tác kinh tế giữa hai nước vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt mức kỷ lục trên 570 triệu USD, tăng 15% so với năm 2021.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao việc Slovenia tổ chức Đoàn doanh nghiệp tháp tùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia trong chuyến thăm Việt Nam lần này. Bộ trưởng đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ để khai thác tối đa các cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại; khuyến khích Slovenia tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Slovenia có thế mạnh như vận tải biển, logistic, quản lý nước và rác thải...

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Slovenia Tanja Fajon đánh giá Việt Nam là nền kinh tế phát triển năng động ở Đông Nam Á và là một trong những thị trường tiềm năng của Slovenia tại khu vực. Bà bày tỏ mong muốn hai bên thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, cảng biển, logistics. Bà cho biết Quốc hội Slovenia đang trong quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) và khẳng định ủng hộ EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản của Việt Nam. Ngoài ra, Slovenia và Việt Nam đang phối hợp chuẩn bị tổ chức tốt khóa họp lần thứ 3 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế trong tháng 10 tới tại Slovenia.

Hai Bộ trưởng Ngoại giao cũng nhất trí sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, giao lưu nhân dân nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024. Ngoài ra, hai bên đã trao đổi về việc thúc đẩy và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn chính phủ Slovenia đã tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam hòa nhập và sinh sống ổn định tại Slovenia. Bộ trưởng đề nghị chính phủ Slovenia tiếp tục hỗ trợ cộng đồng người Việt, phát huy hơn nữa vai trò cầu nối, đóng góp cho sự phát triển quan hệ hai nước.

Tại hội đàm, hai bên cũng trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về Biển Đông, hai bên chia sẻ tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Sau hội đàm, hai Bộ trưởng đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Slovenia.

Theo Bộ Ngoại giao