Síp trở thành nước thứ năm yêu cầu được cứu trợ
(Dân trí) - Hôm qua Síp là nước thứ năm trong khu vực đồng euro chính thức đề nghị các nước đối tác trong liên minh tiền tệ châu Âu cứu trợ tài chính khi nước này phải gồng mình cứu vớt các ngân hàng chịu nhiều thua lỗ trong khủng hoảng nợ của Hy Lạp.
Chính phủ ở quốc đảo này nói trong một tuyên bố ngắn gọn rằng họ yêu cầu được hỗ trợ vì hiệu ứng lan toả sau "tác động tiêu cực đến toàn bộ khu vực tài chính của mình, do tiếp xúc lớn với nền kinh tế Hy Lạp.”
Người phát ngôn của chính phủ, Stefanos Stefanou không nói rõ Síp sẽ yêu cầu được cung cấp bao nhiêu tiền từ Quỹ giải cứu châu Âu. Ông cho biết số tiền cụ thể tùy thuộc vào kết quả của các cuộc thương lượng trong những ngày tới. Lãnh đạo của 27 nước Liên minh châu Âu sẽ có cuộc họp ở Brussels vào hôm thứ 5 tới (28/6).
Theo ông Stefanou, bất chấp đề nghị châu Âu giúp đỡ, chính phủ Síp sẽ tiếp tục thương lượng về một khoản vay với một nước ngoài EU, chẳng hạn như Nga hoặc Trung Quốc.
Síp đang cố gắng tìm kiếm khoảng 1,8 tỷ euro (2,26 tỷ USD) – hay khoảng 10% tổng sản phẩm quốc dân (GDP) trước thời hạn là ngày 30/6 để tái cấp vốn cho ngân hàng lớn thứ hai của mình là Ngân hàng bình dân Sip (CPB). Ngân hàng cho vay này bị tác động nặng nề nhất trong các ngân hàng của đất nước do các khoản nợ của chính phủ Síp, làm cho nó mất gần như toàn bộ giá trị trong năm qua trong một vụ xóa nợ.
Trong mấy tuần qua, ngân hàng này không thể tìm đủ tiền từ khu vực tư nhân và vì vậy phải cần đến tiền của chính phủ. Về phần mình, chính phủ cũng bị kẹt tiền và không thể tạo ra tiền thông qua việc phát hành trái phiếu, vì hiện thị trường này có tỷ lệ vay quá cao. Síp, đã được một khoản vay của Nga cứu sống trong năm nay, đang tranh luận xem có nên yêu cầu viện trợ châu Âu hay đi vay một khoản vay khác của Nga hoặc Trung Quốc, hoặc kết hợp cả hai.
Hôm qua (25/6), hãng đánh giá độ tín nhiệm, Fitch là cơ quan thứ ba đã hạ cấp độ tin cậy tín dụng của Síp xuống tình trạng xấu, ước tính rằng quốc đảo này sẽ cần thêm 4 tỷ euro (5 tỷ USD) để tái cơ cấu vốn khu vực ngân hàng. Fitch nêu việc các ngân hàng bị lây nhiễm của cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp cũng như sự gia tăng trong khoản nợ xấu trong năm qua trong khi nền kinh tế Síp đã bị thu hẹp và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức kỷ lục.
Phạm Ngọc Uyển
Theo Economictimes