1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Siêu tăng Mỹ biến dạng trước vũ khí xoàng

Đang băng băng trên đường thì vấp phải thiết bị nổ tự tạo (IED), chiếc Abrams của Iraq đã bị bay mất tháp pháo và trong xe cháy đen toàn bộ.

Thêm khắc tinh với tăng Mỹ

Thông tin về vụ tấn công này được trang quân sự Sina đăng tải, dù chỉ là thiết bị nổ IED nhưng nó vẫn đủ mạnh khiến tháp pháo của cỗ tăng này bay xa cả chục mét. Trong khi đó, phần thân xe biến dạng. Vụ tấn công này diễn ra từ cuối năm 2016, tuy nhiên đến nay nó mới được đăng tải.

Sau vụ tấn công, Iraq cho rằng, vũ khí IED này có lượng thuốc nổ không lớn, nhưng không may nó lại có thể kích nổ được lượng đạn dự trữ bên trong chiếc xe tăng và thảm họa đã xảy ra. Dù với lý do nào thì khả năng phòng vệ yếu kém của siêu tăng do Mỹ sản xuất này là không thể phủ nhận.

Bởi ngay trước khi cuộc tấn công này được công khai, một chiếc tăng Abrams trong quân đội Arab Saudi đã bị bắn hạ bằng tên lửa chống tăng 9K111 Fagot - vũ khí được coi là không đủ sức đánh bại tăng T-72 do Liên Xô sản xuất.

Tháp pháo tăng Abrams bay khỏi xe khi dính đòn của vũ khí IED.
Tháp pháo tăng Abrams bay khỏi xe khi dính đòn của vũ khí IED.

Theo trang Southfront, chiếc M1 Abrams của Arab Saudi bị tên lửa chống tăng của lực lượng Houthi phá hủy khi đang tiến gần biên giới với Yemen. Theo hình ảnh được công bố cho thấy, khi chiếc xe tăng đang đỗ trên bãi đất thì bất ngờ bị tấn công bởi các phiến quân, vụ cháy lớn xảy ra sau khi tên lửa bắn trúng mục tiêu.

Sau vụ tấn công, Arab Saudi không đưa ra bất cứ tuyên bố nào về vụ việc này. Tuy nhiên, theo thông tin từ phía Houthi, tên lửa được dùng trong vụ tấn công này là Fagot - vũ khí được sản xuất từ thời Liên Xô, đồng thời vũ khí này cũng chính là thủ phạm đã phá hủy 1 chiếc Abrams hồi tháng 8/2015 cũng của Arab Saudi.

Thông tin về vụ bắn hạ này được truyền thông Saudi Arabia cho biết, các tay súng thuộc lực lượng Houthi đã dùng tên lửa Fagot bắn trúng sườn tháp đã khiến cơ số đạn trong xe tăng bị kích nổ kinh hoàng.

Mạnh hơn T-90A

Dù thực chiến tan tác nhưng theo nhận định của tạp chí Business Insider, chiến tăng Abrams mạnh mẽ hơn T-90A của Nga. Theo tạp chí này, lực lượng tăng thiết giáp Mỹ lần đầu được trang bị chiếc M-1 Abrams đầu tiên từ năm 1980. Tuy nhiên, để thích nghi với chiến tranh hiện đại, loại tăng này đã trải qua nhiều lần nâng cấp với giáp, bộ chuyển động, hệ thống vũ khí...

Business Insider cho biết, Abrams được trang bị pháo chính cỡ nòng 120mm, hệ thống điều khiển điện tử, hệ thống vũ khí có thể điều khiển từ xa và lớp áo giáp nhiều lớp với các vật liệu đặc biệt.

Trong khi đó, Nga phát triển nguyên mẫu T-14 dựa trên khung gầm Armata, tuy nhiên loại xe này lại dựa trên thiết kế của mẫu T-90A, tạp chí Mỹ tiết lộ và cho biết thêm rằng, cho tới thời điểm này, T-90A vẫn là loại tăng mạnh cả về công và thủ.

Sức mạnh và độ tin cậy của dòng tăng này đã được chứng minh qua thực chiến tại chiến trường Syria khi nó vẫn sống tốt dù những chiến tăng này bị trúng tên lửa TOW không ít lần.

Nga bắt đầu trang bị tăng T-90A từ năm 2004. Tăng hạng nặng T-90A được thiết kế khá ấn tượng với hệ thống nạp đạn tự động, giáp phản ứng nổ, hệ thống phòng thủ chủ động, súng điều khiển từ xa... Cùng với đó là pháo chính với cỡ nòng 125mm. Tùy từng nhiệm vụ cụ thể, kíp lái có thể bắn tên lửa chống tăng với vệ tinh dẫn đường từ tháp pháo chính.

Sau khi phân tích sức mạnh của những cỗ tăng này, tạp chí Mỹ cho rằng tăng Mỹ nhỉnh hơn đôi chút và Mỹ có nhiều loại tăng hơn, có lịch sử đào tạo quân đội tốt hơn, cùng với đó lực lượng của Mỹ có nhiều kinh nghiệm chiến trường trong thời gian qua.

Clip tăng Abrams dính đòn đánh của vũ khí IED:

Theo Tuấn Hưng

Đất Việt