1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Siêu pháo "cơn lốc lửa" Nga phục kích, bắn nổ cứ điểm Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga công bố video siêu pháo Tornado-G tấn công các cứ điểm quan sát của Ukraine và phá hủy các vị trí này.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 27/9 đã công bố video ghi lại cuộc tấn công của siêu pháo Tornado-G thuộc Quân khu phía Tây nhằm vào các trạm quan sát của Ukraine.

Hình ảnh từ video cho thấy các pháo thủ di chuyển vào vị trí khai hỏa, triển khai xe chiến đấu trong vài phút, khai hỏa và phá hủy tất cả mục tiêu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các pháo thủ lập tức đổi vị trí.

Siêu pháo "cơn lốc lửa" Nga phục kích, bắn nổ cứ điểm Ukraine (Nguồn: Sputnik).

Nga đưa vào biên chế hệ thống hỏa lực phóng loạt Tornado-G từ năm 2014. Hệ thống được mệnh danh là "cơn lốc lửa" có bệ phóng 40 nòng cỡ 122mm. Theo tính toán, một loạt bắn 40 viên đạn của Tornado-G có sức sát thương bao trùm diện tích 84 héc-ta. Hệ thống pháo sẽ mất 38 giây để thực hiện một loạt bắn, gây ra sức công phá rất lớn. 

Thời gian để chuẩn bị sẵn sàng cho loạt bắn tiếp theo là 180 giây. Tornado-G có kíp vận hành 3 người. 

Pháo phản lực phóng loạt Tornado-G có thể bắn ra nhiều loại đạn như đạn rocket chứa đầu đạn con có khả năng dẫn đường, xuyên giáp, đạn rocket lắp đầu đạn nổ phá mảnh. Ngoài ra, Tornado-G còn được trang bị loại đạn rocket đặc biệt có tầm bắn khoảng 100km.

Hệ thống rocket phóng loạt Tornado-G được lắp phía sau xe tải Ural-4320 6x6. Tên lửa trên Tornado-G có thể mang đầu đạn nặng 40kg, có khả năng xuyên giáp dày từ 60mm đến 100mm.

Xe tải Ural chở tổ hợp tốc độ đường trường tối đa là 85km/h và có thể di chuyển trong phạm vi tối đa 650km mà không cần tiếp liệu. Xe được trang bị hệ thống lốp tiên tiến giúp tăng cường khả năng di chuyển và khả năng vượt địa hình của xe.

Xe có khả năng vượt qua các rãnh có độ sâu lên tới 1,2m và có thể vượt chướng ngại vật dưới nước có độ sâu khoảng 1,75m. Nhờ những tính năng này mà tổ hợp Tornado-G có thể di chuyển dễ dàng và nhanh chóng sau khi tấn công để tránh hỏa lực phản pháo của đối phương. 

Trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã sử dụng hàng loạt hệ thống hỏa lực tiên tiến, tạo ra sức mạnh áp đảo trước đối thủ trên nhiều mặt trận. Để gia tăng sức mạnh của các hệ thống hỏa lực, Nga đã sử dụng kết hợp thêm UAV đóng vai trò như "mắt thần" trên chiến trường để làm nhiệm vụ trinh sát, giúp các hệ thống pháo phát huy hiệu quả tấn công chính xác.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, các hệ thống pháo đã trở thành loại vũ khí nguy hiểm đối với lực lượng Ukraine.

Sức mạnh hủy diệt của pháo binh Nga thể hiện rõ trong chiến dịch phản công của Ukraine. Lực lượng Kiev nỗ lực vượt qua các bãi mìn, nhưng họ thường bị hạ gục bởi hỏa lực pháo binh trước khi có thể bắt kịp lực lượng Nga.

Mặc dù nhiều hệ thống vũ khí này đã được phát triển và sử dụng từ thời Liên Xô, nhưng chúng tỏ ra khá hiệu quả trước các khí tài quân sự được cho là vượt trội của phương Tây.

Theo Sputnik