Siêu chiến binh Nga chấp cả đạn xuyên giáp, bắn tỉa
Cùng với hệ thống quan sát, giáp bảo vệ, định vị, dẫn đường... trên Ratnik, binh sĩ Nga có thể thành siêu chiến binh với Ratnik-3 khi được tích hợp công nghệ exoskeleton.
Chống đạn và nhận diện đồng đội
Theo Tư lệnh Lục quân Nga - Tướng Oleg Salyukov, các nhà chế tạo của Nga đang phát triển hệ thống tác chiến Ratnik thế hệ 3 cho binh sĩ Nga trong tương lai.
Ratnik thế hệ 3 sẽ được bổ sung các công cụ sinh hóa, trong đó có hệ thống hỗ trợ vận động kiểu Exoskeleton, Tướng Oleg Salyukov cho biết. Sau khi được chế tạo, Ratnik 3 sẽ vượt trội các hệ thống tác chiến cá nhân của quân đội nước ngoài.
Hiện nay, khoảng 80.000 quân nhân Nga đang được trang bị và sử dụng hệ thống tác chiến cá nhân Ratnik thế hệ 2 trong năm 2015, Tướng Oleg Salyukov cho biết.
Theo Tướng Oleg Salyukov, Ratnik giúp binh sĩ Nga dễ dàng thoát được camera dò tìm mục tiêu bằng hồng ngoại. Bộ quân phục được dệt bằng một loại vải chứa hợp chất polymer có khả năng chống đạn, mảnh vỡ bom và mìn cỡ nhỏ, trong khi phần giáp hộ thân được gia cố bằng gốm và miếng lót hybrid chống vũ khí nhỏ hiệu quả, bao gồm đạn xuyên giáp.
Áo giáp trấn thủ 6B43 hoặc 6B45 được gắn những mảnh giáp gốm có khả năng ngăn chặn đạn súng trường bắn tỉa 5,65mm và A74, thậm chí cả đạn xuyên giáp, mảnh bom, mìn và lựu đạn ở khoảng cách gần. Mũ bảo hiểm 6B47 nhẹ hơn so với sản phẩm cùng loại của Mỹ có khả năng chống đạn rất hiệu quả.
Mũ bảo hiểm 6B47 được thiết kế có khả năng chịu đạn bắn từ súng lục ở khoảng cách 10m và một camera tầm nhiệt dùng trong trường hợp bắn tỉa mục tiêu của kẻ thù. Ratnik của Nga cũng bao gồm cảm biến nhận diện đồng đội-kẻ thù thông qua một số cảm biến đặc biệt trên bộ giáp.
Ratnik được trang bị hệ thống vũ khí bao gồm các loại súng rất mới và hiện đại như: AK-12 AEK-971, 6VM7-1 6VM7 có tầm bắn từ 1 đến 1,5km. Đặc biệt hệ thống camera giúp hệ thống bẻ góc vũ khí tiêu diệt bộ binh địch đang núp ở những góc khó tiếp cận nhất.
Siêu chiến binh với exoskeleton
Việc được tích hợp công nghệ exoskeleton lên bộ trang phục Ratnik có thể biến binh sĩ Nga thành những siêu chiến binh bởi theo những thông tin ban đầu được tiết lộ những thiết bị như exoskeletons sẽ giúp binh lính vác thêm được 200-300kg, “chuyển động, nhảy cao nhảy xa và ném các đồ vật nặng”.
Để làm được điều này, các khung xương trợ lực lặp lại hoàn toàn cơ chế cơ-sinh của con người nhưng tăng cường sức mạnh theo tỷ lệ thuận khi vận động. Exoskeleton được sử dụng chủ yếu trong mục đích quân sự. Mục tiêu của các dự án chế tạo Exoskeleton là tạo ra một “vỏ bọc” giúp tăng tốc độ, tính cơ động và sức mạnh của con người, ngoài ra Exoskeleton còn có tác dụng như một bộ giáp bảo vệ binh sĩ.
Hiện nay, Nga đã khởi động chương trình chế tạo exoskeleton. Đây là một nhiệm vụ không hề đơn giản bởi yêu cầu đặt ra là phải chế tạo một thiết bị thích hợp với rất nhiều tình huống tác chiến khác nhau và song song với đó là không làm giảm khả năng cơ động của binh sĩ.
Phương án tối ưu nhất được đưa ra là exoskeleton phải thay thế được hoàn toàn tứ chi của binh sĩ, ngoài ra phải cho phép mang theo mình một tải trọng khoảng 95% khả năng mang vác của con người. Thêm vào đó, exoskeleton phải kết hợp hài hòa với cơ thể con người, và thực hiện tất cả các ý định và mệnh lệnh của người mang.
Tuy nhiên trở ngại lớn nhất hiện nay đối với việc chế tạo các exoskeleton là việc tìm kiếm nguồn năng lượng thích hợp để cung cấp cho hoạt động của chúng trong một khoảng thời gian tương đối dài.
Nhiệm vụ kéo dài thời gian hoạt động liên tục của các exoskeleton là cực kỳ quan trọng bởi trong điều kiện thực chiến, trong các vùng rừng núi, sa mạc…việc “sạc pin” cho chúng là điều không thể thực hiện được.
Theo Ngọc Hòa
Đất Việt