1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Serbia nêu sai lầm lớn nhất của phương Tây ở Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Quyết định gần đây của phương Tây về việc viện trợ xe tăng cho Ukraine có thể coi là "sai lầm lớn nhất" của phương Tây ở Ukraine, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nhận định.

Serbia nêu sai lầm lớn nhất của phương Tây ở Ukraine - 1

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (Ảnh: TASS).

"Sai lầm lớn nhất của phương Tây là họ thông báo ý định viện trợ xe tăng cho Ukraine, đặc biệt là xe tăng Đức Leopard. Họ khiến Nga đoàn kết hơn nữa. Đó là sai lầm chính trị lớn nhất bởi họ đã gắn kết người Nga chỉ trong một ngày", hãng thông tấn TASS dẫn bình luận của Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 3/2.

Hôm 25/1, Mỹ công bố kế hoạch viện trợ Ukraine 31 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams do nước này sản xuất. Trong khi đó, chính phủ Đức cũng xác nhận cam kết chuyển 14 xe tăng Leopard 2 cho Kiev, đồng thời cho phép các nước châu Âu đang sở hữu loại xe bọc thép này tái xuất sang Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tiết lộ, Đức sẽ bàn giao Leopard 2 cho Ukraine vào cuối tháng 3. Xe tăng của Mỹ có thể sẽ bàn giao muộn hơn.

Ngoài Mỹ và Đức, một số nước châu Âu như Ba Lan, Na Uy, Slovakia, Hà Lan cũng cam kết gửi xe tăng chiến đấu đến Ukraine. Kiev hy vọng nhận được 140 xe tăng từ 12 quốc gia trong lô viện trợ đầu tiên.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Kiev dự đoán Nga đang chuẩn bị cho một đợt tấn công quy mô lớn trong mùa xuân này. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tin rằng, xe tăng do các đồng minh NATO viện trợ sẽ trở thành "nắm đấm thép" trong nỗ lực phản công của Kiev nhằm chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia tỏ ra thận trọng với đánh giá xe tăng phương Tây có thể giúp Ukraine xoay chuyển cục diện của cuộc xung đột kéo dài gần một năm qua. Theo họ, Ukraine cần nhiều hơn thế, không chỉ xe tăng mà còn máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa.

Quyết định cấp xe tăng của phương Tây cho Ukraine đã vấp phải chỉ trích gay gắt của Nga. Moscow coi đây là động thái "cực kỳ nguy hiểm" khiến xung đột có nguy cơ leo thang.

Điện Kremlin nhiều lần cảnh báo, bất cứ xe tăng phương Tây nào chuyển đến chiến trường Ukraine đều sẽ bị bắn cháy. Tổng thống Vladimir Putin hôm 2/2 tuyên bố, mức độ đáp trả của Nga sẽ không giới hạn ở việc sử dụng xe bọc thép.

Một số quốc gia cũng bày tỏ quan ngại về quyết định viện trợ xe tăng của phương Tây. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói, kế hoạch này khó giúp chấm dứt chiến sự. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định, điều đó khiến Mỹ và đồng minh tiến gần hơn đến kịch bản trở thành bên tham gia trực tiếp vào xung đột Ukraine.

              Các mốc chính trong chiến sự Nga - Ukraine

Tháng 2/2022: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov. Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk. Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia. Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10, cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm. Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Tháng 11: Sau khi bị Ukraine cắt đứt đường tiếp tế hậu cần, Nga buộc phải rút quân khỏi thành phố Kherson ở chiến trường miền Nam về bờ phía đông sông Dnipro.

Tháng 12: Tiền tuyến không có nhiều sự thay đổi lớn. Nga phải đối mặt với nhiều vụ tấn công nhằm vào cơ sở quân sự sâu trong lãnh thổ. Moscow cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ việc.

Tháng 1/2023: Nga dồn lực tấn công vào chiến trường miền Đông, quyết kiểm soát các khu vực trọng yếu từ tay Ukraine, đặc biệt là Bakhmut. Nga đã giành được một số khu vực lân cận, tạo thế gọng kìm quanh Bakhmut.

Phương Tây viện trợ các xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine. Trước đó, Mỹ và các nước châu Âu đã hỗ trợ Kiev nhiều khí tài, như hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS.

Theo RT, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine