1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sau 1 năm, Nga đã biến Crimea thành tiền đồn án ngữ cửa ngõ Đông-Tây

Kể từ khi sáp nhập, Nga đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế cũng như bố trí lại lực lượng quân sự tại bán đảo này.

Ngày 18/3/2014, Tổng thống Nga chính thức ký quyết định sáp nhập nước Cộng hòa tự trị Crimea và thành phố Sevastopol trở thành những chủ thể thuộc Liên bang Nga. Quyết định này được đưa ra sau cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea với kết quả hơn 96% người dân bỏ phiếu ủng hộ việc đưa bán đảo này sáp nhập vào Liên bang Nga.
 
Sau một năm sáp nhập, với việc Nga đổ nhiều công sức, tiền của đã khiến bán đảo Crimea có nhiều thay đổi so với trước đây.
 
Một góc bán đảo Crimea (Ảnh: Sputnik)
Một góc bán đảo Crimea (Ảnh: Sputnik)

Nền kinh tế và cuộc sống của người dân có nhiều đổi thay

Theo Sputnik, sau một năm sáp nhập vào Liên bang Nga, người dân Crimea có lẽ sẽ không phải hối tiếc về quyết định của mình.

Một năm qua, Crimea đã có những bước hội nhập nhanh chóng về kinh tế và chính trị với Liên bang Nga. Vượt qua nhiều trở ngại của giai đoạn chuyển tiếp, Crimea đã trở thành một phần của hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế Nga.

Đối với người dân Crimea - những người đã chọn việc sáp nhập với Liên bang Nga năm ngoái không phải hối tiếc về sự lựa chọn của họ. Cuộc thăm dò mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu Công luận Nga cho thấy, hơn 90% số người Crimea được hỏi cho biết họ vẫn sẽ chọn việc sáp nhập Crimea vào Nga nếu tiến hành lại một cuộc trưng cầu dân ý.

Cũng theo các chuyên gia phân tích, nền kinh tế của Crimea cũng dần được nâng cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng bị xuống cấp trong vòng hai thập kỷ qua đang được xây dựng lại. Một khu kinh tế tự do được Nga thành lập tại bán đảo này cũng đang có những bước phát triển tích cực dù đối mặt với nhiều khó khăn bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Việc sáp nhập của Crimea với Nga cũng mang lại những thay đổi nhất định trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của bán đảo này. Theo Phó Thủ tướng Crimea, Alla Pashkunova, thực tế là thường dân Crimea, kể cả người nghỉ hưu hiện đang nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe và y tế miễn phí. Các quan chức Crimea cho biết, trong năm 2015, chính quyền Crimea sẽ chi hơn 3 tỷ rúp (khoảng 50 triệu USD) để hiện đại hóa các bệnh viện.

Bên cạnh đó, lương hưu và tiền lương của người dân Crimea cũng được tăng lên. Tỷ lệ thất nghiệp ở Crimea đang giảm dần.

Nga cũng đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng và xây dựng lại ngành công nghiệp của Crimea. Hầu hết các cơ sở nghỉ mát của Crimea, hệ thống đường bộ, đường sắt, đường ống dẫn khí đốt đang được xây dựng lại.

Các nhà lãnh đạo Nga cũng đang giám sát chặt chẽ dự án xây dựng cầu Kerch nhằm kết nối bán đảo Crimea với đất liền của Nga. Theo quyết định của chính phủ được công bố vào tháng 1/2015, dự án này phải được hoàn thành muộn nhất vào tháng 12/2018. Theo ước tính, chi phí của cây cầu này vào khoảng 3,3 tỷ USD.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng Crimea cũng đang phát triển các đề án cung cấp nước ngọt liên tục cho khu vực này. Đây là vấn đề cấp thiết sau khi vào năm ngoái, chính quyền Kiev cắt nguồn cung cấp nước ngọt từ sông Dnepr qua kênh Bắc cho Crimea (khoảng 85% lượng nước sử dụng tại Crimea đều được cung cấp qua con kênh này).
 
Máy bay chiến đấu Nga được bố trí tại căn cứ không quân Belbek ở Crimea (Ảnh: Sputnik)
Máy bay chiến đấu Nga được bố trí tại căn cứ không quân Belbek ở Crimea (Ảnh: Sputnik)

Nga đầu tư xây dựng Crimea thành một căn cứ quân sự hùng mạnh

Hiện đại hóa quân sự tại bán đảo Crimea đã trở thành một trong những tiêu chí quan trọng trong sự phát triển của quân đội nước Cộng hòa này kể từ khi sáp nhập vào Liên bang Nga. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, đến nay Nga đã thành lập ở Crimea 7 đơn vị (cỡ sư đoàn) và 8 đơn vị (cỡ trung đoàn) với các chức năng khác nhau.

Bên cạnh đó, sau khi sáp nhập vào Nga, hơn 9.000 binh sĩ và 7.000 người Ukraine tại bán đảo Crimea đã gia nhập quân đội Nga. Hơn 70 đơn vị vũ trang Ukraine tại bán đảo này cũng tự nguyện gia nhập quân đội Nga cùng với 6 tàu chiến và 25 tàu hỗ trợ khác.

Sau khi sáp nhập vào Nga, Tư lệnh Hải quân Nga Viktor Chirkov cho biết tại Crimea có 79 tàu của Hải quân Ukraine, trong đó có 25 tàu chiến và Nga sẵn sàng bàn giao cho Ukraine.

Kể từ 11/4/2014 đến tháng 6/2014, Nga đã chuyển giao 43 tàu, thuyền cũng như toàn bộ các xe quân sự một số máy bay và trực thăng cho Ukraine. Tuy nhiên, vào giữa tháng 6/2014 khi Cơ quan An ninh quốc gia và Hội đồng Quốc phòng Ukraine đình chỉ hợp tác quân sự và kỹ thuật với Nga, quá trình này đã bị tạm ngừng.

Mới đây, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thông báo rằng, Ukraine dự định lấy lại toàn bộ số vũ khí còn lại của mình ở Crimea. Tuy nhiên, dự định này có khả năng không thực hiện được bởi Mùa hè năm 2014, chỉ huy của Hạm đội Biển Đen của Nga, Đô đốc Aleksandr Vitko cho biết, Nga sẽ không nối lại việc chuyển giao các thiết bị quân sự và tàu chiến cho Ukraine, vì chúng có thể được sử dụng trong các cuộc xung đột ở Donbass.

Tháng 9/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu lưu ý rằng, sự leo thang chiến sự ở Ukraine, việc sáp nhập Crimea với Nga cũng như sự hiện diện quân sự ngày càng gần biên giới Nga đòi hỏi phải có sự điều chỉnh quân sự ở phía Nam đất nước.

Thực hiện sự điều chỉnh này, tháng 11/2014, Nga đã điều 14 máy bay chiến đấu đa năng Su-27SM và Su-30 đến căn cứ không quân Belbek tại Crimea. Hệ thống phòng không tại đây cũng nhận được các tổ hợp tên lửa S-300PMU và Pantsi-S1 mới.

Việc sáp nhập Crimea cũng tạo điều kiện để Nga phát triển Hạm đội Biển Đen. Theo kế hoạch năm 2015 và 2016, Hạm đội Biển Đen sẽ nhận được 6 tàu khu trục mới thuộc dự án Grigorovich, 6 tàu ngầm diesel thuộc dự án 636 "Varshavianka" cũng như các tàu mang tên lửa Buyan-M. Hầu hết trong số này sẽ được bố trí tại Crimea.
 
Trung tâm đào tạo người nhái của Hạm đội Biển Đen (Ảnh: Sputnik)
Trung tâm đào tạo người nhái của Hạm đội Biển Đen (Ảnh: Sputnik)

Bên cạnh đó, một lực lượng bảo vệ và chống phá hoại ngầm cũng đã được thành lập để bảo đảm an ninh tại Crimea. Với việc Trung tâm huấn luyện cá heo của Hải quân Ukraine tại Sevastopol gia nhập Hải quân Nga, tháng 1/2014, Hạm đội Biển Đen đã tiến hành diễn tập với những chú cá heo có thể phát hiện tàu ngầm ở độ sâu hơn 60 mét.

Ngoài cá heo, Hạm đội Biển Đen cũng đang thành lập một Trung tâm đào tạo người nhái cho các hoạt động cứu hộ và chống phá hoại ngầm. Tháng 6/2014, Đô đốc Vitko tuyên bố rằng, Hải quân đang có kế hoạch thành lập một trung tâm mới cho các chuyên gia lặn và sẽ sử dụng trường lặn của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol như một căn cứ.

Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ bờ biển của Hạm đội Biển Đen cũng nhận được các hệ thống tên lửa chống tàu Bastion và Bal mới, thay thế phiên bản cũ.

Nga cho rằng, hiện có nhiều thách thức đối với an ninh của Crimea. Những thách thức đó không chỉ là sự hiện diện của NATO tại Biển Đen mà cả từ lực lượng pháo binh Ukraine tại biên giới với bán đảo này. Chính vì vậy, việc xây dựng tại Crimea một cứ điểm mạnh là yêu cầu cấp thiết hiện nay./.
Theo Nguyễn Hùng/VOV.VN