1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

SARS-CoV-2 có thể sống lâu hơn vào mùa thu

Minh Phương

(Dân trí) - Vi rút SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên các bề mặt 1 tuần trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thấp như mùa thu, trong khi mùa hè thời gian này chỉ khoảng từ 1-3 ngày.

SARS-CoV-2 có thể sống lâu hơn vào mùa thu - 1
SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên các bề mặt lâu hơn trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thấp của mùa thu. (Ảnh minh họa: AP)

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Kansas (Mỹ) công bố trên trang web bioRxiv.org hôm nay 31/8 cho biết trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thấp, vi rút SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên áo khoác của người đi đường nếu nó được để ngoài trời khoảng 1 tuần và vẫn có khả năng lây lan trong thời gian đó. Tuổi thọ của SARS-CoV-2 trong mùa hè ước tính chỉ từ 1-3 ngày.

Các nhà khoa học cũng tin rằng vi rút này có thể tồn tại lâu hơn trong nhà trong điều kiện khô và lạnh hơn. Nghiên cứu chỉ ra, tốc độ phân hủy của SARS-CoV-2 là gần 8 giờ trên bề mặt tay nắm cửa bằng thép không gỉ hay gần 10 giờ trên cửa sổ, lâu gấp đôi so với tốc độ phân hủy vào mùa hè.

Nhóm chuyên gia của Đại học Kansas đã sử dụng các dữ liệu khí hậu ở vùng Trung Tây nước Mỹ để giả lập các mùa trong phòng nghiên cứu an toàn sinh học. Nhiệt độ được kiểm soát ở 13 độ C và độ ẩm 66% cho mà xuân và mùa thu, trong khi nhiệt độ mùa hè là 25 độ C và độ ẩm 70%. Vi rút sau đó được đưa lên 12 bề mặt vật liệu khác nhau mà con người hay tiếp xúc hàng ngày như bìa các tông, cao su, bê tông, khẩu trang N95, găng tay. Mục đích là nhằm xác định khả năng tồn tại của vi rút có thay đổi theo mùa hay không.

Khi dịch Covid-19 mới bùng phát, cộng đồng khoa học hy vọng tốc độ lây lan của vi rút này sẽ chậm lại vào mùa hè, và ít có khả năng tồn tại trong không khí trong thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, dịch tái bùng phát mạnh và thậm chí với tốc độ lây lan kỷ lục ở nhiều nơi trên thế giới vào mùa hè. Điều này làm dấy lên câu hỏi liệu Covid-19 có bị tác động theo mùa hay không.

Mùa thu cũng có thể là thời điểm gia tăng các bệnh truyền nhiễm khác như cúm và có thể gây sức ép lớn hơn nữa đến hệ thống y tế toàn cầu. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần duy trì các biện pháp vệ sinh cá nhân, thường xuyên khử khuẩn các bề mặt có nguy cơ lan truyền vi rút, thực hiện giãn cách xã hội.

Đại dịch Covid-19 đến nay đã khiến hơn 25 triệu người trên thế giới mắc bệnh, trong đó hơn 850.000 người đã tử vong. Mỹ, Brazil và Ấn Độ hiện là 3 tâm dịch lớn nhất thế giới.

Trong bối cảnh dịch tiếp tục bùng phát mạnh, vắc xin được coi là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm đẩy lùi đại dịch. Nga đã phê chuẩn vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên có tên Sputnik V ngay cả khi chưa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 - giai đoạn được đánh giá là cực kỳ quan trọng để xác định tính hiệu quả, độ an toàn của vắc xin. Vắc xin thứ hai của Nga cũng dự kiến được phê chuẩn vào tháng tới.

Trung Quốc cũng đã cấp bằng sáng chế cho một loại vắc xin Covid-19 do doanh nghiệp nước này nghiên cứu, phát triển. Ngay từ tháng 7 năm nay, chính quyền Trung Quốc đã cho phép dùng vắc xin Covid-19 thử nghiệm với những người thuộc nhóm có nguy cơ cao.

Từng hoài nghi về chất lượng vắc xin của Nga vì "đốt cháy giai đoạn", song Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) phát tín hiệu sẵn sàng phê chuẩn cho vắc xin chưa qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 nếu cảm thấy việc này "thỏa đáng".