1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sang Lào đi chùa Việt

(Dân trí) - Ở đường Noongbon, quận Saysetha, thủ đô Viên Chăn (Lào) có một ngôi chùa Việt, nơi những sư thầy, tăng ni, phật tử luôn hướng về đất mẹ.

Độc nhất Phật tích linh ứng tự

Vừa thực hiện xong lễ tụng kinh niệm phật vào cuối giờ chiều sư thầy Thích Minh Quang trì sự ngôi chùa lớn nhất của người Việt tại thủ đô Viêng chắp tay chào mọi người. Ngôi chùa đang được xây dựng lại còn khá ngổn ngang gạch vữa, vì thế thầy Quang đành phải dẫn chúng tôi vào nơi đón tiếp vừa mới được tăng ni phật tử dựng tạm ở góc chùa để tránh bụi và tiếng ồn.

Quả là một câu chuyện đặc biệt về sự hình thành của Phật tích linh ứng tự qua lời kể của sư thầy Thích Minh Quang. Người có công xây dựng nên ngôi chùa này là Ni sư Niệu Thiện, sư thầy chủ trì ngôi chùa trong suốt từ năm 1960 đến 2003.
 
“Tiền thân ngôi chùa hiện tại là một cái nghĩa trang của người Việt mình. Sau khi nghĩa trang bị phá bỏ bà con người Việt lập nên một miếu nhỏ để nhang khói hằng ngày. Vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước miếu lại được nâng cấp thành một cái am, trước khi được Ni sư Niệu Thiện phát triển thành chùa” - thầy Quang kể.
 
Sang Lào đi chùa Việt - 1
Chuẩn bị lễ Phật tại Phật tích linh ứng tự
 
Nhìn khu đất đang ngổn gạch vửa và khó bụi vốn là ngôi chùa chính vừa được dở bỏ để xây một ngôi chùa mới Thầy Quang thổ lộ với chúng tôi: “Gần 50 năm hình thành chùa đã trải qua nhiều biến cố, nền móng, tường rào hỏng phải tu bổ nhiều lần. Lần này Ban trị sự chùa đã quyết tâm kêu gọi sự đóng góp của tín đồ phật tử đang sinh sống tại đây để cất xây một ngôi chùa mới thay cho ngôi chùa cũ đã xuống cấp. Mặc dù kinh phí rất lớn, ước tính lên đến 250.000USD, nhưng mới phát động mà bà con phật giáo hết lòng ủng hộ”.
 
Có những điều đặc biệt mà thầy thầy Quang đã chỉ ra cho chúng tôi về Phật tích linh ứng tự. Dù vẫn mang đậm nét truyền thống của chùa Việt như duy trì các ngày đại lễ tết Nguyên đán, rằm tháng giêng, rằm tháng 7, tết Vulan... nhưng Phật tích linh ứng tự vẫn có những nét riêng biệt rất dễ nhận ra. Bắt đầu từ kiến trúc, Phật tích linh ứng tự không còn những nét của phật giáo đại thừa (Bắc tông) mà nó mang hình dáng của kiến trúc tiểu thừa (Nam Tông).
 
Không giống như chùa Việt ở bên mình, ở đây, tín đồ phật tử không chỉ bó hẹp trong số bà con Việt kiều đang sinh sống ở thủ đô Viên Chăn và những vùng lân cận mà còn có cả tín đồ phật tử người Thái, người Hoa và cả người Lào.

Tâm hướng về đất mẹ"

Hàng chục năm qua, bà con Việt Kiều không chỉ biết đến Ni sư Niệu Thiện là người có công lập nên Phật tích linh ứng tự, mà họ con biết đến ni sư như là một con người có tấm lòng hướng thiện, hết mình vì người nghèo, đất nước. “43 năm trị vì ngôi chùa, thầy đã đã dạy cho chúng tôi triết lý sống hướng thiện. Thầy đã mang đến niềm vui cho rất nhiều người vốn có hoàn cảnh khó khăn. Thầy cũng chính là cầu nối của bà con phật tử ở nơi xa xôi này với bà con phật tử trong nước và Giáo hội phật giáo Việt Nam” - thầy thích Minh Quang kể về tấm gương và công lao của Ni sư Niệu Thiện.

Năm 2003, sau 43 năm trị sự ngôi chùa Ni sư Niệu Thiện quy tịch. Cũng từ đó hai sư thầy Thích Minh Quang và Thích Minh Nguyệt thay Ni sư trị sự chùa. Thầy Quang và thầy Nguyệt vốn là người quê gốc tỉnh Nam Định, sang Lào hành đạo từ năm 1990. Cả hai thầy tâm sự với chúng tôi: “Tu đạo và hướng thiện là con đường mà chúng tôi đã chọn. Chúng tôi không chỉ biết nói bằng lời mà luôn làm tất cả tấm lòng của mình”.
 
Sang Lào đi chùa Việt - 2
Phật tích linh ứng tự là nơi đã cưu mang những người già, neo đơn
 
Đó là điều mà chúng tôi không hề ngạc nhiên khi được biết cách Viêng khoảng một tiếng đồng hồ đi xe "túc túc" Phật tích linh ứng tự có một trại dưỡng lão ở Noọng Vẹng. Thầy Quang giới thiệu, trại dưỡng lão của chùa là nơi chùa nhận chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ gặp khó khăn, không nơi nương tựa. Hiện trại mới chỉ có vài cụ dưỡng lão ở đây, nhưng trong tương lai khi trại hoàn thiện hơn sẽ có nhiều cụ đến đây sinh sống những ngày cuối đời”.

Nhưng, điều ấn tượng nhất ở ngôi chùa đặc biệt này mà chúng tôi cảm nhận được, đó là tấm lòng vì đất nước của các sư thầy. Vốn xem mình là một chi nhánh của Giáo hội phật giáo Việt Nam, suốt hàng chục năm qua Phận tích linh ứng tự đã có những hành động thiết thực hướng về quê nhà.

Thầy Thích Minh Quang khẳng định: “Giữ gìn và phát huy tốt mối quan hệ với Giáo hội phật giáo Việt Nam là trách nhiệm hàng đầu của chúng tôi. Vì thế cứ mỗi lần Giáo hội có cuộc họp nào quan trọng là nhà chùa chúng tôi cũng có sư thầy về dự. Ở đó chúng tôi chia sẽ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của bà con phật giáo bên này”.

Với thầy Quang, từ năm 2000 đến nay, gần như năm nào thầy cũng về quê. Mới đây, tháng 11.2007 thầy đã dẫn một đoàn hơn 100 tăng ni, phật tử ở Lào về TP. Hồ Chí Minh để giao lưu với giới tăng ni phật tử trong nước. Thầy Quang tâm đắc “những cuộc gặp như thế là rất cần thiết, giúp giới tăng ni phật tử ở Lào hiểu hơn về tình hình phật giáo, đời sống nhân dân trong nước và ngược lại”.

Hướng về quê hương thầy Quang không dấu được niềm vui trước sự đổi thay nhanh chóng của đất nước: "Tôi còn nhớ, khi tôi ra đi thì đất nước còn thiếu lương thực trầm trọng, nhưng bây giờ thì đất nước đã là nước xuất khẩu gạo hàng đầu, công nghiệp phát triển mạnh. Người dân không còn biết đói nữa mà họ đang nói chuyện làm giàu. Ở bên này, thi thoảng có dịp gặp giới doanh nhân người Việt, họ cũng thừa nhận đất nước mình phát triển nhanh, và rất ngoạn mục. Đấy cũng là tâm nguyện của bà con phật giáo xa nhà!”.

Bài và ảnh: Văn Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm