Rời hang an toàn, đội bóng nhí Thái Lan bắt đầu chặng đường hồi phục
(Dân trí) - Đội ngũ y tế đang vào cuộc để chăm sóc cho đội bóng thiếu niên Thái Lan vừa được đưa ra khỏi hang Tham Luang sau 17 ngày mắc kẹt với hy vọng có thể sớm giúp các em trở lại cuộc sống bình thường.
Một chiến dịch giải cứu kỳ diệu đã đưa toàn bộ 12 cầu thủ nhí trong đội bóng thiếu niên Thái Lan và huấn luyện viên ra khỏi hang ngập nước hôm 10/7 sau hơn hai tuần bị mắc kẹt. Ngay sau khi rời khỏi hang, tất cả đã được đưa tới bệnh viện để điều trị với sự hỗ trợ của đội ngũ y tế cùng các trang thiết bị hiện đại. Con đường hồi phục của cả đội bóng bây giờ mới thực sự bắt đầu.
Theo Tiến sĩ Sanjay Gupta, để có thể hiểu rõ hơn về cách thức các cầu thủ nhí và huấn luyện viên hồi phục sức khỏe, các bác sĩ cần xem xét lại khoảng thời gian họ bị mắc kẹt trong hang suốt nhiều ngày.
“Liên quan tới những yếu tố căn bản như sự mất nước, suy dinh dưỡng và giảm thân nhiệt, các bác sĩ sẽ hiểu rõ về thể trạng cơ thể của các cậu bé và tính toán xem họ sẽ tiếp đồ ăn và bổ sung nước cho các em với tần suất nhanh chậm như thế nào, dựa vào khoảng thời gian sống trong hang”, Tiến sĩ Gupta cho biết.
Jedsada Chokedamrongsook, thư ký thường trực của Bộ Y tế Thái Lan, cho biết những cầu thủ nhí đầu tiên được giải cứu hôm 8/7 nằm trong độ tuổi từ 14-16. Nhiệt độ cơ thể của các cầu thủ này rất thấp khi được đưa ra khỏi hang và có 2 em bị viêm phổi. Trong khi đó, các cầu thủ nhí trong nhóm giải cứu thứ hai tuổi từ 12-14. Một em trong nhóm này ban đầu bị phát hiện có nhịp tim rất chậm, nhưng sau đó đã thích ứng tốt với liệu trình điều trị.
Liên quan tới cả hai nhóm trên, các quan chức y tế Thái Lan hôm qua cho biết tất cả các cậu bé đều khỏe mạnh, không bị sốt và tinh thần ổn định. Các em sẽ ở lại bệnh viện trong khoảng 7 ngày do hệ thống miễn dịch vẫn còn yếu. Tất cả vẫn đang được nằm trong phòng cách ly để bảo vệ cơ thể không bị nhiễm trùng. Ngay cả người thân cũng chỉ được nhìn thấy các cầu thủ nhí qua cửa sổ, nhưng vẫn có thể trò chuyện qua điện thoại. Họ sẽ được đưa vào phòng gặp các cậu bé sau khi các kết quả xét nghiệm cho thấy các em hoàn toàn không còn nguy cơ bị nhiễm trùng.
“Lý do bị cách ly đó là khi các em không được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên trong khoảng thời gian dài do sống ở trong hang, cơ thể bắt đầu có sự thay đổi. Một số chỉ số bắt đầu giảm xuống, trong đó có hệ miễn dịch”, chuyên gia Gupta cho biết.
“Khi hệ miễn dịch yếu đi, một mầm bệnh nào đó có thể gây nguy hiểm cho các cậu bé. Đó là lý do các bác sĩ không cho phép cha mẹ chạm vào cơ thể con họ, vì bất kỳ sự va chạm nào cũng tiềm ẩn rủi ro”, ông Gupta nói thêm.
Nguy cơ nhiễm trùng
Ngoài việc kiểm tra xem có nguy cơ nhiễm trùng mới hay không, các bác sĩ có thể sẽ tìm hiểu thêm các dấu hiệu về nhiễm trùng bắt nguồn từ chính trong hang động, chẳng hạn các bệnh về phổi do nhiễm nấm Histoplasma. Bệnh này có thể mắc phải do tiếp xúc với nấm thường có trong phân dơi hoặc chim. Đây là căn bệnh thực sự và những người hay khảo sát hang động thường có nguy cơ mắc phải”, ông Gupta cho biết.
Theo Giáo sư Dee Carter tại Trường Sự sống và Khoa học Môi trường thuộc Đại học Sydney, có nhiều mức độ khác nhau của bệnh nhiễm khuẩn từ hang động.
“Thông thường, hệ thống miễn dịch bên trong cơ thể của một đứa trẻ hay người lớn khỏe mạnh sẽ giúp chống lại bệnh này và nếu có bất kỳ triệu chứng nào thì cũng chỉ như bệnh cúm. Các cậu bé tại Thái Lan lẽ ra có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, nhưng có lẽ hệ thống này đã bị tổn thương do bị bỏ đói lâu ngày và việc cách ly có thể sẽ giúp xử lý bất kỳ nguy cơ nhiễm bệnh nào từ tóc, quần áo hoặc các đồ đạc khác”, bà Carter nói.
“Nếu nguy cơ nhiễm khuẩn từ nấm Histoplasma tăng lên, và chuyện này đôi khi xảy ra cả với những người khỏe mạnh, các triệu chứng cảm cúm ban đầu có thể chuyển thành các vấn đề giống như viêm phổi. Trong một số ít trường hợp, nguy cơ nhiễm khuẩn này lan sang các cơ quan khác và đây là vấn đề nghiêm trọng. Có rất ít thuốc để điều trị và ở giai đoạn sau của quá trình điều trị, thuốc có thể sẽ không còn tác dụng và gây ra những phản ứng phụ”, Giáo sư Carter phân tích.
Do vậy, mối lo ngại về nguy cơ các cầu thủ nhí Thái Lan bị nhiễm khuẩn viêm phổi là có cơ sở. Ngoài ra, theo nhà nghiêm cứu Hosam Zowawi tại Trung tâm Nghiên cứu Khám chữa bệnh thuộc Đại học Queensland, hang động cũng là nơi tiềm ẩn nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác như bệnh dại, bệnh xoắn trùng hay sốt hồi quy.
“Hang động tạo môi trường tuyệt vời cho các loài dơi và dơi lại là loài tiềm ẩn nhiều loại virut. Đó là lý do các nhà nghiên cứu virut thường nghiên cứu loài dơi từ các hang động như một nguồn trung chuyển virut gây chết người, chẳng hạn virut Ebola hay Nipah”, chuyên gia Zowawi cho biết.
Theo bác sĩ Peter Lin, một chuyên gia về y tế, mắt của các cầu thủ và huấn luyện viên cần được bảo vệ vì cần có thời gian thích ứng với ánh sáng ban ngày sau một thời gian ở trong hang tối. Ngoài ra, họ cũng có thể bị rối loạn giấc ngủ do sống trong môi trường thiếu ánh sáng suốt nhiều ngày. Tuy nhiên theo bác sĩ Lin, lợi thế của đội bóng thiếu niên Thái Lan là sức trẻ, do vậy ông tin rằng họ sẽ nhanh chóng hồi phục sau thời gian điều trị trong bệnh viện.
Thành Đạt
Tổng hợp