1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Rò rỉ video quân đội Mỹ sát hại dân thường Iraq

(Dân trí) - Đoạn băng video bí mật quay cảnh một cuộc tấn công từ trực thăng của quân đội Mỹ ở thủ đô Baghdad, Iraq khiến hàng chục dân thường thiệt mạng đã được tải lên Internet.

 
Rò rỉ video quân đội Mỹ sát hại dân thường Iraq - 1
Hình ảnh trong đoạn video bị rò rỉ.
 
Các nhà tổ chức của trang web WikiLeaks cho hay họ đã được gửi đoạn video được quay từ camera trên các trực thăng Apache của Mỹ. Vụ tấn công xảy ra ngày 12/7/2007. Họ nói đã giải mã video nhưng không tiết lộ người đã cung cấp nó.
 
WikiLeaks là trang web chuyên vận động cho sự tự do thông tin và đăng tải các tài liệu nội bộ bị rò rỉ trên mạng nhằm phơi bày các vụ tham nhũng của chính phủ, doanh nghiệp trên khắp thế giới.
 
Video, được công bố hôm 5/4, là một băng ghi hình chất lượng cao và có vẻ chính xác. Nó đi kèm với những lời đối thoại của phi công và các binh sĩ Mỹ dưới mặt đất.
 
Video quay cảnh một đường phố ở Baghdad và nhóm khoảng 8 người mà phi công trên trực thăng nhận dạng là các phần tử nổi dậy có vũ trang. “Hắn có súng phóng lựu RPG. Tôi sẽ bắn”, một người nói.
 
Sau khi có một giọng nói hối thúc phi công “bắn chúng đi”, nhóm người đi trên đường phố đã bị tấn công bởi súng đại bác trên trực thăng Apache. Vài phút sau đó, khi một chiếc xe van chạy tới hiện trường để trợ giúp những người bị thương, chiếc xe cũng bị bắn. Tổng cộng khoảng 12 người đã thiệt mạng.
 
Các binh sĩ Mỹ trên mặt đất sau đó xác định có hai trẻ em bị thương và đồng ý đưa nạn nhân tới bệnh viện. Một giọng nói cất lên trong đoạn băng đối thoại: “Đó là lỗi của bọn chúng khi mang con vào chiến trường”.
 
Xem video:
 
 
Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công năm 2007, quân đội Mỹ cho biết các trực thăng Apache đã tham gia vào trận chiến nhằm chống lại các hành động thù địch. Tuy nhiên, video cho thấy không ai trong nhóm bị tấn công có hành động thù địch nào.
 
WikiLeaks cho biết trong nhóm người bị sát hại có phóng viên ảnh Namir Noor-Eldeen, 22 tuổi, của hãng thông tấn Reuters và tài xế kiêm trợ lý của anh, Saeed Chmagh, 40 tuổi. Các binh sĩ Mỹ đã nhầm những chiếc máy ảnh mà hai người này mang theo người là súng phóng lựu RPG.
 
Một quan chức quốc phòng Mỹ sau đó xác nhận video và băng ghi âm là thật.
 
Hãng thông tấn Reuters đã đấu tranh để được xem đoạn video này kể từ năm 2007 nhưng không thành.
 
David Schlesinger, tổng biên tập của Reuters, đã ra tuyên bố nói rằng video của WikiLeaks về cái chết của các nhà báo là “thảm họa và là biểu tượng cho những nguy hiểm tột cùng của việc tác nghiệp tại các vùng chiến sự”.
 
An Bình
Tổng hợp