1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Rào cản chống dịch có nguy cơ đẩy Nepal thành "Ấn Độ thứ hai"

Thành Đạt

(Dân trí) - Nepal đang phải vật lộn để kiềm chế sự bùng phát của Covid-19, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở quốc gia này được cảnh báo có thể tồi tệ hơn nước láng giềng Ấn Độ.

Rào cản chống dịch có nguy cơ đẩy Nepal thành Ấn Độ thứ hai - 1

Thi thể bệnh nhân Covid-19 được thiêu ngoài trời ở thủ đô Kathmandu, Nepal ngày 3/5 (Ảnh: Reuters).

Sau cảnh báo của giới chức y tế đầu tuần này rằng, đất nước đang trên bờ vực mất kiểm soát dịch Covid-19, Nepal đã kêu gọi sự giúp đỡ khẩn cấp của cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh Nepal ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày lên mức cao nhất - 9.070 ca - Thủ tướng KP Sharma Oli, người bị chỉ trích vì xử lý cuộc khủng hoảng dịch bệnh, đã yêu cầu quân đội hỗ trợ quản lý các cơ sở cấp cứu để giảm bớt áp lực đối với hệ thống y tế.

Với tình trạng thiếu vắc xin và bệnh viện quá tải, đợt bùng phát dịch nghiêm trọng đã tấn công cả thủ đô Kathmandu cũng như khu vực phía tây nam và phía tây của Nepal. Tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính đang được ghi nhận ở mức đáng báo động - 47%. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở một số khu vực tại Nepal.

Đầu tuần này, Thủ tướng Oli đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ vắc xin cho Nepal, sau khi các quan chức nước này cảnh báo những người từng tiêm liều đầu tiên của vắc xin AstraZeneca đang cần tiêm liều thứ hai.

Chiến dịch tiêm chủng thiếu đồng bộ của chính phủ Nepal, khi người dân xếp hàng chờ suốt nhiều giờ ở thủ đô, được cho là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan mạnh hơn.

Một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ngoài thủ đô Kathmandu là thành phố Nepalgunj ở vùng Banke, giáp với bang Uttar Pradesh của Ấn Độ. Đây là nơi có hàng nghìn lao động Nepal nhập cư từ Ấn Độ về nước trước khi biên giới chung giữa hai nước bị đóng cửa.

Hầu hết bệnh viện công ở Nepal đều bị quá tải, trong khi nhiều người nghèo không có đủ tài chính để tiếp cận dịch vụ y tế tư nhân.

"Giống như chúng tôi đang ở trong một vùng chiến sự", Tiến sĩ Sher Bahadur Pun, trưởng bộ phận nghiên cứu lâm sàng tại bệnh viện Bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Sukraraj ở Teku nói với Kathmandu Post, đồng thời cho biết các bệnh nhân đang được điều trị ngay trên sàn nhà và sân của bệnh viện.

Trước nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng, Bộ Y tế Nepal đã thừa nhận trong một tuyên bố vào tuần trước rằng, họ đang mất kiểm soát tình hình.

"Khi số ca nhiễm tăng lên ngoài tầm kiểm soát của hệ thống y tế, việc cung cấp giường bệnh để chăm sóc cho bệnh nhân đã trở nên khó khăn", Bộ Y tế Nepal cho biết.

Rào cản trong cuộc chiến chống Covid-19

Rào cản chống dịch có nguy cơ đẩy Nepal thành Ấn Độ thứ hai - 2

Người Nepal dự lễ hội ở Bhaktapur ngày 15/4 (Ảnh: Reuters).

"Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ và hành động nhanh chóng để có hy vọng ngăn chặn thảm kịch nhân đạo này", Alexander Matheou, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ, cảnh báo về tình hình tại Nepal.

Nripendra Khatri, thành viên của Tổ chức Cứu trợ Công giáo, đã đưa ra nhận định về tình hình dịch bệnh và những thách thức cản trở Nepal trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19.

"Ở thủ đô Kathmandu, nhiều người phải ở trong nhà vì tốc độ lây lan của virus. Trong khi đó, ở các bệnh viện và nhà thuốc, vẫn có hàng dài người xếp hàng chờ. Do lệnh phong tỏa ở các thành phố lớn, việc tiếp cận phương tiện giao thông và thuốc men cũng bị ảnh hưởng. Các trung tâm hỏa táng trên khắp đất nước bị quá tải nhanh chóng và ngay cả các những thành viên trong gia đình cũng không thể thực hiện nghi lễ cuối cùng (cho người thân đã mất)", Khatri cho biết.

"Nepal là nơi rất khó khăn cho hoạt động cung ứng, đặc biệt là các thiết bị y tế chuyên dụng. Đất nước chúng tôi không giáp biển và nguồn cung vật tư thường đến từ Ấn Độ qua đường bộ, nhưng bây giờ ngay cả Ấn Độ cũng cần toàn bộ thiết bị y tế của họ. Điều đó có nghĩa là mọi thứ đều phải thông qua các sân bay, nhưng tất cả chuyến bay thương mại đã bị đình chỉ hoạt động, ngoại trừ hai chuyến bay mỗi tuần đến New Delhi, Ấn Độ. Sau khi vật tư đến Kathmandu, họ lại phải chuyển chúng đi khắp đất nước trong khi Nepal là nơi toàn núi non", Khatri nhận định.

Theo Khatri, nhiều khu vực ở Nepal chỉ có thể đi bằng đường đất hoặc đi bộ. Do vậy, việc ứng phó với cuộc khủng hoảng dịch bệnh và đảm bảo rằng, ngay cả những ngôi làng hẻo lánh cũng có thể tiếp cận với việc xét nghiệm và vật tư y tế, sẽ là bài toán khó với Nepal.

Ngoài ra, Nepal có số bác sĩ trên bình quân đầu người ít hơn Ấn Độ và hệ thống y tế cũng yếu hơn nhiều so với quốc gia láng giềng. Trong bối cảnh đó, các ca mắc Covid-19 ở Nepal vào tháng trước đã tăng từ khoảng 100 ca lên hơn 8.000 ca mỗi ngày.

Đất nước 30 triệu dân nhưng chỉ có khoảng 1.600 giường điều trị tích cực và chưa đầy 600 máy thở. Nepal chỉ có 0,7 bác sĩ trên 100.000 dân, một tỷ lệ thấp hơn so với Ấn Độ.

Các bản tin trên các phương tiện truyền thông bằng tiếng Nepal cáo buộc rằng, nỗ lực muộn màng và thiếu minh bạch của chính phủ nhằm mua vắc xin từ Viện Huyết thanh của Ấn Độ đã được thực hiện thông qua những người trung gian để đổi lấy những khoản hoa hồng.

Giống như Ấn Độ, chính phủ Nepal cũng cho phép tổ chức các lễ hội tôn giáo lớn, bao gồm lễ hội Pahan Charhe, và điều này đã khiến dịch bệnh lây lan.