1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Rác thải điện tử - hơn cả hiểm họa với môi trường toàn cầu

(Dân trí) - Con người càng đạt được những thành quả vượt bậc về công nghệ cao, trái đất càng phải oằn mình gánh những nguy cơ từ sự gia tăng của khối lượng đồ phế thải điện tử. Điều nguy hiểm là loại rác độc hại này thường được đổ vào các nước đang phát triển.


Hầu hết không được tái chế, hiểm họa môi trường

Mỗi năm, thế giới sản sinh ra 50 triệu tấn đồ phế thải điện tử từ ti vi cho đến tủ lạnh, điện thoại di động và máy điện toán. Và con số này sẽ chỉ tăng lên thêm khi hầu hết rác thải điện tử không được tái chế, trong khi công nghệ càng cao sẽ càng khiến lượng rác thải loại này tăng nhanh.

Tính đến năm 2020, Trung Quốc dự trù sẽ vứt đi số điện thoại di động cao gấp 7 lần so với hiện nay, và Ấn Độ thì sẽ thải ra nhiều tới 18 lần. Các sản phẩm công nghệ cao này không những cồng kềnh, mà còn chứa các nguyên liệu độc hại như chì và thủy ngân. Nếu không được xử lý đúng cách, đồ phế thải điện tử có thể gây ô nhiễm và nguy hại cho sức khỏe.

Rác thải điện tử - hơn cả hiểm họa với môi trường toàn cầu - 1
Năm 2008, một lượng vàng, bạc, đồng, paladi và coban trị giá 3,78 tỷ USD đã được dùng để làm máy tính

Các tổ chức bảo vệ môi trường, trong đó có Mạng lưới Hành động Basel - một tổ chức tư nhân tập trung vào việc đình chỉ việc mua bán các hàng hóa độc hại, nhất là các đồ phế thải, kêu gọi thế giới phải có biện pháp cấp thiết nhằm chấm dứt việc thải rác độc hại. Nhưng điều không may là công nghiệp mang tính dễ bị lỗi thời, cho nên mọi thứ sớm trở thành đồ phế thải nhanh hơn bao giờ hết. Ở miền bắc, máy điện toán chỉ được sử dụng có khoảng 2 năm; nhiều điện thoại di động bị bỏ đi trong vòng 6 tháng khi người ta muốn có máy đời mới hơn. Vì thế mà ta tạo ra một núi đồ bỏ nếu chúng ta không ngăn mọi người tiêu thụ.

Vấn đề đồ phế thải điện tử là một trong nhiều đề tài được đưa ra thảo luận tại hội nghị trong tuần này của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tại Nusa Dua ở Indonesia. Ông Achim Steiner, Tổng thư ký cơ quan này, nói phần lớn đồ phế thải điện tử cần phải được tái chế biến. Ngoài những lý do về môi trường, còn có một động cơ về kinh tế, vì 3% lượng vàng và bạc khai khoáng trên thế giới được sử dụng trong các máy điện toán cá nhân hay điện thoại di động.

Vòng luẩn quẩn xuất-nhập, người nghèo hứng hậu quả

Riêng ở Trung Quốc, 4 tấn vàng, 28 tấn bạc và 6.000 tấn đồng được sử dụng để sản xuất điện thoại di động và máy tính mỗi năm. Số vàng này trị giá 135 triệu USD, tương đương với sản lượng của nhiều nước sản xuất vàng.

Theo thống kê của UNEP, Trung Quốc sẽ cho ra 2,3 tấn rác thải điện tử vào năm 2010, nhưng nước này mới chỉ đừng thứ hai sau Mỹ - quốc gia có thể sẽ thải ra 3 triệu tấn rác thải điện tử trong năm nay. Mỹ là nước sản xuất ra nhiều đồ phế thải điện tử nhất, chưa hề phê chuẩn Công ước Basel, một thỏa thuận quốc tế quy định các đường hướng toàn cầu cho việc xử lý đồ phế thải điện tử.
 
Rác thải điện tử - hơn cả hiểm họa với môi trường toàn cầu - 2
Một xe tải Trung Quốc chất đầy rác thải điện tử. Theo số liệu của UNEP, Trung Quốc sẽ thải 2,3 triệu tấn rác điện tử trong năm nay
 
Rác thải điện tử - hơn cả hiểm họa với môi trường toàn cầu - 3
Tái chế ở Ấn Độ: Chủ yếu được làm bằng tay
 
Trong khi đó, đồ phế thải điện tử đã trở thành một công cuộc mua bán phi pháp có lời. Một số công ty giải quyết rác rưới của họ bằng cách xuất khẩu qua các nước nghèo, nơi mà, thay vì được xử lý hay tái chế biến, thì lại được chất đống trong các hố rác, và chất liệu độc hại thấm vào đất và nước. Một thí dụ xảy ra ở Tây Phi: họ xuất khẩu những chiếc xe đã lỗi thời, không dùng được nữa, và họ nhét đầy trong những chiếc xe này các máy điện toán không dùng được nữa. Nhiều mưu mô rất tài tình để làm việc ấy. Và thực sự theo nghĩa đó nó có thể so với việc buôn lậu vũ khí và buôn lậu ma túy bởi vì những mưu đồ này có động cơ tài chính và là một công cuộc làm ơn rất lớn.

Vấn đề hiện nay còn trở nên phức tạp vì các hoạt động mua bán này ngày càng rắc rối hơn. Đồ phế thải điện tử trước đây thường được sản xuất bởi các nước phát triển rồi vứt qua các nước nghèo. Nhưng ngày nay, các nước nghèo không có khả năng tái chế biến lại xuất khẩu đồ phế thải điện tử của họ qua các nước như Trung Quốc, và các nền kinh tế đang trỗi dậy càng ngày lại càng trở thành những nước sản xuất ròng đồ phế thải điện tử. Các kim loại nặng thoát ra ngoài không khí và hàng nghìn người kiếm sống bằng nghề bới rác thải cùng những người dân ở khu vực xung quanh phải gánh hậu quả.

Đồ phế thải điện tử không phải chỉ là một vấn đề kinh tế. Nó còn tác động đến sức khỏe của hàng triệu người mưu sinh bằng cách bới các đống rác đổ vào nước họ. Các chuyên gia về môi trường nói rằng sẽ phải có những ngân khoản mới và nhân lực để giải quyết vấn đề, bằng cách thiết lập những cơ sở tái chế biến an toàn và ngăn chặn việc xuất khẩu phi pháp. 

Việt Hà
Theo Spiegel, AP