Rác - ẩn họa trong vũ trụ
(Dân trí) - Nhân loại chứng kiến ngày càng có thêm nhiều “cường quốc vũ trụ” ra đời, tức là ngày càng có nhiều tên lửa hay vệ tinh được phóng vào vũ trụ. Viễn cảnh hãi hùng là chẳng bao lâu, vũ trụ sẽ đầy rác và đây sẽ là mối đe dọa rất lớn.
Lúc trước chỉ có Mỹ và Nga, sau đó là một số nước châu Âu và bây giờ là thêm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác có tên trong danh sách “cường quốc vũ trụ”.
Nhà khoa học Nicolas Johnson, Giám đốc chương trình Orbital Debris Program Office của NASA, lo âu về tình trạng gọi là “hội chứng Kessler”, theo tên của người bạn của ông, Donald Kessler - người đã mô tả việc này vào đầu thập niên 1970, theo đó quỹ đạo trở nên quá chật chội và hai vật thể không gian, hai vệ tinh hoặc một hỏa tiễn và một vệ tinh, lao vào nhau với vận tốc 32.00 km/giờ.
Vệ tinh Iridium 33 của Mỹ, đã bị phá hủy trong vụ va chạm không gian tháng 2/2009
Đó không còn là giả thiết, mà chuyện có thực đã xảy ra. Ngày 10/2/2009, thế giới chứng kiến tai nạn va chạm đầu tiên trong vũ trụ, khi một vệ tinh đụng vào một vệ tinh Nga đã không còn sử dụng, tạo ra khoảng 2.000 mảnh vụn lớn trôi lang thang trên quỹ đạo, cách Siberia khoảng 800 km theo chiều thẳng đứng.
Vệ tinh Vanguard 1 của Hải Quân Mỹ, phóng lên quỹ đạo ngày 17/3/1958, nay đã là một vật thể chết trôi vô định
Ngay từ năm 2007, Liên Hợp Quốc đã ra thông báo các biện pháp phòng ngừa, như các động cơ của hỏa tiễn khi bay hết đường phóng phải cạn sạch nhiên liệu, đề phòng chúng nổ thình lình, hay cấm các cường quốc dùng những vệ tinh không còn sử dụng là mục tập dợt bắn hỏa tiễn, một chuyện mà Trung Quốc làm cách đó có vài tháng. Nhưng các va chạm sẽ không tránh khỏi, mặc dù nhân loại có cố gắng đến mấy. Johnson cho là trong vòng 50 năm tới, cứ 5 năm lại xảy ra một tai nạn va chạm lớn trong vũ trụ!
Hiện đã có tới 1.,500 vật thể có đường kính lớn hơn 10cm trôi lang thang trên quỹ đạo thấp và khoảng 10.000 vật thể nhỏ hơn trôi trong quỹ đạo cao (khoảng 58.000 km trở lên). Nhiều biện pháp đang được đề ra để tránh thảm họa cho các nhà du hành vũ trụ trong tương lai, như một loại vệ tinh dùng lưới đi thu nhặt các mảnh vụn giống như xe rác, sau đó đem thả chúng trong bầu khí quyển để chúng cháy tiêu khi tiếp xúc với khí quyển.
Một biện pháp khác là dùng tia laser hủy diệt các vật thể bay lang thang, nhất là các mảnh rác nhỏ, chỉ có đường kính vài xentimet, nhưng vẫn có thể gây ra nguy hiểm vì vận tốc va chạm quá lớn của chúng.
Một kỹ thuật thứ ba là dùng “mạng lưới nam châm” để hút các mảnh vỡ và đưa chúng xuống bầu khí quyển để sự va chạm sẽ đốt cháy chúng, nhưng Jonhson cho là đưa mạng lưới bằng chất bọt rộng đến 1,5km lên vũ trụ để hút các rác rưởi là chuyện không dễ dàng.