1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quyết tâm "chạm tới bầu trời" của nữ phi công máy bay chiến đấu Nhật Bản

(Dân trí) - Dù trải qua nhiều khó khăn trong quá trình huấn luyện và phải đánh đổi nhiều thứ, nhưng cô Misa Matsushima vẫn nỗ lực hết sức mình, không ngừng nghỉ để hoàn thành ước mơ trở thành nữ phi công lái máy bay chiến đấu đầu tiên của Nhật Bản.

Cô Misa Matsushima (Ảnh: Kyodo)
Cô Misa Matsushima (Ảnh: Kyodo)

Quyết tâm "chạm tới bầu trời" của nữ phi công máy bay chiến đấu Nhật Bản

Theo báo Asashi, nữ phi công máy bay chiến đầu đầu tiên của Nhật Bản chính thức nhận nhiệm vụ từ ngày 24/8. Trung úy Matsushima, 26 tuổi, sẽ hoạt động tại đội bay số 5 thuộc lực lượng không quân phòng vệ Nhật Bản, có trụ sở tại căn cứ quân sự Nyutabaru.

“Đây là ước mơ từ thuở nhỏ của tôi”, cô Matsushima trả lời phóng viên ngày 23/8 sau khi nhận được chứng hoàn thành khóa đào tạo phi công máy bay chiến đấu. Cô hé lộ rằng từ khi còn là học sinh tiểu học, sau khi xem xong bộ phim hành động Hollywood nổi tiếng “Top Gun”, cô đã có ước mơ trở thành phi công lái máy bay chiến đấu.

“Tôi sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ để hoàn thành các nhiệm vụ không chỉ cho bản thân tôi, mà còn cho các phụ nữ cũng có ước mơ trở thành phi công chiến đấu giống như tôi trong tương lai”, cô nói.

Matsushima đã gia nhập Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) sau khi tốt nghiệp từ học viện Quốc phòng. Ban đầu, mục tiêu của cô là trở thành phi công lái máy bay vận tải và cô đã hoàn thành chứng chỉ trên vào tháng 9/2014.

Tháng 11/2015, Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố nước này cho phép phụ nữ có thể trở thành phi công lái máy bay chiến đấu. Khi đó, Matsushima đã bỏ lại toàn bộ mọi thứ cô đã nỗ lực đạt được trong thời gian trước đó, dấn thân vào con đường đầy khó khăn để hoàn thành ước mơ từ bé.

Phi công lái máy bay chiến đấu được ví như “ngôi sao” trong lực lượng SDF. Họ phải trải qua 3 năm huấn luyện vất vả về thể chất lẫn tinh thần trước khi được cấp chứng chỉ và được phân công nhiệm vụ. Khi điều khiển các máy bay chiến đấu, họ phải chịu đựng nhiều áp lực, luôn phải tỉnh táo và đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác nhất có thể.

Năm 1993, lực lượng không quân phòng vệ Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ tham gia một số vị trí, bao gồm phi công máy bay cứu trợ và vận tải. Tới năm 2015, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã tiếp tục dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái máy bay chiến đấu. Đây là chiến dịch nhằm tạo nên môi trường làm việc tốt hơn cũng như trao cơ hội thể hiện bản thân cho phụ nữ Nhật Bản. Vào thời điểm hiện tại, SDF có 228.000 binh sĩ, trong đó phụ nữ chiếm 6,4%.

Đức Hoàng

Tổng hợp