1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quốc tế chung tay cùng Việt Nam trong “cuộc chiến” dai dẳng với bom mìn chưa nổ

(Dân trí) - Ngoài những nỗ lực của Chính phủ và Bộ Quốc phòng Việt Nam, hoạt động rà phá giảm thiểu rủi ro bom mìn trong thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ cộng đồng quốc tế, với mục tiêu tìm ra hướng đi đúng đắn cho “cuộc chiến” với bom đạn còn tồn dư sau hàng chục năm kể từ khi hòa bình lập lại.

Quốc tế chung tay cùng Việt Nam trong “cuộc chiến” dai dẳng với bom mìn chưa nổ - 1

Cố vấn chiến lược của GICHD Rob White phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Đức Hoàng)

Ngày 19/7, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), Trung tâm Quốc tế Giơ-ne-vơ về khắc phục bom mìn nhân đạo GICHD (trụ sở tại Thụy Sĩ) và Trung tâm Quốc tế IC - tổ chức nhân đạo trụ sở tại Mỹ - đã tổ chức hội thảo về chủ đề khắc phục hậu quả bom mìn và vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam theo phương thức Quản lý rủi ro dài hạn. Tại hội thảo, các chuyên gia, quan chức trong nước và quốc tế đã nêu ra các ý kiến tham vấn về hướng đi mới của Việt Nam trong “cuộc chiến” với bom mìn trong lòng đất.

Một trong những hệ quả tất yếu của chiến tranh hiện đại là tàn tích vật liệu nổ sót lại ở khắp nơi và ảnh hưởng lâu dài tới chất lượng cuộc sống của người dân. Tại một số quốc gia châu Âu, châu Phi, châu Á, bom mìn tồn dư từ những 2 cuộc thế chiến hay xung đột vũ trang vẫn được tìm thấy mỗi ngày.

Tại Việt Nam, nơi chiến tranh đã khép lại hàng chục năm qua, một báo cáo năm 2014 chỉ ra rằng 63/63 tỉnh thành đều chịu ô nhiễm bởi bom đạn chùm và vật nổ. Diện tích bị ảnh hưởng bởi các vũ khí tồn dư chiếm 18,82% diện tích tự nhiên trên đất liền cả nước (tương đương 6,1 triệu ha).

Có 9.116/11.134 xã (phường/thị trấn) bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Theo VNMAC, kể từ sau khi chiến tranh kết thúc, có khoảng 100.000 người đã thiệt mạng hoặc bị thương do những vũ khí, vật liệu nổ tàn dư trong lòng đất.

Từ khi hòa bình được lập lại tới nay, Việt Nam vẫn đang nỗ lực từng ngày từng giờ để khắc phục những hậu quả do bom mìn để lại. Trong suốt quá trình này, sự đồng hành của cộng đồng và tổ chức quốc tế là điều không thể thiếu góp phần tạo nên những thành tựu hiện tại.

Một trong những sự hợp tác tiêu biểu có thể nhắc tới chính là công trình nghiên cứu về rủi ro và nguy cơ tiềm tàng gặp phải với bom mìn và vật nổ từ năm 2006 giữa VNMAC và GICHD.

Cách tiếp cận mới với hoạt động rà phá bom mìn tồn dư

Theo GICHD, Việt Nam nên cần chuyển dần từ chiến lược "chủ động rà phá" sang chiến lược "ứng phó nguy cơ" với chương trình khắc phục bom mìn quốc gia.

Theo cố vấn chiến lược Rob White của GICHD, sự khác biệt giữa 2 phương thức này nằm ở cách thực thi và tiếp cận với bom mìn.

"Chủ động rà phá" là phương pháp khoanh vùng quy mô lớn với khu vực nghi nhiễm bom mìn từ đó tiến hành khảo sát kỹ thuật, điều tra thông tin rồi tìm kiếm vật nổ sót lại để rà phá. Theo GICHD, đây là chiến lược mà chính phủ Việt Nam đã sử dụng trong nhiều năm qua kể từ khi chiến tranh kết thúc và đạt được những thành công to lớn, cũng như mang lại những bài học có giá trị cho cộng đồng khắc phục hậu quả bom mìn quốc tế.

Mặc dù vậy, GICHD cho rằng phương thức này thường chỉ thích hợp với giai đoạn ngay sau khi chiến tranh kết thúc, đòi hỏi nguồn lực tập trung lớn nhằm loại bỏ nhanh những nguy cơ trước mắt và phục vụ cho những nhu cầu phát triển tối cần thiết.

Theo ông White, ngoài ra, phương thức "chủ động rà phá" khá tốn kém và dần trở nên ít thích hợp với điều kiện hiện tại khi tính đến bài toán giải quyết vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn lực và đối phó tốt hơn với các mối đe dọa do bom mìn vật nổ còn sót lại ở Việt Nam. Chính vì vậy, GICHD cho rằng phương pháp "ứng phó rủi ro" bom mìn vật nổ nên được lựa chọn trong tương lai thay cho "chủ động rà phá". 

Phương pháp "ứng phó rủi ro" được thực hiện theo hướng nghiên cứu các tài liệu lưu trữ rồi mới tiến hành khoanh vùng các khu vực nhỏ có nguy cơ ảnh hưởng, tiến hành nghiên cứu, tìm kiếm và đưa ra giải pháp với từng loại bom mìn tìm được. Phương pháp này hướng đến việc xây dựng các chính sách quốc gia phù hợp nhằm giải quyết các yêu cầu của kế hoạch khắc phục bom mìn quốc gia dài hạn.

Theo GICHD, sẽ đến một thời điểm mà công tác rà phá bom mìn đại trà (dò tìm, khảo sát trên diện rộng) sẽ phải “nhường đường” cho chiến lược "ứng phó nguy cơ" với từng tình huống do lượng bom mình đã giảm đi và ngân sách tài trợ từ nước ngoài có thể ít dần. Khi Việt Nam chuyển sang chiến lược "ứng phó nguy cơ", một cơ chế nhằm giảm thiểu rủi ro bom mìn một cách bền vững nên được bắt đầu chuẩn bị dần dần trong bối cảnh công cuộc rà phá bom mìn ở Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra trong một thời gian dài trong tương lai. 

Sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế với cơ chế mới

Kể từ năm 2016, GICHD đã triển khai Dự án quản lý bom mìn, vật nổ còn sót lại, trong đó có hoạt động thí điểm công cụ quản lý rủi ro dài hạn trong công tác khắc phục bom mìn, hợp tác cùng IC và VNMAC.

Hoạt động này nhằm xây dựng cơ sở lý luận và thử nghiệm thực tiễn để có thể đề xuất với các cấp hoạch định chính sách của Chính phủ Việt Nam, đồng thời bổ sung lý luận xây dựng tiêu chuẩn khắc phục bom mìn quốc tế IMAS, cũng như làm bài học kinh nghiệm cho cộng đồng thế giới.

Một tiêu điểm của hoạt động hợp tác này chính là dự án mang tên Quản lý tàn tích Vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh (MORE). Đây là dự án nhằm nghiên cứu các rủi ro đi kèm với vật liệu nổ và các phương án xử lý để giảm thiểu rủi ro có sự tham gia của GICHD, tổ chức từ thiện Golden West (Mỹ) và tập đoàn nghiên cứu FENIX Insight (Mỹ).

Chương trình đã được tổ chức thí điểm ở tỉnh Quảng Trị và đạt được những kết quả mà Golden West đánh giá là “cho thấy tầm nhìn vượt trội và niềm tin sẽ triển khai thành công và biến chương trình thành mô hình tiềm năng cho 62 tỉnh thành còn lại”.

Nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao Mỹ, Golden West đã triển khai huấn luyện xử lý bom mìn theo chuẩn quốc tế IMAS cấp độ 1-3 cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, huấn luyện và cung cấp thiết bị dò tìm tiên tiến, cải tiến công tác hỗ trợ y tế hiện trường cho các lực lượng xử lý bom mìn.

Một trong những kỹ năng mà Golden West hỗ trợ và đào tạo cho kỹ thuật viên Việt Nam là cắt bom đạn nhằm phân tích các vật liệu nổ thu gom ở địa phương. Việc cắt bom, đạn đúng kỹ thuật với từng loại vũ khí khác nhau là rất cần thiết trong việc giúp Việt Nam nghiên cứu về đặc tính của các vật liệu nổ, từ đó đưa ra phương pháp xử lý chính xác và ít tốn kém cũng như tránh ô nhiễm kim loại và môi trường.

Kể từ khi bắt đầu chương trình hỗ trợ từ năm 2016, Golden West tới nay đánh giá rằng các đội bom mìn của Quảng Trị đã có sự thay đổi lớn về cách thức hoạt động, trang thiết bị và các hoạt động liên quan. Dự án đã thành công dù gặp nhiều khó khăn và không có bất cứ trường hợp nào thương vong trong quá trình cắt bom, mìn và nghiên cứu thuốc nổ.

Song song với đó, GICHD năm 2018 cũng đã hỗ trợ Việt Nam trong quá trình nghiên cứu quá trình già hóa của bom đạn nhằm đánh giá mối nguy hiểm gây ra bởi bom đạn và hiểu được nguy cơ còn sót lại khi các loại bom đạn tiếp tục già đi trong lòng đất. Đây là một công trình nghiên cứu có ý nghĩa vì với mỗi loại bom đạn và chất nổ, sẽ có đặc tính khác nhau và việc nắm được những tính năng chủ chốt giúp cho công cuộc xử lý bom mìn ở Việt Nam hiệu quả và giảm bớt rủi ro với người dân và môi trường xung quanh.

Những nghiên cứu trên nhằm giúp cho quá trình xử lý bom đạn của Việt Nam trở nên bền vững hơn, cũng như giúp các đội ngũ rà phá bom mìn trở nên tự tin, nắm vững kiến thức và chủ động hơn với các hoạt động trong tương lai. Điều này cũng phù hợp với định hướng chiến lược "ứng phó nguy cơ" mà GICHD khuyến nghị Việt Nam nên dần chuyển sang.

Tại hội thảo ngày 19/7, các chuyên gia trong và ngoài nước đã trình bày nhiều chủ đề được quan tâm về vấn đề rà phá bom mìn như phiên bản mới về tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý rủi ro trong khắc phục bom mìn IMAS, các hoạt động của dự án MORE tại Việt Nam, công cụ và phương thức quản lý rủi ro bom mìn dài hạn, báo cáo nghiên cứu về già hóa bom đạn.

Tổng thư ký cơ quan khắc phục và hỗ trợ nạn nhân bom mìn Campuchia (CMAA) Prum Sophakmonkol cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về quản lý rủi ro dài hạn liên quan tới bom mìn ở nước bạn và lắng nghe các chia sẻ từ phía Việt Nam.

Đức Hoàng