1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Quốc hội Ukraine bãi bỏ luật chống biểu tình gây tranh cãi

(Dân trí) - Quốc hội Ukraine ngày 28/1 đã bãi bỏ luật chống biểu tình vốn thổi bùng làn sóng bạo loạn ở thủ đô Kiev trong một tuần qua.

Chính quyền Ukraine liên tiếp đưa ra các nhượng bộ để xoa dịu những người biểu tình.
Chính quyền Ukraine liên tiếp đưa ra các nhượng bộ để xoa dịu những người biểu tình.

Việc bãi bỏ được thông qua với 361 phiếu thuận và 2 phiếu chống trong động thái nhằm giải tỏa bế tắc chính trị đã kéo dài hơn 2 tháng qua và đang ngày càng lan rộng về phía Đông.

Bộ luật vừa được Quốc hội Ukraine thông qua ngày 16/1 vừa qua nhưng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của phe đối lập, những người đang phát động chiến dịch biểu tình quy mô toàn quốc để phản đối chính sách xa lánh châu Âu của chính quyền Tổng thống Vikto Yanukovych.

Đây là động thái nhượng bộ tiếp theo của chính quyền Yanukovych sau khi Thủ tướng Mykola Azarov và toàn bộ nội các đã đệ đơn từ chức chỉ vài tiếng trước đó với hy vọng có thể giúp khơi thông cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Tin cho biết Tổng thống Yanukovych đã ra sắc lệnh chấp thuận quyết định từ chức của Thủ tướng Azarov và nội các. Sắc lệnh được công bố trên trang web của Văn phòng Tổng thống, trong đó Tổng thống Yanukovych đề nghị Thủ tướng Azarov và nội các tiếp tục hoạt động trong vòng 60 ngày cho đến khi có chính phủ mới.

Trước đó, ông Yanukovych đã đề xuất trao chức thủ tướng và phó thủ tướng cho lãnh đạo đảng Tổ quốc Arseniy Yatsenyuk và lãnh đạo đảng Udar Vitali Klitschko, nhưng cả hai đều không nhận lời. Phe đối lập không chỉ đặt mục tiêu gây áp lực  bãi bỏ các điều luật gây tranh cãi, mà còn muốn Tổng thống thân Nga Yanukovych phải từ nhiệm.

Trong tuyên bố mới nhất, thủ lĩnh phe đối lập tuyên bố phong trào phản đối chính phủ sẽ tiếp tục.

“Phe đối lập chỉ mới thực hiện được một bước và chưa giải quyết được tất cả mọi yêu sách”, ông Vitali Klitschko tuyên bố.

Theo nhà cựu võ sĩ quyền Anh hạng nặng thế giới, hành động tiếp theo của phe đối lập sẽ là yêu cầu chính phủ ân xá cho những người biểu tình bị bắt giữ trong các vụ đụng độ và quay về với Hiến pháp 2004.

Trong khi đó, Ủy viên phụ trách đối ngoại của EU Catherine Ashton dự kiến tới Ukraine trong ngày 28/1, sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch ban đầu, để gặp Tổng thống Yanukovych và các lãnh đạo đối lập. Quan chức EU lo ngại chính phủ Ukraine có thể sẽ ban bố luật tình trạng khẩn cấp cho dù giới chức Kiev khẳng định chưa có ý định làm điều này.

Khủng hoảng ở Ukraine bùng phát cuối tháng 11 năm ngoái sau khi Tổng thống Yanukovych rút khỏi thỏa thuận thương mại với EU để đổi lấy khoản trợ giúp 15 tỷ USD của Nga.

Vũ Anh
Tổng hợp