1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quốc hội Afghanistan nhóm họp sau 30 năm

Ngày 19/12, quốc hội đầu tiên của Afghanistan trong vòng ba thập kỷ qua đã nhóm họp phiên khai mạc tại Kabul, với sự tham dự của Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney.

Với những người lạc quan, đây là dấu hiệu rõ nét về tiến trình hoàn thiện việc chuyển đổi dân chủ tại đất nước Trung Á này.

 

An ninh được thắt chặt tại thủ đô Kabul cho phiên khai mạc ngày 19/12, do lo ngại các âm mưu tấn công từ Taliban và các nhóm quá khích chống chính phủ khác. Quốc hội Afghanistan đang đứng trước thách thức phải hàn gắn được những chia rẽ bộ tộc, sắc tộc và tôn giáo, đặc biệt là căng thẳng giữa hai phái Hồi giáo dòng Sunni và Shiite tại nước này.

 

Nét nổi bật tại quốc hội mới của Afghanistan là có tới hơn 70 trong số 351 thành viên là phụ nữ - những người vốn bị cấm tới trường và tham gia bàn thảo chính trị dưới thời Taliban.

 

Giới phân tích phương Tây nhìn nhận việc thành lập Quốc hội Afghanistan như bước chuyển biến lớn nhất trong việc khôi phục lại dân chủ và sự bình ổn cho đất nước này, sau gần 30 năm chiến tranh. Nhưng giới quan sát trong nước lại dự báo về các phiên họp căng thẳng và không mấy suôn sẻ, vì với nhiều nghị sĩ, việc cùng ngồi để thảo luận đã là cực kỳ khó khăn do họ từng là thành viên của các nhóm vũ trang đối lập trong nhiều thập niên qua.

 

Theo dự đoán của ông M.Kabuli - thuộc Viện Dân chủ quốc gia Afghanistan - quốc hội sẽ theo đường lối bảo thủ, nhưng không quá cực đoan. Ông Kabuli tán đồng với quan điểm, khác biệt quá lớn về chính trị, sắc tộc và ý thức hệ trong quá khứ có thể sẽ dẫn tới rất nhiều mối quan hệ xung đột và trái chiều trong quốc hội.

 

"Quả là rất khó khăn khi chứng kiến những người được cho là phải chịu trách nhiệm về các cuộc xung đột giờ lại đứng trước quốc hội và đọc diễn văn về tương lai của đất nước" - Paul Fishstein - Giám đốc khoa Nghiên cứu Afghanistan cho hay.

 

Theo Lao động