1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Quốc gia trung lập trở thành lá chắn hạt nhân của NATO trong cạnh tranh Nga-Mỹ ở Bắc Cực

Na Uy có thể không phải là một cường quốc trên trường quốc tế, nhưng trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Nga ở Bắc Cực ngày càng tăng nhiệt, quốc gia Scandinavia này lại trở thành tiền tuyến mới nhất của Mỹ.

Quốc gia trung lập trở thành lá chắn hạt nhân của NATO trong cạnh tranh Nga-Mỹ ở Bắc Cực - 1

Tàu ngầm lớp Los Angeles USS Annapolis của Mỹ ở Bắc Cực (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Với đường bờ biển dài và vị trí địa lý thuận lợi ở phía Bắc, Na Uy ngày càng đóng vai trò thiết yếu trong cuộc đối đầu giữa NATO với Nga. Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO đòi hỏi phải có một căn cứ có thể ngăn chặn rocket được phóng từ Nga nếu Moscow tấn công đáp trả nhằm vào Tây Âu. Các tên lửa này gần như chắc chắn sẽ bay qua vùng Bắc Cực băng giá.

Vì lý do đó, Na Uy và các vùng biển xung quanh nước này đóng vai trò "chủ nhà" tiếp đón ngày càng nhiều binh sỹ nước ngoài và tổ chức các cuộc tập trận.

Đáng chú ý hơn cả, Mỹ nói rằng Na Uy có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự thống trị của Nga về dầu mỏ và khí đốt bằng cách phát triển một kênh hàng hải Đông-Tây ở khu vực Bắc Cực của nước này nhằm đối trọng với Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) của Nga.

Đồng minh tốt của Mỹ, láng giềng tốt của Liên Xô

Biến Na Uy thành quốc gia chiến tuyến ở cực Bắc là một bước chuyển lớn trong câu chuyện Bắc Cực - nơi gần đây đã trở thành một khu vực cùng hợp tác, tách biệt với sự đối đầu địa chính trị. Đó cũng là một quá trình dài và được thực hiện nhằm gạt bỏ ý định ban đầu của Oslo về việc tăng cường hòa bình và tạo sự cân bằng giữa những người có thị phần trong khu vực.

Sau Thế chiến 2, Na Uy có quan điểm rằng an ninh quốc gia của nước này sẽ được đảm bảo tốt nhất khi cân bằng giữa 2 vị thế - một đồng minh tốt của Mỹ và một láng giềng tốt của Liên Xô. Na Uy trở thành một thành viên của NATO nhưng lại có chính sách không cho binh sĩ nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ nước này.

Đây là vị thế trung lập đối với một nền dân chủ tư bản có liên kết chặt chẽ với phương Tây nhưng lại có chung đường biên giới với người Nga và có vùng lãnh thổ phía Bắc từng được Hồng quân Liên Xô giải phóng trong Thế chiến 2. Do cách tiếp cận cân bằng của Oslo, Nga có mối quan hệ tốt đẹp với Na Uy hơn bất cứ thành viên nào khác của NATO.

Na Uy đã "đảo chiều" như thế nào?

Có thể thấy rõ cách Mỹ đã thay đổi chính sách đồng minh tốt/láng giềng tốt của Na Uy thông qua những bức điện tín bị rò rỉ từ WikiLeaks.

Một tháng sau khi Liên Xô tan rã vào tháng 1/1992, Tổng thống Mỹ khi đó là George H. W. Bush đã nỗ lực thực hiện trở lại kế hoạch phòng thủ tên lửa chiến lược. Na Uy cũng giống như các cường quốc châu Âu khác, đã bày tỏ quan ngại về việc phá vỡ sự cân bằng hạt nhân.

Dù vậy, các nước châu Âu lần lượt bị thuyết phục. Những lo ngại mà họ bày tỏ ban đầu bỗng dưng biến mất vì sự đa nghi đối với Nga. Các bức điện tín từ Đại sứ Mỹ tại Na Uy cho thấy Mỹ đã khiến Na Uy thôi bày tỏ lo ngại bằng cách coi đó là vấn đề về sự đoàn kết liên minh.

Benson Kelley Whitney, phái viên hàng đầu của Mỹ khi đó ở Na Uy đã báo cáo rằng "Na Uy vẫn phản đối kế hoạch của Mỹ về phòng thủ tên lửa và là đồng minh duy nhất trong NATO công khai bày tỏ hoài nghi về những kế hoạch đó trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ở Vilnius".

Na Uy sẽ khó bảo vệ các tuyên bố cứng rắn phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa nếu Mỹ coi đó là hành động phá vỡ sự đoàn kết. Ông Whitney báo cáo rằng Na Uy vẫn phản đối, nhưng sẽ "gặp khó khăn trong việc bảo vệ quan điểm nếu vấn đề bị chuyển hướng sang đoàn kết liên minh".

Đại sứ Whitney báo cáo về Washington việc đại sứ quán Mỹ đã làm thế nào để tiếp tục "tác động tới truyền thông, chính phủ và các nhà nghiên cứu" để thuyết phục người Na Uy về sự cần thiết phải lên tiếng chống lại các tuyên bố của Nga.

Đại sứ Mỹ cũng nêu cách thức họ dàn xếp để có những bài viết được đăng tải trên các tờ báo lớn nhất của Na Uy cũng như cách họ "khuyến khích" các nhà báo Na Uy "đưa ra một bức tranh tổng thể hơn của vấn đề, với trọng tâm nhấn vào các nỗ lực của Nga nhằm phá hoại sự đoàn kết của liên minh".

Đại sứ quán Mỹ cũng yêu cầu chính phủ Na Uy thể hiện sự khác biệt quan điểm với Nga để tránh làm tổn hại đến tình đoàn kết đồng minh.

Đại sứ quán Mỹ có thể báo cáo về việc Na Uy đã bị thay đổi như thế nào khi Oslo vẫn công khai chỉ trích hệ thống phòng thủ tên lửa nhưng lại bí mật làm việc với các thành viên NATO về hệ thống này.

Tiền tuyến mới của NATO

Xu hướng đề cao tình đoàn kết đồng minh lên trên vấn đề an ninh quốc gia đã được lặp lại trong nỗ lực của Mỹ nhằm đối đầu với các sáng kiến kinh tế của Nga ở Bắc Cực như khai thác năng lượng và phát triển hành lang vận tải Tuyến đường Biển Phương Bắc.

Trong những năm qua, Mỹ đã điều tàu chiến đi qua biển Barents, lần đầu tiên kể từ những năm 1980. Máy bay quân sự của Mỹ có thể sử dụng Jan Mayen - một hòn đảo chiến lược của Na Uy và là nơi các tàu ngầm hạt nhân của Nga có thể bị chặn đứng.

Trong khi đó, quân đội Na Uy cũng đang nâng cấp hệ thống radar với thiết bị của Mỹ ở phía cực bắc, ở khu vực biên giới với Nga. Điều này sẽ rất quan trọng để hệ thống phòng thủ tên lửa NATO có thể loại bỏ khả năng trả đũa hạt nhân của Nga.

Vào tháng 2/2021, Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử điều máy bay ném bom hạt nhân B-1B tới Na Uy.

Từ vài năm trước, Na Uy đã dần dần từ bỏ chính sách không cho phép quân đội nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ nước này. Người dân nước này được "trấn an" rằng lính Mỹ chỉ triển khai trên cơ sở luân phiên chứ không phải thường trực,

Chính phủ Na Uy cũng tuyên bố đây là việc thường lệ và Nga không có gì phải lo ngại. Dù vậy, các hãng truyền thông đều cho rằng, động thái này có thể khiến Nga "lạnh sống lưng".

Gần đây, Mỹ và Na Uy đạt được một thỏa thuận khác, theo đó Mỹ có thể kiểm soát 4 căn cứ quân sự ở Na Uy. Thỏa thuận này cho phép Mỹ có đặc quyền sử dụng các căn cứ quân sự mà không chịu sự giám sát của Na Uy đối với các thiết bị quân sự và nhân sự ra vào đất nước Bắc Âu này.

Ở Na Uy, các căn cứ quân sự của Mỹ có thể sẽ gây ra xung đột với Nga ở cực Bắc và khi nó xảy ra, nhưng người Na Uy có thể cảm thấy hài lòng vì đã có các căn cứ quân sự của Mỹ bảo vệ họ đầu tiên.

Dù vậy, với việc chuyển đổi từ vùng đệm hòa bình sang tiền tuyến, Na Uy khó có thể làm gì nhiều để làm xoa dịu các mối quan hệ vì an ninh quốc gia của nước này giờ là một chủ đề giữa Washington và Moscow.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm