Quốc gia trên bờ vực vỡ nợ vì Covid-19
(Dân trí) - Sri Lanka đang lún sâu vào một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, lạm phát tăng phi mã do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điều này làm dấy lên lo ngại Sri Lanka có thể vỡ nợ trong năm nay.
Theo hãng tin Guardian, Sri Lanka phải thanh toán 7,3 tỷ USD khoản nợ trong nước và nước ngoài trong 12 tháng tới, trong đó có khoản nợ trái phiếu quốc tế trị giá 500 triệu USD đáo hạn trong tháng 1 này. Trong khi đó, lượng dự trữ ngoại hối của Sri Lanka tính đến tháng 11/2021 chỉ đạt 1,6 tỷ USD, thấp nhất trong khoảng một thập niên qua. Các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã hạ bậc tín nhiệm của Sri Lanka do lo ngại về khả năng trả nợ của quốc gia này.
Đại dịch Covid-19 hơn hai năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Sri Lanka, ngành du lịch - vốn chiếm hơn 10% GDP - thất thu, chi tiêu chính phủ tăng, nguồn thu thuế của chính phủ giảm sút khiến ngân sách chính phủ giảm mạnh.
Lạm phát ở Sri Lanka cũng tăng lên mức kỷ lục 11,1% vào tháng 11/2021. Lạm phát tăng phi mã một phần do chính phủ in thêm tiền để trả các khoản nợ trong nước và nước ngoài. Ngân hàng Thế giới ước tính, giá cả leo thang khiến hơn nửa triệu người ở nước này rơi xuống dưới mức nghèo khó, thậm chí không thể trang trải việc chi tiêu các hàng hóa thiết yếu. Hơn 200.000 người mất kế sinh nhai do ngành du lịch, lữ hành bị ảnh hưởng.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã ban bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế, quân đội được trao quyền đảm bảo hàng hóa thiết yếu với giá bình ổn cho người dân, nhưng tình hình không được cải thiện nhiều.
Trong bài phát biểu năm mới, Tổng thống Rajapaksa nói rằng, ông hy vọng có thể phục hồi nền kinh tế quốc gia song không công bố những biện pháp cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính.