1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Quốc đảo Thái Bình Dương “quay lưng” với Đài Loan, căng thẳng Mỹ - Trung tăng nhiệt

(Dân trí) - Cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ tại Nam Thái Bình Dương có thể sẽ tăng nhiệt khi quốc đảo Solomon được cho là đã thỏa thuận với Bắc Kinh về việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan sau 36 năm.

Quốc đảo Thái Bình Dương “quay lưng” với Đài Loan, căng thẳng Mỹ - Trung tăng nhiệt - 1

Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại Đài Bắc năm 2017. (Ảnh: AFP)

Quần đảo Solomon, một trong những đồng minh ngoại giao hiếm hoi còn sót lại của Đài Loan, đã thành lập một nhóm các bộ trưởng để thảo luận với chính quyền Trung Quốc về việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh.

Theo Reuters, một đội đặc nhiệm của Solomon phụ trách đánh giá quan hệ với Đài Loan đã trở về nước sau chuyến công du tới các quốc gia đồng minh của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương. Sau đó, tới giữa tháng 8, một nhóm gồm 8 bộ trưởng và thư ký riêng của thủ tướng Solomon tiếp tục cho chuyến thăm tới thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Quần đảo Solomon là một trong 17 quốc gia vẫn công nhận và duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. 6 trong số 17 quốc gia này nằm tại Thái Bình Dương.

Trung Quốc vẫn luôn coi Đài Loan là một tỉnh không thể tách rời. Do vậy, Bắc Kinh vẫn tìm cách gây sức ép với Đài Loan bằng cách thuyết phục các đồng minh của hòn đảo này chuyển quan hệ ngoại giao sang chính quyền Trung Quốc, đặc biệt từ khi nhà lãnh đạo có xu hướng độc lập Thái Anh Văn lên nắm quyền tại Đài Loan từ năm 2016.

Reuters dẫn lịch trình của quốc hội Solomon cho biết, đội đặc nhiệm do Thủ tướng Manasseh Sogavare thành lập sau khi ông tái đắc cử hồi tháng 4 sẽ đệ trình đề xuất của họ liên quan tới vấn đề Đài Loan vào đầu tuần này.

“Chính quyền hiện tại đã có suy tính nhất định về việc chuyển đổi (quan hệ ngoại giao). Chính quyền đã chi nhiều tiền cho việc này”, Peter Kenilorea, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Solomon, cho biết.

Một nghị sĩ giấu tên của chính quyền Solomon cho biết cả đội đặc nhiệm và nhóm các bộ trưởng rõ ràng đều nghiêng về phía Trung Quốc. Mặc dù vậy, vẫn có khả năng việc chuyển đổi quan hệ ngoại giao sẽ không diễn ra.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng không xác nhận thông tin về chuyến thăm. Ông Cảnh chỉ nói rằng Trung Quốc sẵn sàng phát triển quan hệ hữu nghị với các nước khác dựa trên nguyên tắc Một Trung Quốc.

Mỹ - Australia lo ngại

Quốc đảo Thái Bình Dương “quay lưng” với Đài Loan, căng thẳng Mỹ - Trung tăng nhiệt - 2

Một góc quần đảo Solomon. (Ảnh: Getty)

Theo giới quan sát, việc quốc đảo Solomon chuyển quan hệ ngoại giao chính thức sang Trung Quốc đại lục không chỉ giáng một đòn vào sự hiện diện của Đài Loan trong khu vực, mà còn “đổ thêm dầu vào lửa” cho cuộc cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington cũng như các đồng minh của Mỹ tại Nam Thái Bình Dương.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu và là nhà cung cấp viện trợ chính cho phần lớn các quốc gia Nam Thái Bình Dương. Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, chủ yếu thông qua các dự án cơ sở hạ tầng lớn như cầu, đường, cảng và các chương trình viện trợ, đã khiến Mỹ lo ngại.

Mỹ từ lâu vẫn duy trì việc tiếp cận độc quyền về quốc phòng tại khu vực Nam Thái Bình Dương thông qua căn cứ quân sự tại đảo Guam và các thỏa thuận an ninh với các quốc đảo Miconesia, Marshall và Palau.

Trong chuyến thăm tới Micronesia hồi tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhấn mạnh những lo ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Nhà ngoại giao Mỹ nói rằng các thỏa thuận an ninh của Mỹ với Miconesia, Marshall và Palau sẽ “duy trì nền dân chủ nhằm đối phó với nỗ lực của Trung Quốc hòng định hình lại khu vực Thái Bình Dương”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuần trước nhấn mạnh sự cấp bách của Mỹ trong việc tìm ra những cách thức mới để củng cố sức mạnh của Washington tại châu Á - Thái Bình Dương, nhằm đối phó với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các cơ sở quân sự trong khu vực.

Một báo cáo được công bố năm 2018 cho biết Bắc Kinh đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân thường trực tại Vanuatu. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực và hai nước lo ngại nhất là Mỹ và Australia. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Vanuatu đều bác bỏ thông tin trên.

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corporation, nhận định Mỹ và Australia sẽ tiếp tục tìm cách ngăn chặn hoặc ít nhất kiềm chế ảnh hưởng ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc đối với các nước Thái Bình Dương.

“Nếu quần đảo Solomon chuyển sang quan hệ với Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có cơ hội hiện diện tại đây trong tương lai”, Grossman cho biết.

Mỹ đã thể hiện lo ngại khi các nước xoay chuyển mối quan hệ từ Đài Loan sang Bắc Kinh. Năm ngoái, Nhà Trắng từng cảnh báo “sự phát triển về kinh tế và an ninh của toàn khu vực châu Mỹ” sẽ bị ảnh hưởng khi El Salvador cắt đứt quan hệ với Đài Loan và thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.

Theo Adam Ni, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Macquarie ở Sydney, Mỹ cảnh giác về sự hiện diện của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương vì điều này sẽ làm giảm vai trò lãnh đạo của Washington trong khu vực.

“Rõ ràng, tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Nam Thái Bình Dương sẽ tạo ra sự lo ngại tại Australia và Mỹ”, chuyên gia Ni nhận định.

Khu vực Thái Bình Dương được xem là “thành trì” ngoại giao của Đài Loan. Quan hệ ngoại giao với các quốc đảo tại khu vực này chiếm hơn 1/3 trong tổng số quan hệ ngoại giao của Đài Loan.

Theo Jonathan Pryke, giám đốc chương trình đảo Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu Lowy ở Australia, mặc dù quốc đảo Solomon không thể tạo ra hiệu ứng domino nếu cứt đứt quan hệ với Đài Loan, song tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Bắc Kinh trong khu vực vẫn là vấn đề gây quan ngại.

“Australia và Mỹ cũng được hưởng lợi từ việc khu vực Thái Bình Dương không bị quân sự hóa thêm. Australia và Mỹ đã đúng khi cảnh giác, tuy nhiên nếu Trung Quốc lựa chọn can dự một cách chiến lược hơn, họ có thể mang những nguồn lực quan trọng tới khu vực. Quả bóng đang ở sân của Trung Quốc khi họ quyết định tiến xa như thế nào trong tham vọng chiến lược tại Thái Bình Dương”, chuyên gia Pryke nhận định.

Thành Đạt

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm