1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Quan tham Trung Quốc liên tiếp tự tử, làm khó chiến dịch "đả hổ diệt ruồi"

Ngày 13/11, Phó Chính ủy Hải quân Trung Quốc – Phó đô đốc Mã Phát Tường đã tự tử bằng cách nhảy lầu từ trụ sở Hải quân ở Bắc Kinh. Trong cùng tháng, ít nhất 2 quan chức cấp cao khác cũng quyết định vứt bỏ mạng sống của mình.

Họ là 3 trong số hơn 40 quan chức tự sát tính từ tháng 1/2014 đến nay – gấp đôi lượng quan chức tự tử trong năm 2011.
 
Hàng loạt tướng Trung Quốc tự sát vì bị điều tra tham nhũng (ảnh minh họa)
Hàng loạt tướng Trung Quốc tự sát vì bị điều tra tham nhũng (ảnh minh họa)

Nếu so sánh con số này với số quan chức tự sát trong giai đoạn Đại Cách mạng văn hóa (ước tính 100.000-200.000 người) hay tổng số người chết hàng năm tại Trung Quốc, quả thực chúng rất nhỏ bé. Tuy nhiên, điều làm mọi người ngạc nhiên là trong lúc tỷ lệ người tự tử ở Trung Quốc đang giảm đáng kể thì số quan chức muốn tự kết liễu đời mình lại tăng lên một cách chóng mặt.

Vậy điều gì đã dẫn đến cái chết của những vị quan chức trên? Thật khó có thể tìm ra nguyên nhân cụ thể khi chính quyền Trung Quốc không muốn tiết lộ quá nhiều thông tin về các sự vụ đó. Phần lớn các cuộc tử tự được thông báo chính thức đều xác định nguyên do là bị trầm cảm hoặc phải chịu quá nhiều áp lực. Tuy nhiên, những lí do này hoàn toàn trái ngược với quan điểm của dư luận cũng như những nhà học giả Trung Quốc – những người cho rằng cái chết gần đây của những vị quan chức cấp cao dính líu đến bê bối tham nhũng.

Trầm cảm hay chịu sức ép lớn có thể là một trong những nguyên nhân đứng đằng sau việc tự sát của nhiều quan chức Trung Quốc, nhưng chúng không thể là toàn bộ nguồn gốc lí giải việc ngày càng có nhiều quan chức muốn kết liễu đời mình, đặc biệt là trong thời điểm nhạy cảm hiện nay. Năm 2005, một cuộc điều tra 200 vị quan chức trong độ tuổi trung niên, có đến một nửa trong số đó “bị mắc các chứng bệnh về tinh thần”. Thực tế, trong số 13 vị quan chức tự sát được công bố chính thức trong năm 2014, chỉ có 5 người bị mắc chứng trầm cảm, và ít nhất 6 người trong số đó có dính líu đến những vụ điều tra tham nhũng.

Việc gia tăng con số quan chức Trung Quốc tự tử là dấu hiệu cho thấy chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng đang khiến giới quan chức lo sợ cũng như phải đối mặt với nhiều áp lực, đặc biệt những người đang bị điều tra. Tuy vậy, tại sao những người đó lại có thể dễ dàng vứt bỏ mạng sống của mình như vậy? Một lí giải cho việc này chính là chiến dịch đã tạo nên sức ép quá lớn lên các quan tham, buộc họ cảm thấy ngoài chết ra họ không còn con đường nào khác. Ngoài ra, việc đẩy mạnh chiến dịch tham nhũng cũng làm nghiêm trọng thêm căn bệnh trầm cảm của một số quan chức, góp phần khiến nhiều người tìm đến cái chết.

Bên cạnh đó, một lí giải khác được đưa ra đầy tính thuyết phục hơn. Nhiều người cho rằng những vụ tự tử đó là một cách để “thoát tội”. Một mặt, chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay báo hiệu cho những quan chức “ăn hối lộ” một sự thật họ không thể thoát khỏi việc điều tra cũng như kết cục chịu sự trừng phạt của công lý. Một khi đã bị bắt và nhận án tù giam (hoặc thậm chí bị xử tử hình) vì tội tham nhũng, việc đó không chỉ đồng nghĩa bị bẽ mặt trước dư luận mà còn bị tước hết danh hiệu cũng như tài sản phạm pháp. Tuy nhiên, trong hệ thống luật hiện hành tại Trung Quốc, một khi nghi phạm chết, lệnh truy tố sẽ được hủy và mọi trách nhiệm pháp lý cũng được bãi bỏ. Nếu một quan chức tự sát, họ không những giữ nguyên chức vụ của mình mà tài sản cũng không bị tịch thu. Quan trọng hơn, bằng cách kết liễu đời mình, họ có thể trở thành “vật hi sinh” để che đậy cho những thành viên khác trong đường dây tham nhũng, và thường đó là những người có chức vụ cao hơn. Chính vì vậy, “tự tử vị tha” cũng là một trong những yếu tố lớn có khả năng cản trở nỗ lực chống tham nhũng, còn được biết đến là chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của Trung Quốc hiện nay.

Theo Hồng Hạnh/ N.I