Quan hệ quân sự Trung-Mỹ, một năm sau thời kỳ “trăng mật”
(Dân trí) - Những phỏng đoán lại rộ lên quanh mối quan hệ quân sự giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, một năm sau khi kỳ trăng mật của quan hệ Mỹ-Trung dường như đã chấm dứt do loan báo của chính quyền Obama bán gói vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD cho Đài Loan.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đang ở Bắc Kinh trong sứ mệnh hâm nóng mối quan hệ quân sự Mỹ-Trung
Hy vọng đạt được "mối quan hệ đối tác chiến lược" với Trung Quốc trước đây của Tổng thống Obama được báo giới kết luận trong ba từ “đã tan vỡ”, sau khi chính quyền Obama thông báo tại Quốc hội ý định bán gói vũ khí trị giá nhiều tỷ USD cho Đài Loan khiến cuối tháng 1/2010, Bắc Kinh tuyên bố cắt đứt liên lạc quân sự với Washington.
Trong cả năm qua, các cuộc trao đổi và tư vấn song phương vẫn được tiếp tục bất chấp những mâu thuẫn và khó khăn mà Lầu Năm Góc và Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thừa nhận khó có thể giải quyết được. Bắc Kinh đã bác đề nghị tới thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Gates. Tướng Mã Tiểu Thiên, phó tổng tham mưu trưởng PLA thừa nhận rằng việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, các hoạt động diễn tập quân sự thường xuyên của Mỹ ở gần lãnh hải và không phận Trung Quốc, các đạo luật của Mỹ... là trở ngại chính cho sự phát triển ổn định quan hệ quân sự giữa hai nước.
Thời gian qua, trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên như một "chảo lửa", Mỹ-Hàn đã tiến hành một loạt cuộc tập trận chung. Vào tháng 12/2009, Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận chung quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của khoảng 44.500 quân, 60 tàu chiến và 400 máy bay chiến đấu của hai bên. Quân số tham gia tập trận nhiều gấp 6 lần so với cuộc tập trận chung trước đó giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Cùng thời điểm này, Mỹ đã quyết định điều 3 cụm tàu sân bay đến khu vực Đông Bắc Á trong động thái mà giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng Washington muốn tăng cường uy hiếp quân sự. Với sự hiện diện của ba cụm tàu sân bay cộng với lực lượng đồn trú tại Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ đã có hơn 400 máy bay chiến đấu ở Đông Bắc Á. Đây là một phần trong sự điều chỉnh tổng thể bố trí lực lượng của quân đội Mỹ, theo kế hoạch sẽ có tới 6 cụm tàu sân bay tập trung tại châu Á- Thái Bình Dương.
Như vậy, quan hệ Trung-Mỹ bị kéo căng bởi tình hình trên bán đảo Triều Tiên - với Mỹ và Nhật Bản ủng hộ Hàn Quốc trong khi Trung Quốc đứng về phía Triều Tiên - và trong cả những diễn biến quan trọng khác tại khu vực như về vấn đề tranh chấp trên Hoàng Hải, Biển Đông... Mùa Hè năm ngoái, Bắc Kinh đã công khai phản đối các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và các nước đồng minh ở Hoàng Hải bởi sự khu vực này kề cận với vùng lãnh hải của Trung Quốc. Theo các nhà phân tích quân sự Trung Quốc, những cuộc tập trận này có thể là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Trung Quốc.
Trước chuyến đi của ông chủ Lầu Năm Góc
Mấy ngày gần đây, người ta đã thấy tại một phi trường ở Thành Đô (Tứ Xuyên – Trung Quốc) sự xuất hiện của J-20, loại tiêm kích tàng hình được ví có thể sánh với F-22 của Mỹ. Như vậy, sau nhiều năm nghiên cứu chế tạo bí mật, chiếc J-20 đầu tiên đã sẵn sàng cho việc bay thử, cho dù mới chỉ là những tiết lộ ban đầu song nó lại được loan báo rộng rãi và hết sức công khai. Giới phân tích cho rằng không phải ngẫu nhiên Trung Quốc công khai loại máy bay chiến đấu thế hệ mới mà theo dự kiến của giới phân tích quân sự phương Tây thì phải đến năm 2020 Trung Quốc mới có thể tự chế tạo.
Ngoài máy bay chiến đấu tàng hình J-20, dư luận báo chí còn loan tin Trung Quốc đang cải tạo chiếc tàu sân bay Varyag từ thời Liên Xô trước đây và dự kiến công việc sẽ hoàn tất trong năm 2012. Hàng loạt bài báo cho thấy có ít nhất một chiếc tàu sân bay do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo đang được sản xuất trên biển. Mặc dù năm 2006, Trung Quốc đã bác bỏ thông tin này song các quan chức cấp cao nước này gần đây lại nói nhiều đến mục tiêu sớm có được một tàu sân bay cỡ lớn. Bên cạnh đó, hệ thống tên lửa đạn đạo được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc dường như cũng sắp được lắp đặt.
Quan chức tình báo hải quân Mỹ David J.Dorsett cho rằng Mỹ không nên quá phóng đại thực lực quân sự của Trung Quốc. “Trung Quốc không có hệ thống sử dụng cùng lúc một cách hiệu quả các loại vũ khí khác nhau. Cho dù Trung Quốc đang phát triển một số vũ khí với tốc độ nhanh hơn Mỹ dự kiến, song vẫn chưa thấy Trung Quốc bố trí hải quân lớn, tiến hành diễn tập quân sự liên hợp quy mô lớn hay tiến hành bất cứ cuộc chiến tranh thực nào hiệu quả”, ông này nói. Nhưng rõ ràng có thể thấy quan điểm quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực và sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang khiến Mỹ đau đầu.
Chuyên viên Vadim Kozyulin thuộc Viện các vấn đề địa chính trị Nga cho rằng đường lối chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là giành ưu thế tuyệt đối trong lĩnh vực quân sự. Kể từ sau sự kiện tàu Cheonan, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang hình thành một trận tuyến thống nhất, không ngừng tiến hành các cuộc tập trận mang tính uy hiếp tại Đông Hải và Hoàng Hải. Có ý kiến chuyên gia nhận định các cuộc tập trận giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc muốn phát đi một thông điệp rằng ba nước này đã hình thành một mối quan hệ “tam giác thép”, Mỹ sẽ không bao giờ “vắng mặt” trong các sự vụ của châu Á. Theo Tướng Từ Quang Dục, nghiên cứu viên quân sự cao cấp của Bắc Kinh, các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật là sự tiếp nối của chính sách ngoại giao pháo hạm mới của Mỹ trong thế kỷ 21 này. Các cuộc tập trận không ngừng khiến cho tình hình khu vực Đông Bắc Á trở nên hết sức căng thẳng, đồng thời cũng tác động mạnh đến thần kinh của Trung Quốc.
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung
Tháng 12 năm ngoái, Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Tướng Mã Hiểu Thiên, đã có chuyến công du tới Mỹ, thăm Lầu Năm Góc để nghe giới thiệu về vũ khí nguyên tử, tên lửa đạn đạo và chương trình không gian của Mỹ. Theo bình luận báo giới Mỹ, Washington “đã ngầm thừa nhận rằng Trung Quốc quá mạnh để có thể kiềm tỏa trong một trật tự châu Á-Thái Bình Dương”. Việc đưa Trung Quốc cùng tham gia các vấn đề toàn cầu và chia sẻ quan ngại cả về thương mại, nhất là về tỷ giá đồng Nhân dân tệ, được cho là cách làm việc khôn ngoan hơn trong bối cảnh Tổng thống Barack Obama đang phải đối mặt với những thách thức nội bộ trong năm nay.
Vào những ngày này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đang ở Bắc Kinh trong sứ mệnh quan trọng là hâm nóng lại mối quan hệ quân sự Mỹ-Trung, vốn đang trong giai đoạn được coi là tồi tệ nhất từ trước đến nay. Hai bên sẽ nối lại hội đàm quân sự cấp cao nhằm tạo niềm tin và giảm thiểu những ngờ vực giữa hai bên, nhất là khi cả Mỹ và Trung Quốc cùng muốn kiềm chế căng thẳng ở Đông Bắc Á. Trong cuộc gặp sáng 10/1 tại trụ sở Quân ủy Trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cho rằng quan hệ quân sự phát triển mạnh và ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc cần phải có những nỗ lực chung nhằm giải quyết các bất đồng. Phía mình, ông Gates cũng cam kết thực hiện mọi điều có thể trong quyền hạn của mình nhằm đạt được các mục tiêu trong quan hệ giữa hai quân đội, đồng thời cho rằng những bất đồng tốt nhất nên được giải quyết thông qua đối thoại và minh bạch hóa.
Một số học giả Trung Quốc tỏ ra thận trọng, cho rằng không nên hy vọng chuyến thăm này sẽ mang lại sự cải thiện lớn trong quan hệ quân sự Trung – Mỹ khi cho rằng xét về cơ bản, quan hệ quân sự Trung – Mỹ phát triển như thế nào vẫn được quyết định bởi sự phát triển tổng thể quan hệ giữa hai nước. Trong khi đó, không ít dư luận quốc tế đánh giá cao chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, cho rằng cho dù không thể tạo ra sự đột phá về chất nào trong việc giải quyết các khúc mắc giữa hai bên, song hai bên có thể thông qua việc trao đổi ý kiến để hiểu nhau hơn một bước, tránh có những phán đoán sai lệch về nhau trước chuyến thăm Mỹ dự kiến của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào ngày 19/1 tới - đang được xem là chuyến công du cấp nhà nước quan trọng nhất trong 30 năm qua.