1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan hệ Pháp - Trung Quốc: Tìm sự sòng phẳng

Tổng thống Emmanuel Macron chỉ có 48 tiếng tại Bắc Kinh để nỗ lực xây dựng một quan hệ chính trị, kinh tế Pháp - Trung Quốc bình đẳng và hiệu quả hơn.

Quan hệ Pháp - Trung Quốc: Tìm sự sòng phẳng - 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng thức rượu vang tại Hội chợ Nhập khẩu Thượng Hải ngày 5/11. (Nguồn: AFP)

Ngày 4/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đặt chân xuống sân bay tại Bắc Kinh, chính thức khởi động chuyến thăm hai ngày tới Trung Quốc. Đây là chuyến công du thứ hai tới Trung Quốc của ông Macron kể từ khi ông nắm quyền tháng 5/2017, song là lần gặp gỡ thứ 6 giữa hai nhà lãnh đạo trong vòng 3 năm trở lại đây. Tại đây, ông hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, đóng vai khách mời danh dự của Hội chợ Nhập khẩu Thượng Hải, một biểu tượng của chính sách mở cửa thương mại của Trung Quốc và khai trương Trung tâm Pompidou, bảo tàng nghiên cứu nghệ thuật hiện đại tại Thượng Hải.

Nơi tránh bão

Chuyến “Đông Du Ký” của nhà lãnh đạo Pháp diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington tiến tới ký kết một phần thỏa thuận thương mại lịch sử. Một khi thỏa thuận với Trung Quốc ráo mực, Tổng thống Donald Trump sẽ cần tìm kiếm một mục tiêu mới để đánh thuế, tìm kiếm một thỏa thuận thương mại có lợi khác nhằm tô điểm hồ sơ tranh cử năm 2020. Khi đó, đích đến nhiều khả năng sẽ là Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Pháp nói riêng. Ông Trump đã nhiều lần bày tỏ thái độ bất mãn với sự tràn lan của các sản phẩm EU, đặc biệt là ô tô, tại thị trường Mỹ. Một quan chức tại Điện Elysee từng khẳng định rằng: “Chúng tôi không muốn châu Âu là nạn nhân của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung”.

Pháp đã lựa chọn giải pháp đẩy mạnh quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc và chuyến đi này là một phần trong chiến lược đó. Một cố vấn của Tổng thống Pháp cho biết các công ty nước này có thể ký kết 40 hợp đồng với phía Trung Quốc trong các lĩnh vực thế mạnh của Pháp như nông nghiệp, du lịch và y tế.

Đầu năm 2018, Trung Quốc đã gỡ bỏ cấm vận đối với thịt bò Pháp – đây là một bước tiến lớn, song chưa đủ khi giữa hai bên còn nhiều rào cản trong lĩnh vực nông nghiệp. Pháp hiện hy vọng có thể tận dụng cơn khát thịt lợn của Trung Quốc để xuất khẩu thịt lợn nhiều hơn sang nước này. Công nghệ và phát triển hạ tầng 5G cũng sẽ là một vấn đề dự kiến được thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo.

Điểm thú vị nằm ở chỗ, cho dù ông Macron không ủng hộ chính sách của ông Trump, song rõ ràng hướng đi của nhà lãnh đạo Pháp vẫn có sự tương đồng quan điểm nhất định với người đứng đầu nước Mỹ, đặc biệt là trong vấn đề công bằng thương mại. Paris đã nhiều lần chỉ trích sự bất bình đẳng thương mại, kêu gọi Bắc Kinh tiến hành mở cửa thị trường và có chính sách công bằng hơn đối với doanh nghiệp nước ngoài. Qua chuyến thăm lần này, Pháp muốn Trung Quốc có câu trả lời rõ ràng và tích cực.

Quan hệ Pháp - Trung Quốc: Tìm sự sòng phẳng - 2

Cơn khát thịt lợn của Trung Quốc có thể tạo điều kiện cho thịt lợn xuất khẩu của Pháp. (Nguồn: More Times At The Table)

Khôn khéo để thành công

Song để tìm được đáp án đó, Tổng thống Macron cần cân nhắc kỹ lưỡng việc thảo luận về các vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc như Hong Kong hay Tân Cương. Ông Zhu Jing, quan chức phụ trách Vụ châu Âu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chào đón chuyến thăm của ông Macron và không quên "gài" lưu ý rằng “Hong Kong và Tân Cương là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và sẽ không hợp lý nếu đưa chúng vào nghị trình ngoại giao” .

Ông này cũng cảnh báo Pháp không nên đóng vai trò “quấy rối” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thảo luận những vấn đề này có thể khiến công sức của ông Macron đổ sông đổ bể. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng ông Macron có thể đề cập việc Trung Quốc được cho đã đe dọa tới người Ngô Duy Nhĩ đang tị nạn tại Pháp.

Khi ấy, ông chủ điện Elysee có thể nương theo chiều gió để xây dựng tình thân với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngày 5/11, chính quyền Tổng thống Trump hoàn thành thủ tục chính thức rút khỏi Thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris (COP21). Phát biểu ngay sau đó tại Hội chợ Nhập khẩu Thượng Hải, ông khẳng định Pháp nói riêng và EU nói chung sẽ kề vai sát cánh cùng Trung Quốc nhằm chống chủ nghĩa bảo hộ và biến đổi khí hậu.

Và Bắc Kinh cũng cần Paris hơn bao giờ hết. Kinh tế Trung Quốc quý vừa qua chứng kiến mức tăng trưởng thấp nhất 30 năm trở lại đây. Thỏa thuận thương mại một phần với Mỹ chỉ giải tỏa chút ít áp lực, nhưng về bản chất, sẽ không thể hóa giải hoàn toàn nhiều khúc mắc còn tồn tại trong quan hệ song phương. Các quốc gia đang phát triển từng hào hứng với khoản đầu tư kếch xù từ Bắc Kinh bao nhiêu, giờ đây lại tỏ ra thân trọng bấy nhiêu. Trung Quốc cần một thị trường lớn, phát triển và EU có thể đáp ứng nhu cầu này. Do đó, mở rộng quan hệ hợp tác với Paris là lợi ích của Bắc Kinh và chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không bỏ qua cơ hội này.

Người ta hay nói: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Khi cơn bão Donald Trump đang càn quét chính trường quốc tế, mở rộng hợp tác là phương án tối ưu nhất. Tuy nhiên, một mối quan hệ chỉ bền lâu khi hai bên tiến hành trao đổi, hợp tác trên cơ sở bình đẳng, có qua có lại. Đây sẽ là thông điệp xuyên suốt của Tổng thống Macron trong chuyến thăm Trung Quốc. Ngược lại, việc Paris chủ động mở rộng quan hệ với Bắc Kinh là cơ hội để chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình giảm thiểu hệ lụy từ xung khắc thương mại với Mỹ.

Do đó, bất chấp khúc mắc còn tồn tại, cả Pháp và Trung Quốc đang nỗ lực xích lại gần hơn. Khi ấy, chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Macron là cơ hội tốt để song phương tạo đà phát triển quan hệ “đối tác toàn diện, đối thoại chiến lược” như từng khẳng định.

Theo Phan Quân

Thế giới & Việt Nam