1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Quan hệ Nga-EU: Vì đâu nên nỗi?

(Dân trí) - Sau nhiều năm tương đối nồng ấm, quan hệ EU-Nga đang ngày một trở nên nguội lạnh với những bất đồng ngày một sâu sắc. Giới phân tích cho rằng tuần trăng mật giữa Nga và EU đã kết thúc, kể từ nay quan hệ này sẽ chuyển sang một gia đoạn mới đầy biến động khó lường.

Theo các nhà phân tích, sở dĩ quan hệ Nga-EU trở nên xấu hơn bởi những nguyên nhân dưới đây.

 

Thứ nhất, các cuộc thương lượng về Hiệp ước Đối tác và Hợp tác mới giữa hai bên đang bị đình trệ do Ba Lan sử dụng quyền phủ quyết để phản ứng việc Nga lệnh cấm nhập khẩu thịt của nước này. Hơn nữa, đặt trong bối cảnh mới, nước Nga hiện nay không còn là nước Nga của năm 1997 phải chấp nhận vị trí "yếu thế" trước EU khi ký Hiệp ước Đối tác và Hợp tác cũ.

 

Thứ hai, các nước thành viên EU đang bất đồng gay gắt về quan điểm, đặc biệt giữa một bên là các nước thành viên mới, đứng đầu là Ba Lan và các nước vùng Bantích, và bên kia là các nước trụ cột như Đức, Pháp và Italia. Sự bất đồng này càng trở nên sâu sắc khi mà Ba Lan ngày càng "cao giọng" trước Nga và một số nước đối tác châu Âu lại dường như đồng tình với thái độ này. Hơn nữa, sau cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp, Nga xem ra cũng mất luôn sự ủng hộ của chính quyền Jaques Chirac.

 

Thứ ba, căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến các cuộc đối thoại giữa Brúcxen và Moscow. Việc Mỹ triển khai lá chắn chống tên lửa tại Ba Lan và Cộng hòa Séc đã khiêu khích Nga. Nga xem đây như một mối đe dọa có thể dẫn tới tình trạng mất cân bằng chiến lược và hoàn toàn không phù hợp với các cam kết trước đây của Bush cha trước khi nước Đức thống nhất. Vào thời điểm đó, Bush cha đã cam kết với Liên Xô cũ rằng sẽ không mở rộng các hạ tầng cơ sở phục vụ mục đích quân sự về phía Đông.

 

Thứ tư, quan hệ buôn bán năng lượng giữa Nga và EU đã bị chính trị hóa. Điều này thể hiện rất rõ trong vai trò của Nga đối với việc cung cấp năng lượng cho EU. Tuy nhiên, ông Gomart lưu ý trong vấn đề năng lượng, cả EU và Nga đều phụ thuộc vào nhau. Nga cũng cấp cho EU đến 40% nhu cầu năng lượng, trong khi, để có nguồn thu ngoại tệ, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cũng không thể lơ là thị trường châu Âu.

 

Thứ năm, bản thân EU đã mất đi sự "hấp dẫn" trong con mắt của các nhà lãnh đạo Nga. Với việc đã dần thanh toán được các khoản nợ nước ngoài, nền kinh tế đang hồi phuc nhanh chóng, nước Nga hiện tại hoàn toàn có đủ tư thế để đáp lại các thông điệp của EU rằng EU không thể áp đặt các giá trị của họ cho Nga.

 

Giải thích cho ly do tại sao sao Nga gần đây lại có phản ứng dữ dội đến như vậy trên chính trường quốc tế, Giám đốc Trung tâm Nga-Các quốc gia mới độc lập thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, ông Thomas Gomart, cho biết mốc thời gian quan trọng là vào năm 1999, khi Nga nhận thấy mình không có đủ phương tiện để phản đối các hoạt động quân sự đơn phương của NATO. Tiếp đó là các cuộc "cách mạng sắc màu" với sự hậu thuẫn của phương Tây tại các nước thuộc Liên Xô cũ, mà tiêu biểu là cách mạng Cam tại Ucraina. Thời gian gần đây, nhờ nền kinh tế hồi phục nhanh, Nga bắt đầu tìm cách khôi phục lại vùng ảnh hưởng và công khai chống lại sức ép của phương Tây.

 

Theo giới phân tích nếu EU không đạt được sự thống nhất và có một phương thức đối thoại phù hợp với thực tế mới của Nga, nếu Nga không thay đổi cách tư duy và điều chỉnh cách thức tiếp cận với các nước thuộc khối Vacxava và Liên Xô cũ, đã và sắp gia nhập EU, việc quan hệ giữa hai bên ngày càng bế tắc là điều không thể tránh khỏi.

 

Kiến Văn

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm