1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quan chức 11 quốc gia họp bàn tìm cách cứu TPP

Trưởng đoàn 11 nước còn tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngày 21/9 đã bắt đầu vòng đàm phán kéo dài 2 ngày tại Tokyo.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto bày tỏ hy vọng tại cuộc họp này, các nước có thể đạt được một "bước tiến lớn" hướng tới Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, dự kiến diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11 tới.


Ảnh minh họa: AP

Ảnh minh họa: AP

Ông Umemoto khẳng định: “Điều quan trọng đối với 11 quốc gia là duy trì tình đoàn kết và thống nhất, nỗ lực thiết lập một hệ thống thương mại đa phương, tự do, công bằng dựa trên luật pháp khu vực châu Á, Thái Bình Dương, phù hợp với thế kỷ 21”.

Ông Umemoto cũng cho rằng cần tiếp tục theo đuổi khả năng Mỹ có thể quay trở lại TPP, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thực thi hiệp định này "càng sớm càng tốt".

Nhật Bản là quốc gia đề xuất cuộc họp này. Cuộc họp diễn ra chỉ 3 tuần sau một cuộc họp trước đó ở Australia. Nhật Bản nhận thấy sự cần thiết phải thúc đẩy các nỗ lực nhằm xác định những điều khoản nên được gác lại.

Trong cuộc thảo luận “TPP 11” ở Australia vào cuối tháng 8, các nước thành viên đã đề xuất 50 điều khoản mà họ cho là cần được tạm gác. Mặc dù vậy, các nước chỉ đạt được sự đồng thuận về 2 điều khoản, gồm kéo dài thời gian bảo hộ dữ liệu thuốc sinh phẩm, và kéo dài thời gian bảo hộ bằng sáng chế.

Những đề xuất khác đòi hỏi phải có sự bàn bạc kỹ lưỡng hơn, bao gồm các điều khoản về doanh nghiệp quốc doanh và đàm phán định kỳ về TPP. Ngoài ra, có thể có thêm nhiều điều khoản được đề xuất tạm gác.

Cuộc họp ở Nhật Bản sẽ được coi là thành công nếu tất cả 11 nước thành viên đưa ra đề xuất của mình và nhất trí về các điều khoản cần “đóng băng”. Vượt qua được trở ngại này sẽ mở đường cho các nhà đàm phán quay trở lại với những vấn đề khó hơn trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào tháng 10, chẳng hạn rà soát quy định về loại bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng dệt may.

Ngoài ra, tiến trình đàm phán cũng sẽ trở nên khó khăn hơn nếu những vấn đề gai góc như thuế quan và hạn ngạch đối với hàng nông sản nhập khẩu được đưa lên bàn đàm phán.

Một điều khoản cũng cần được điều chỉnh là quy định TPP chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 6 nước, chiếm tổng cộng 85% sản lượng kinh tế của 12 nước ký kết ban đầu, hoàn tất các thủ tục trong nước.

Cho đến nay mới chỉ có Nhật Bản và New Zealand đã phê chuẩn hiệp định này. Với việc Mỹ, chiếm tới 60% tổng sản lượng, rút khỏi thì hiệp định này không thể có hiệu lực.

TPP được ký kết tháng 2 năm ngoái, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu.

Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP, cho rằng hiệp định đa phương này làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Mỹ và nhấn mạnh Mỹ sẽ tiến hành đàm phán hiệp các định thương mại song phương.

Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn nhất trong số 11 nước còn lại. Nhật Bản hy vọng đạt một sự đồng thuận giữa các nước đàm phán TPP về cách thức duy trì hiệp định, nhấn mạnh rằng TPP là kết quả của nhiều năm đàm phán trước khi ký kết vào tháng 2/2016. Tuy nhiên, một số nước có thể kêu gọi đàm phán lại nội dung, bao gồm các loại thuế xuất nhập khẩu.

Theo Vũ Anh Tuấn

VOV