Putin trấn an "cơn thần kinh" phương Tây
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa trấn an Mỹ và các nước NATO rằng: “Quân đội Nga không đe dọa ai, sao phương Tây phải căng thẳng thần kinh đến thế?”.
Putin: Quân đội Nga không hề đe dọa ai
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/11 đã một lần nữa bày tỏ sự ngạc nhiên về phản ứng “đầy lo ngại” của các đối tác phương Tây trước các cuộc tập trận và kiểm tra trạng thái sẵn sàng chiến đấu liên tiếp được tổ chức trong thời gian qua của quân đội Nga.
Phát biểu trong quá trình tiếp xúc với các nhân viên của công ty Autodiesel ở Yaroslavl, Tổng thống Nga một lần nữa khẳng định định rằng, Quân đội Nga đã trở thành lực lượng hiện đại, rất hiệu quả trong việc bảo vệ đất nước nhưng họ không hề đe dọa bất cứ ai.
Nga có diện tích lớn nhất trên thế giới, nên các lực lượng vũ trang cần phải đảm bảo chắc chắn an ninh cho đất nước mình, cho nhân dân của mình. Quân đội Nga hoàn toàn có thể làm được điều đó và trong tương lai sẽ tiếp tục phát triển quân đội - ông Putin nói.
Ông Putin lưu ý rằng, hiện nay Nga tiếp tục thực hiện chương trình phát triển quân đội. "Quân đội cần trở nên nhỏ gọn, nhưng phải rất hiệu quả, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách cơ cấu và sẽ tiếp tục tối ưu hóa quân số mà không sa thải hàng loạt" - ông Putin nói.
Ông cho biết, để quân đội củng cố và tăng cường sức mạnh thì số lượng các cuộc tập luyện phải tăng lên, bao gồm các cuộc kiểm tra trạng thái sẵn sàng chiến đấu không báo trước. Đó là điều bình thường đối với bất cứ quân đội nào, nếu muốn bảo vệ được đất nước.
Trong khi các nước Mỹ-NATO liên tiếp tập trận áp sát Nga ở Ukraine, Biển Đen, Baltic, Nga không hề quan tâm, ngược lại, không hiểu sao đôi khi những hành động bình thường của Quân đội Nga lại khiến cho các đối tác phương Tây lo lắng, căng thẳng thần kinh như vậy.
Người đứng đầu nhà nước tuyên bố: “Một lần nữa tôi nhắc lại điều quan trọng nhất để tất cả mọi người nghe thấy, không chỉ những ai ngồi ở đây rằng, Nga không hề uy hiếp, đe dọa bất cứ nước nào, vì chúng tôi đâu cần chuyện đó? Chúng tôi làm như thế để làm gì?” - ông Putin nói.
Trước đó, quan chức quân sự Nga thường trực tại NATO là ông Grushko cũng tuyên bố trước Khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương là các cuộc kiểm tra đột xuất trạng thái sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga không hề đe dọa ai, mà chỉ nhằm hoàn thiện khả năng bảo vệ Tổ quốc.
Việc tiến hành kiểm tra đột xuất của quân đội Nga không là mối đe dọa cho bất cứ ai - đại diện thường trực của Nga tại NATO Alexander Grushko nhấn mạnh rằng, đây là thực tế được NATO biết đến nhưng họ luôn rêu rao rằng, Nga đang chứng tỏ “khát vọng hiếu chiến”.
Ông Grushko nhấn mạnh, đối với một đất nước rộng lớn như Nga, đây là một trong những phương pháp tối ưu đảm bảo sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội, tất cả hoạt động quân sự diễn ra ở Liên bang Nga đều hoàn toàn phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế.
Kể cả các cuộc thanh tra đột xuất của phương Tây theo Hiệp ước “Bầu trờ mở cũng đã chứng tỏ Nga không có những hành động chuẩn bị chiến tranh. Tất cả những điều Nga làm để phù hợp với những quy định trong Tài liệu Vienna về các biện pháp xây dựng lòng tin.
NATO tăng cường tuyên truyền để lấy cớ bao vây Nga?
Trước những phát ngôn “đầy lo lắng” từ các tướng lĩnh và quan chức khối NATO, Bộ Ngoại giao Nga cũng lên tiếng phản bác rằng, NATO không hề có bằng chứng cụ thể về “mối đe dọa từ Moscow” như những tuyên bố hàm hồ, vô căn cứ của họ.
Cho đến nay NATO vẫn chưa thể nêu ra được những thí dụ cụ thể về cái gọi là “mối đe dọa Nga”, vốn được coi là nguyên cớ để Khối Liên minh quân sự này hô hào triển khai lực lượng về phía Đông - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga là bà Maria Zakharova tuyên bố.
Theo lời nhà ngoại giao Nga, trên thế giới vẫn hiện hữu mối đe dọa thực sự từ phía các hiện tượng như chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức, thảm họa thiên tai tự nhiên, mà tất cả cần làm việc cùng nhau để giải quyết, nhưng điều đó không có nghĩa lý gì với NATO.
Những nội dung tiềm năng hiện thực của hợp tác quốc tế đã không được các thành viên của khối này hợp lực với Nga để giải quyết, hơn nữa, họ còn xếp Nga vào dạng nguy cơ hàng đầu đối với an ninh thế giới, ngang với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS hay đại dịch Ebola.
"Cần gọi sự vật bằng đúng cái tên của nó. Cái gọi là "mối nguy cơ từ Nga" hay “Nga xâm lược châu Âu” như những gì NATO hô hào trong thời gian gần đây chính là sự ngụy biện cho hành động xích gần cơ sở hạ tầng của khối này tới sát biên giới Nga.
Tự họ đã vẽ ra "mối đe dọa Nga" và để chống lại "nguy cơ hiển hiện từ Moscow", đương nhiên là NATO phải chuyển dịch cơ cấu lực lượng và trang bị sang phía Đông, tiến sát biên giới phía Tây nước Nga, nhằm siết chặt cái thòng lọng xung quanh nước Nga.
Những tuyên bố của Nga thường bị các quan chức Mỹ và NATO đương nhiệm bác bỏ nhưng nó lại nhận được sự chia sẻ và tán đồng của phần lớn các quan chức đã về hưu.
Ví dụ như vừa qua, cựu chỉ huy trưởng lực lượng Đồng minh ở châu Âu là tướng Mỹ Philip Breedlove tuyên bố rằng, Nga đã rút ra kết luận từ các chiến dịch quân sự trong quá khứ và củng cố quân đội theo hướng hiện đại hơn, cơ động hơn và tinh nhuệ hơn.
Tuy nhiên, Moscow không hề có ý định gây hấn với Mỹ-NATO mà Nga mong muốn phương Tây phải tôn trọng họ như một siêu lực lượng trong thế giới đa cực" - tướng Breedlove cho biết khi phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, trong một hội nghị nói về Liên bang Nga.
Vị tướng NATO về hưu nhấn mạnh rằng, có rất nhiều vấn đề, từ quá khứ dưới thời Liên Xô cho đến nước Nga hiện tại, khiến Hoa Kỳ mô tả Nga dưới một lăng kính xấu xa và họ (Liên bang Nga) muốn được vào bàn đàm phán, để chống lại - vị tướng về hưu cho biết.
Theo ông Breedlove, Liên bang Nga đánh giá vị trí của mình trên sân khấu thế giới là cao hơn so với những năm trước và cao hơn so với những gì phương Tây đánh giá về họ. Moscow muốn trở lại vị thế một siêu cường, muốn nhận được sự tôn trọng của phương Tây.
Theo vị tướng Mỹ, Washington cần thông minh để trở nên trung thực với bản thân rằng, Nga có quan điểm riêng của mình và hai bên cần phải tìm lấy tiếng nói chung về những vấn đề này.
Theo Nhật Nam
Đất Việt