1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Putin-Obama: Hòa giải trên “bài toán trắc nghiệm” về Syria

(Dân trí) - Tại Mexico, Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin đã giải được “bài toán trắc nghiêm” Syria đang gây căng thẳng trong quan hệ song phương. Cả hai kêu gọi “phải chấm dứt ngay bạo lực” và để “người dân Syria quyền tự chọn tương lai một cách độc lập và dân chủ”.

 

“Bài toán trắc nghiệm”


 

“Bài toán trắc nghiệm” Syria

 

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nguyên thủ quốc gia Nga-Mỹ kể từ khi cựu lãnh đạo KGB trở lại điện Kremlin. Nhà lãnh đạo Mỹ coi việc “tái khởi động” mối quan hệ với Nga, vốn đã được thúc đẩy dưới thời Tổng thống Medvedev, là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của mình. Chính nhờ có “tái khởi động” mà trước đây hiệp ước vũ khí hạt nhân START mới được ra đời và hai nước đã bắt tay hợp tác về Iran và Afghanistan.

 

Tuy nhiên, những cuộc “khẩu chiến” qua lại về Syria, cách tiếp cận cứng rắn, cương quyết trong nhiều vấn đề của ông Putin cùng tình hình chính trị ở cả Mátxcơva và Washington có vẻ như đang đẩy mối quan hệ giữa hai cựu đối thủ thời Chiến tranh Lạnh vào một cuộc đối đầu mở.

 

Vì vậy mà cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ngày thứ ba vừa qua giữa hai nhà lãnh đạo được xem là cơ hội nhằm hàn gắn rạn nứt hơn là tạo ra đột phá.

 

Matthew Rojansky, thuộc Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie cho rằng ông Putin và Obama phải cố gắng “hạn chế đổ vỡ” và phải hiểu được nhau để căng thẳng hiện tại không bị “quá lửa”.

 

Phải đối mặt với một cuộc chiến tái tranh cử khốc liệt phía trước, ông Obama hầu như không có cơ hội để làm lại. Hồi tháng 3 ông đã bị “bắt quả tang” ở một hội nghị tại Seoul khi vô tình nói vào chiếc mic vẫn đang bật, yêu cầu ông Medvedev nói với ông Putin rằng ông sẽ linh hoạt hơn trong vấn đề lá chắn tên lửa mà Nga chỉ trích kịch liệt sau cuộc bầu cử tháng 11 tới.

 

Ông Obama cũng cần phải phòng thủ trước đối thủ đảng cộng hòa Mitt Romney, người gán mác cho Nga là “mối đe dọa địa chính trị” với Mỹ. Cụ thể ông Romney cho rằng Matxcơva trang bị vũ khí, bảo vệ chế độ giết người ở Damascus, ngăn cản các trừng phạt quốc tế đối với Iran và chống lại những nỗ lực của Washington trên nhiều hồ sơ.

 

Tuy nhiên, Washinton vẫn hi vọng Nga sẽ giúp giải quyết khủng hoảng ở Syria, mặc dù cho đến nay, Nga vẫn chống lại nghị quyết của Hội đồng bảo an lật đổ Tổng thống Assad. Giới phân tích cho rằng Nga vẫn còn cảm thấy bị lừa gạt tại Libya vì phương Tây đã bảo đảm với Matxcơva là không tìm cách lật đổ ông Gadhafi, song cuối cùng lại giúp đỡ phe đối lập Libya làm việc này.

 

Nga cũng lo sợ sẽ mất một đồng minh địa chính trị chủ chốt của mình và các căn cứ hải quân của nga ở đông Địa Trung Hải sẽ bị đe dọa một khi chính quyền của ông Assad bị thay thế bằng một chính phủ ít thân Nga hơn.

 

Song Nhà Trắng, vốn cũng đang tìm kiếm sự đồng thuận của Nga trong một cuộc chuyển giao quyền lực tương tự ở Yemen, đã khẳng định rõ vào hôm thứ sáu vừa qua rằng, quyền lợi của Nga ở Syria sẽ không bị ảnh hưởng.

 

Thế nhưng ông Putin, người quyết liệt bảo vệ “vị trí siêu cường” của Nga, đã không giấu giếm về ngờ vực của ông với Mỹ, đổ lỗi cho Washington tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Mátxcơva từ năm ngoái. Nhà lãnh đạo Nga, viện dẫn bận phải thành lập nội các, đã từ chối tham dự G8 do ông Obama tổ chức vào tháng trước. Mặc dù giới chức Mỹ phủ nhận đây không phải là một cuộc tẩy chay, song Putin ngay sau đó được thấy đã công du Bắc Kinh, Berlin, và Paris, như để chứng tỏ ưu tiên của ông được đặt ở đâu.

 

Hòa giải

 

Tuy nhiên, tại cuộc gặp ở Mexico, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga đã chứng tỏ họ có thể thảo luận để tìm ra một đường hướng chung phù hợp với tình thế phức tạp tại Syria và nhất là giải tỏa được phần nào căng thẳng đang đầu độc quan hệ song phương Nga-Mỹ.

 

Hôm qua, sau hai tiếng đồng hồ thảo luận bên lề thượng đỉnh G20 tại Los Cabos, lãnh đạo hai nước đã ra thông cáo chung nhấn mạnh hai nước “kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay tức khắc”. Obama và Putin tuyên bố “thống nhất quan điểm để cho nhân dân Syria tự lựa chọn tương lai của mình một cách độc lập và dân chủ”.

 

Trong khi Washington chỉ trích Matxcơva che chở chế độ Damas dùng vũ lực đàn áp dân chúng thì Tổng thống Obama tuyên bố tìm được một thỏa thuận với Tổng thống Putin về một “ tiến trình chính trị” tránh cho Syria rơi vào nội chiến.

 

Tổng thống Nga cũng tuyên bố đã tìm ra “nhiều điểm đồng thuận” với lãnh đạo Hoa Kỳ trong cuộc thảo luận mà ông gọi là “cốt lõi và nghiêm túc”. Phát ngôn viên tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov giải thích thêm là “tất cả mọi hệ phái tôn giáo tại Syria đều phải được bảo đảm trong tiến trình chính trị này”, phải thúc đẩy chế độ Damas và đối lập ngồi và bàn đàm phán vì “giải pháp đơn phương sẽ không thực tế”.

 

Lãnh đạo Mỹ -Nga đã không dùng lời lẽ đả kích nhau như thường thấy trong thời gian trước đây. Phát ngôn viên Nga Dmitri Peskov mô tả hai bên không sử dụng ngôn từ “cứng cỏi” mà là “xây dựng và cởi mở” và cùng bày tỏ ý muốn gặp gỡ thường xuyên hơn.

 

Tổng thống Nga cũng cám ơn Hoa Kỳ đã ủng hộ Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và mời ông Obama sang thăm. Bên cạnh hồ sơ Syria, trong cuộc gặp gỡ song phương tại Los Cabos vào hôm qua, hai bên cùng kêu gọi “Iran phải có thái độ nghiêm túc tạo lại uy tín trên thế giới và tuân thủ những bổn phận về hạt nhân”. Trên hồ sơ hệ thống phòng thủ chận tên lửa mà NATO đang bố trí tại châu Âu, lãnh đạo Mỹ-Nga tuyên bố tuy vẫn bất đồng nhưng “sẽ tiếp tục tìm kiếm một giải pháp”.

 

Theo nhận định của AFP, lúc tiếp xúc với báo chí, Tổng thống Putin với tác phong lạnh lùng cố hữu của một sĩ quan mật vụ đã trình bày tóm gọn trong hai phút. Trong khi đó, Tổng thống Obama phát biểu súc tích hơn và với giọng nói thư thái, tóm lược nội dung cuộc thảo luận được ông dùng thuật ngữ ngoại giao đánh giá là « thẳng thắn ».

 

Không rõ Tổng thống Mỹ có thành công trấn an Tổng thống Nga về mối lo âu bị mất ảnh hưởng tại Syria hay không nhưng theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Ben Rhodes, thì nếu ông Putin có điều gì thất vọng thì ông đã bày tỏ công khai.

 

Vũ Quý

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm