Phụ nữ Ai Cập và hủ tục cắt “bộ phận ấy”
(Dân trí) - Ngay tại Cairo, nơi được xem như là một trong những trung tâm chính trị, văn hoá lớn của thế giới Ảrập, thật khó có thể tưởng tượng được rằng có đến 80% phụ nữ vẫn đang hàng ngày phải đối mặt với nỗi đau đớn dai dẳng gây ra bởi một tập quán vô cùng man rợ: Alkhitan.
Alkhitan hay như thuật ngữ của Liên Hiệp Quốc là Female genital mutilation (FGM) là hình thức cắt bỏ bộ phận sinh dục phía ngoài của người phụ nữ khiến họ không còn khoái cảm khi quan hệ tình dục. Tục lệ này có nguồn gốc rất lâu đời từ các bộ lạc châu Phi, mục đích là khiến người phụ nữ không còn ham muốn về mặt tình dục dẫn đến các mối quan hệ ngoài hôn nhân, ép họ vào khuôn khổ của chăm sóc gia đình và phục vụ người chồng. Alkhitan là một phẫu thuật vô cùng đau đớn, có nguy cơ tử vong cao, nó để lại vết thương không chỉ trong thời gian ngắn sau đó mà sẽ đeo đẳng người phụ nữ suốt cuộc đời. Khi sinh nở họ sẽ phải chịu nỗi đau đớn hơn rất nhiều lần so với những phụ nữ bình thường khác (do vết khâu khi cắt bỏ sẽ rách trở lại).
Alkhitan còn gây ra những hậu quả khôn lường khác về mặt xã hội: Người phụ nữ thường cảm thấy mình không hoàn hảo, mất cân bằng về mặt tâm sinh lý, thất vọng trong cuộc sống gia đình dẫn đến buồn chán, lẩn tránh các hoạt động xã hội, sống lãnh cảm và cam chịu.
Điều tệ hạ hơn là Alkhitan (FGM) vẫn còn rất phổ biến trong xã hội Ai Cập nói riêng và các quốc gia châu Phi khác nói chung bất chấp những nỗ lực tuyên truyền của chính phủ và các tổ chức xã hội khác. Nó đã ăn sâu vào nhận thức của người dân và trở thành một định kiến, một lề thói xã hội rất khó thay đổi.
"Với phụ nữ đôi khi phải làm cho họ đau đớn, nếu không họ sẽ vượt ra ngoài giới hạn cho phép. Phụ nữ sẽ không tôn trọng chồng và cha mình nếu như không chỉ cho họ thấy kỉ luật." – Mohammed Orman, chủ một cửa hiệu tại trung tâm Cairo phát biểu.
Thực ra trong mắt mọi người Omran không hề là một kẻ hung hăng. Ngược lại đó là một chủ cửa hiệu rất trung thực và có uy tín, nổi tiếng với món phomát ngon nhất Cairo. Thậm chí Orman còn cho những con mèo hoang trên phố thức ăn và bao giờ cũng trả lại đúng tiền thừa cho khách. Với Omran ông không thể tưởng tượng cuộc sống của mình sẽ ra sao nếu thiếu vợ và hai con gái. Thế nhưng tất cả những người phụ nữ trong gia đình Omran đều là nạn nhân của Alkhitan.
Ngay những người mẹ, trong khi chính bản thân họ đang phải chịu đựng những nỗi đau câm lặng do Alkhitan gây ra cũng cho rằng tục lệ này là cần thiết và ủng hộ Alkhitan với chính con gái mình. Sự cam chịu mang tính truyền thống cộng với lạc hậu và thiếu hiểu biết khiến cho Alkhitan vẫn còn tồn tại và trở thành vấn đề vô cùng nhức nhối hiện nay.
Theo báo cáo gần đây của UNICEF, trên toàn châu Phi có khoảng 3 triệu phụ nữ bị phẫu thuật "cắt bỏ" hàng năm và hiện khoảng 130 triệu phụ nữ đang phải gánh chịu những vết thương vô hình và hữu hình do Alkhitan gây ra.
Phân biệt đối xử, xâm phạm nhân quyền và bạo hành với phụ nữ vì thế đã trở thành điều quá đỗi bình thường tại đây. Trung bình cứ ba người phụ nữ Ai Cập thì có một người bị đánh đập, ép quan hệ tình dục hoặc bị lạm dụng và xâm phạm về thân thể trong suốt cuộc đời. Còn những kẻ gây ra chuyện này phần lớn lại là những người thân thiết với họ (chồng hoặc cha).Vì thế họ không hề nhận thức dược rằng mình đang bị xâm phạm còn thủ phạm thì không bao giờ bị lên án hay buộc tội. Phụ nữ vẫn là những nạn nhân với nỗi đau âm ỉ không thể nói thành lời.
TSTY
Theo UNICEF