1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phòng không Kharkov chật vật ngăn chặn "mưa tên lửa" của Nga

Thanh Thành

(Dân trí) - Ukraine nỗ lực từng giờ ngăn chặn các vụ tấn công tên lửa liên tiếp của Nga ở Kharkov trong khi kêu gọi phương Tây nhanh chóng cung cấp số lượng lớn hơn các hệ thống phòng không tiên tiến.

Phòng không Kharkov chật vật ngăn chặn mưa tên lửa của Nga - 1

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người sống sót sau vụ tấn công tên lửa ở Kharkov, Ukraine hôm 23/1 (Ảnh: Washington Post).

Người lính có biệt hiệu Grandpa thuộc đơn vị phòng không khoảng 60 tuổi vừa mới bắt đầu ca trực tại một khu rừng đầy tuyết tại khu vực gần biên giới Nga vào sáng sớm 23/1 thì nhìn thấy ánh sáng rực rỡ lóe lên ở phía chân trời. Anh chộp lấy chiếc radio và gửi tin nhắn khẩn cấp: "Tôi nhìn thấy ánh chớp và nghe những tiếng nổ phát ra!".

Người lính biết đó là tên lửa đạn đạo, được phóng từ bên trong nước Nga. Nhưng không có thời gian để ngăn chặn và cũng không có vũ khí nào trong kho đủ sức để ngăn chặn những vụ tấn công như vậy.

Vài giây sau, tên lửa lao vào Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, san phẳng một tòa nhà và phá hủy các cơ sở hạ tầng dân sự khác. Trong đó, 10 người, gồm 1 trẻ em đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Một số nạn nhân bị mắc kẹt hàng giờ dưới đống đổ nát.

"Tôi hiểu tên lửa sẽ bay lên cao và tấn công mọi người nhưng tôi không thể làm bất cứ điều gì để ngăn điều đó xảy ra", người lính này nói, và cho biết thêm "nỗi đau vì bất lực đó thực sự là một cảm giác mà bản thân không thể diễn tả bằng lời".

Các lực lượng Nga đã tấn công Kharkov, cách biên giới gần 50 km về phía nam 3 lần vào ngày 23/1: lần thứ nhất vào lúc 4h sáng, sau đó ngay sau 7h sáng và một lần nữa gần22 giờ. Trong đó, có 2 lần thì còi báo động không kích của thành phố cảnh báo dân thường tìm nơi trú ẩn chỉ vang lên sau khi bom đã nổ.

Các cuộc tấn công mà Ukraine nói là kiểu tấn công kết hợp thực hiện một phần từ các hệ thống S-300 bên trong lãnh thổ Nga, là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công gần đây, nhằm khai thác điểm yếu trong hệ thống phòng không của Ukraine. Vụ thứ hai trong số 3 vụ tấn công hôm 23/1 mà người binh sĩ chứng kiến là cuộc tấn công tổng hợp nhằm vào thủ đô Kiev và khu vực phía đông nam Dnipro.

Các cuộc tấn công tên lửa cho thấy Nga ngày càng quyết liệt hơn trong chiến dịch quân sự đặc biệt của mình ở Ukraine, ngăn chặn việc Kiev theo đuổi một tương lai độc lập, dân chủ trong Liên minh châu Âu (EU). Moscow cũng cho thấy Kiev vẫn không có đủ hệ thống phòng không ngay cả sau khi phương Tây cung cấp cho Kiev một loạt tổ hợp tên lửa phòng không bao gồm NASAMS, Iris-Ts, Gepards, Stingers...

Việc sử dụng các hệ thống như vậy đã bị giám sát chặt chẽ hôm 24/1, sau khi Nga cáo buộc Kiev bắn hạ vận tải cơ quân sự ở Belgorod gần đó, nơi Moscow cho biết đang chở hàng chục tù binh Ukraine.

Mục tiêu dễ dàng nhất

Đối với Nga, Kharkov là một trong những mục tiêu dễ dàng nhất.

Thành phố này gần biên giới đến mức ngay cả các hệ thống phòng không hiện đại như Patriot của Mỹ mà lực lượng Ukraine sử dụng ở Kiev cũng sẽ gặp khó khăn trong việc phản ứng đáp trả. Khoảng cách gần với các bãi phóng của Nga có nghĩa là thời gian từ khi phóng đến khi hạ cánh thường ít hơn một phút.

Binh sĩ Grandpa thuộc Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 113, vốn có nhiệm vụ bảo vệ bầu trời phía bắc thành phố Kharkov. Nhưng đơn vị của ông chỉ có ZU-23-2, là một loại pháo phòng không bán cố định, có chế độ bắn tự động, nòng đôi cỡ nòng 23 mm do Liên Xô nghiên cứu và chế tạo. Đây là vũ khí chiến lợi phẩm thu được khi quân đội Nga rút lui khỏi thành phố Kupyansk gần đó vào tháng 9/2022.

Hệ thống di động được gắn phía sau xe tải này chỉ có thể tấn công các mục tiêu di chuyển dưới tốc độ âm thanh. Chúng bao gồm các máy bay không người lái (UAV) chẳng hạn như Shaheds và loại UAV góc nhìn thứ nhất (FPV). Một số vũ khí đó nhằm vào quân đội đóng quân ở phía bắc thành phố, khu vực mà Moscow đã tấn công và giành quyền kiểm soát vào đầu năm 2022.

Một số khác nhắm vào chính Kharkov, nơi Moscow từng tấn công mạnh mẽ nhưng chưa giành được quyền kiểm soát. Tuy nhiên, gần đây, Moscow dường như đã một lần nữa để mắt tới Kharkov và khu vực xung quanh, nơi họ đã rút đi sau cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine vào tháng 9/2022.

Makhno, 38 tuổi, chỉ huy đơn vị phòng không, cho biết trong tháng qua, ngày càng nhiều nhóm nghi binh - gồm từ 5-20 binh sĩ Nga cùng một lúc - đã vượt biên giới vào Ukraine. Lực lượng Nga cũng đã tấn công thành phố nhiều lần trong khi củng cố các vị trí quân sự của họ từ các góc độ khác, bao gồm cả phía đông Kupyansk.

Chỉ trong 4 tuần qua, các cuộc tấn công bằng tên lửa ở Kharkov đã phá hủy 2 khách sạn và làm hư hại hàng trăm tòa nhà. Larisa Kulakova, chuyên gia giáo dục ở Kharkov cho biết: "Thành phố ngày càng bị pháo kích nhiều hơn".

Vào chiều 23/1, tại một vị trí quân sự giữa Kharkov và biên giới, các binh sĩ trong đơn vị phòng không của lữ đoàn - mặc bộ đồ tuyết màu trắng để hòa vào khung cảnh mùa đông - đi lại xung quanh, chuẩn bị ứng phó với nhiều cuộc tấn công sắp tới.

Một người đứng trên thùng xe tải, nhìn qua ống nhòm để quan sát UAV và tên lửa đang lao tới. "Tình thế lúc nào cũng căng thẳng", chỉ huy Makhno cho biết.

Ông nói, việc Mỹ và phương Tây chậm cung cấp vũ khí đã khiến quân đội của ông rơi vào tình thế khó khăn. "Thế giới đang lãng phí thời gian để quyết định có nên cung cấp vũ khí cho Ukraine hay không. Chúng ta cần đi trước đối thủ 2 bước".

Một người lính khác, có biệt hiệu Strilok, nói rằng khi tên lửa hướng tới thành phố, "chúng tôi chắc chắn cảm thấy mình không thể làm gì được". Ông nói, cách tốt nhất để ngăn chặn các cuộc tấn công là sử dụng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS của Mỹ để tấn công các địa điểm phóng ở Nga. Nhưng Washington, nơi cung cấp các hệ thống này, đã cấm Ukraine sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu ở Nga.

Ở Kharkov giờ đây, các đội cứu thương từng giờ chỉ ngồi chờ pháo kích và một năm chiến tranh mới

Một lần nữa, đơn vị phòng không phía bắc thành phố nhìn thấy tên lửa hướng tới Kharkov. Và cũng một lần nữa, họ không thể làm gì được.

Theo Washington Post