Phòng, chống tham nhũng ở Trung Quốc: Trị cả "gốc" lẫn "ngọn"
Giáo sư Hồ Tinh Đấu (Đại học Công nghệ Bắc Kinh, Trung Quốc) cho rằng phòng chống tham nhũng phải trị cả "gốc" lẫn "ngọn" và phải dựa vào việc xây dựng thể chế phòng chống tham nhũng.
Trong một phát biểu mới đây, Giáo sư Kinh tế Hồ Tinh Đấu thuộc Đại học Công nghệ Bắc Kinh cho rằng, mức độ phòng chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình là chưa từng có. Tới nay, hàng loạt biện pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí của ông Tập Cận Bình đã thu được hiệu quả rất tốt.
Tuy nhiên, Giáo sư Hồ Tinh Đấu cho rằng phòng chống tham nhũng phải trị cả "gốc" lẫn "ngọn" và phải dựa vào việc xây dựng thể chế phòng chống tham nhũng.
Trị "gốc"
Muốn "trị gốc", điều căn bản nhất là phải giải quyết mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc với Hiến pháp và pháp luật cũng như mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc với ngành tư pháp. Vấn đề này tồn tại mâu thuẫn, nhưng không phải là không thể giải quyết được. Muốn giải quyết cần phải dám đột phá.
Về xây dựng cơ chế phòng chống tham nhũng.
Thứ nhất, tách Cục Phòng chống Tham nhũng và Cục Giám sát ở Trung ương và địa phương độc lập với hệ thống hành chính, xây dựng cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập từ trên xuống dưới, ở Trung ương là Tổng cục, ở các tỉnh thành là Cục, không chịu sự lãnh đạo của chính quyền và đảng ủy địa phương, nhân sự thực hiện chế độ nhiệm kỳ 3 năm, tiến hành luân chuyển định kỳ. Cơ quan cấp trên của Tổng cục là Ủy ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương.
Thứ hai, tách tòa án các địa phương độc lập với chính quyền địa phương và Ủy ban Chính Pháp địa phương, do Tòa án Nhân dân Tối cao trực tiếp lãnh đạo, nhân sự và ngân sách do Tòa án Nhân dân Tối cao quyết định.
Theo chuyên gia phòng chống tham nhũng ở Bắc Kinh, những gì cần phải đột phá đương nhiên không chỉ dừng lại ở hai bước nêu trên. Nhưng nếu đã có hai sự độc lập, hai bước đột phá lớn này, Trung Quốc đã đi được bước đầu tiên trong việc trị quốc theo Hiến pháp và pháp luật. Một khi đã bước đi được bước đầu tiên thì sẽ có bước thứ hai, thứ ba…
Trả lời phỏng vấn ABC, chuyên gia về Trung Quốc Paul Monk cho rằng có ba nguyên nhân chính trong vấn đề tham nhũng của Trung Quốc:
Thứ nhất, Trung Quốc là một nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất nhanh, làm ra nhiều của cải so với quá khứ, vì vậy có một khoản thặng dư ngân sách lớn, do đó, có rất nhiều cám dỗ và cơ hội kiếm tiền trong tất cả mọi lĩnh vực.
Thứ hai, bộ máy chính quyền của Trung Quốc vẫn còn quan liêu, công chức chưa được trả lương cao theo lao động, nên bị cám dỗ bởi những cá nhân, tổ chức có nhiều tiền. Vì vậy, việc nhiều người trong số họ nhận hối lộ là điều khó tránh khỏi.
Quả thực, trong thời gian rất dài, người dân đã "thích nghi" với tham nhũng, hoặc vì họ không có đủ các phương tiện thông tin để nhận biết, hoặc vì họ cảm thấy bất lực trước một hiện tượng mà họ xem như là một định mệnh không thể vượt qua. Thời kỳ này đã qua rồi. Không phải vì nạn tham nhũng đã bị đánh bại, cũng không phải vì không còn tình trạng tham nhũng trong các chính quyền.
Mà nhìn một cách tổng thể, nạn tham nhũng đã bị phanh phui nhiều hơn so với trước một phần góp công lớn từ sự minh bạch hóa các nguồn thông tin. Các phương tiện thông tin từ nay cho phép người dân dễ dàng biết được những điều trước đây được che giấu và không thể biết tới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi đấu tranh chống tham nhũng là một ưu tiên, chính là vì ông nhận thức được rằng đó là một ưu tiên đòi hỏi của tất cả đảng viên chân chính, của toàn bộ nhân dân Trung Quốc.
Ông muốn tấn công cả "hổ" lẫn "ruồi", tức cả các vị lãnh đạo cấp cao, và gia đình họ - những người đã làm giàu một cách bất chính và đầy tai tiếng nhờ địa vị của họ; trong khi đó các quan chức nhỏ - tham nhũng “vặt” khiến cuộc sống hàng ngày của người dân thêm khốn khó.
Sau khi nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố tham nhũng không chỉ là một vấn đề nghiêm trọng, mà còn là một đe dọa đối với sự tồn vong của Trung Quốc.
Theo ông, tham nhũng kéo dài có thể dẫn đến sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cũng như sự suy tàn của nhà nước Trung Quốc. Hàng trăm nghìn cán bộ đảng đã bị trừng phạt vì tội tham nhũng. Một chính sách đã khiến cho Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất được lòng người dân.
Chính phủ Trung Quốc kiên trì "đả hổ diệt ruồi". Chiến dịch chống tham nhũng đã thu được thành quả nổi bật, nhận được sự đồng thuận rộng khắp và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Đúng như tạp chí Forbes Mỹ từng viết, những tiến triển và thành quả giành được trong lĩnh vực chống tham nhũng của Trung Quốc được mọi người ghi nhận.
Ông George Tzogopoulos, học giả Viện Nghiên cứu châu Âu Nice, Pháp, cho biết chống tham nhũng là một vấn đề nan giải mang tính toàn cầu, nhưng Trung Quốc đã thu được thắng lợi quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng chỉ trong vài năm ngắn ngủi, khiến thế giới thán phục.
Để cho những kẻ tham nhũng không chốn nương thân, Chính phủ Trung Quốc còn tăng cường truy bắt quan tham bỏ trốn ra nước ngoài. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tăng cường hợp tác quốc tế về chống tham nhũng, để những kẻ tham nhũng không nơi ẩn náu.
Trong gần 3 năm qua, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ hợp tác chống tham nhũng với 89 nước và vùng lãnh thổ, ký kết 44 hiệp ước dẫn độ và 57 hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự.
Từ năm 2014, Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) thông qua "Tuyên bố Bắc Kinh về chống tham nhũng", đến Hội nghị Thượng đỉnh G20 mới đây được tổ chức đã phê chuẩn ủng hộ "Chương trình hành động chống tham nhũng G20 từ năm 2015-2016", rồi đến Mạng lưới các cơ quan thực thi pháp luật chống tham nhũng APEC đi vào hoạt động tại Bắc Kinh... vai trò của Trung Quốc nhận được sự đánh giá cao rộng khắp.
Nói về thực trạng chống tham nhũng và tầm quan trọng của nó với tương lai thế giới, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc chống tham nhũng lần thứ 6, diễn ra tại Saint-Peterbourg hồi tháng 11-2015, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon khi đó đã khẳng định: "Xóa bỏ tham nhũng là điều kiện mấu chốt để thực hiện một sự phát triển bền vững". Trong chuyến thăm châu Phi, cùng tháng 11-2015, Giáo hoàng Francis cũng nhấn mạnh sự đòi hỏi tính liêm khiết và trung thực.
Tại Trung Phi ngày 29-11-2015, ông nhắc nhở rằng "cách hành xử và quản lý của chính quyền" có tầm quan trọng hàng đầu, do đó giới chức trách phải "làm gương cho người dân". Tại Kenya, trong một sân vận động đầy ắp 50.000 người, Giáo hoàng Francis đã lên án tham nhũng: "Mỗi khi một người nhận hối lộ là một lần người đó phá hoại nhân cách của mình và tổ quốc của mình".
Trong "một thế giới phẳng" sự thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng ở một số nước đã khơi dậy các phong trào chống tham nhũng ở khắp các châu lục và ở mọi chế độ chính trị. Theo Ngân hàng thế giới (WB), số tiền tham nhũng trên toàn thế giới lên tới khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Theo một số nhận định, số tiền được "tẩy rửa" mỗi năm có thể lên tới 5% GDP toàn cầu. Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) nhận định trên thực tế có khoảng từ 800 đến 2.000 tỷ USD được "tẩy rửa" mỗi năm - gần bằng GDP của một số nước như Ấn Độ, Italy hay Nga. Chắc chắn, khó thống kê được một cách chính xác, nhưng những đánh giá trên cũng có thể giúp chúng ta hiểu một phần những ngóc ngách vô cùng tinh vi, phức tạp.
Nghiên cứu viên cao cấp Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Lomanov cho biết, hành động chống tham nhũng xuyên quốc gia quy mô lớn của Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm rộng khắp của cộng đồng quốc tế, cũng nêu tấm gương và cung cấp kinh nghiệm cho nhiều nước. Chống tham nhũng xuyên quốc gia có thể ngăn chặn quan tham trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, giảm thiểu thiệt hại kinh tế, cải thiện môi trường, ngăn chặn tham nhũng từ ý nghĩa rộng hơn.
Giáo sư Andrew Wedeman, Khoa Chính trị Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Trung Quốc, Đại học bang Georgia, Mỹ cho biết, từ các chiến dịch chống tham nhũng trên quy mô toàn quốc, cho tới hợp tác chống tham nhũng xuyên quốc gia dựa vào cơ chế G20, thể hiện cường độ chống tham nhũng của Trung Quốc ở nước ngoài.
Trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế, tham nhũng xuyên quốc gia là một trong những tệ nạn chính trên thế giới, hợp tác chống tham nhũng xuyên quốc gia trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc Trung Quốc luôn tích cực thúc đẩy các bên tăng cường hợp tác thiết thực trong các mặt truy bắt quan tham trốn ra nước ngoài và thu hồi tang vật, trả lại tài sản, không cung cấp nơi lẩn trốn cho quan tham... sẽ thúc đẩy các nước cùng nhau xây dựng nguyên tắc về truy bắt quan tham trốn ra nước ngoài và thu hồi tang vật.
Để phối hợp tốt hơn nữa, ngăn chặn tình trạng quan chức tham nhũng "ôm" tiền chạy ra nước ngoài, mới đây nhất, ngày 20/1, Trung Quốc đã đề nghị các nhà ngoại giao nước ngoài tại Bắc Kinh hỗ trợ "thành lập một mạng lưới hợp tác chống tham nhũng" trong bối cảnh Bắc Kinh tìm kiếm sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết đấu tranh chống nạn tham nhũng, đồng thời cảnh báo rằng việc thất bại trong giải quyết vấn nạn này có thể đe dọa đến tương lai của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Cuộc chiến sẽ ngày càng quyết liệt hơn
Theo tuyên bố của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, các đoàn kiểm tra đã được cử đến làm việc tại Quốc hội và Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân.
Ngoài ra, CCDI cũng cử đoàn kiểm tra tới các bộ như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia cùng các cơ quan chính phủ phụ trách những vấn đề lập pháp và vấn đề liên quan đến Hong Kong, Macau và người Trung Quốc ở hải ngoại. Một số cơ quan đảng như Ban Mặt trận Thống nhất Trung ương, Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương cũng sẽ bị kiểm tra. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng sẽ tới làm việc tại một số tỉnh
Chủ tịch CCDI ông Vương Kỳ Sơn cho biết các đoàn kiểm tra làm việc dưới sự chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và sẽ tập trung vào các vấn đề như quá trình xây dựng đảng, các biện pháp chống tham nhũng và thực hiện chính sách của đảng và nhà nước tại các đơn vị. Khía cạnh đáng chú ý nhất của các đợt kiểm tra ngày càng rộng và nhằm vào các cơ quan trọng yếu này chính là sự chú trọng vào một số "tổ chức lãnh đạo đảng" - thực chất là những nhóm nhỏ gồm các quan chức chóp bu của nhiều tổ chức khác nhau.
Tại cuộc họp của CCDI - cơ quan chống tham nhũng cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, khi ông Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp rằng: "Nạn tham nhũng đã giảm nhưng vẫn chưa biến mất". Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng chiến dịch chống tham nhũng hiện vẫn còn "khó khăn gian khổ và phức tạp," và cho rằng cơ chế chống tham nhũng vẫn cần sự cải thiện.
Làm thế nào để chống tham nhũng từ ngọn đến gốc, để cuộc chiến chống tham nhũng tiến thêm những bước quan trọng, "diệt trừ tận gốc", cần xây dựng các cơ chế pháp luật, quản lý nhà nước, tăng cường liêm chính… khiến quan chức từ chỗ "không dám tham nhũng" đến "không thể tham nhũng" và "không muốn tham nhũng", có như vậy công cuộc chống tham nhũng mới thành công.
Theo Hoa Nguyễn (tổng hợp)
An ninh thế giới