1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phố Hồ Chí Minh tại St. Petersburg (Nga)

Dường như ít người biết rằng, ở St. Petersburg của Nga có một đường phố rộng lớn mang tên Hồ Chí Minh.

Những ai đã từng đến Nga tham quan, hoặc từng học tập, sinh sống khoảng từ 20 năm trở lại đây hầu như đều biết quảng trường Hồ Chí Minh và tượng Hồ Chí Minh ở thủ đô Moscow, tượng Hồ Chí Minh trong khuôn viên Đại học Tổng hợp St. Peterburg và ở thành phố Ulianovsk…
 
Ông Grigori Pereiachenes ôn lại kỷ niệm về những năm tháng ở Việt Nam
Ông Grigori Pereiachenes ôn lại kỷ niệm về những năm tháng ở Việt Nam

Trong một lần về công tác ở St. Peterburg gần đây, phóng viên VOV đã dành thời gian tới thăm một cựu chiến binh từng có những năm tháng công tác ở Việt Nam.

Ông Grigori Pereiachenes, nay đã 84 tuổi, từng sang Việt Nam vào tháng 3/1966, tham gia huấn luyện bộ đội tên lửa Việt Nam nắm vững và làm chủ hệ thống điều khiển phóng tên lửa phòng không S-75 Dvina.

Ông cũng đã tham gia các trận chiến đấu chống máy bay Mỹ với vị trí chỉ huy khẩu đội phóng thuộc Tiểu đoàn tên lửa phòng không 257. Trong câu chuyện rất sôi nổi về những năm tháng kề vai sát cánh cùng nhân dân Việt Nam ông tỏ ý tiếc một điều là chưa từng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi suốt những năm tháng đó ông sống cùng các chiến sỹ Việt Nam chủ yếu là trong rừng.

Và rồi, câu chuyện bỗng chuyển sang nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về việc Sài Gòn được mang tên Người sau khi miền Nam được giải phóng và đất nước được thống nhất. Cuối cùng ông nhắc đến việc nhà ông ở gần ngay con phố mang tên Hồ Chí Minh.

Biển chỉ dẫn phố Hồ Chí Minh và phố Engel
Biển chỉ dẫn phố Hồ Chí Minh và phố Engel

Phố Hồ Chí Minh khá lớn, được bắt đầu từ điểm giao cắt của đại lộ Vuborgskoe với phố Kompozitorov (nơi có tòa nhà chung cư của ông Grigori và Đại lộ Prosvesheniya.

Phố Hồ Chí Minh cũng là con phố có nhiều dãy nhà cao tầng hiện đại. Qua câu chuyện với ông Grigori và anh Phạm Mạnh Cường (một doanh nhân người Việt Nam được nhiều cựu chiến binh Nga quý mến vì những việc làm nghĩa tình mà anh dành cho họ), chúng tôi được biết, vào ngày 16/10/1978 cái tên Hồ Chí Minh được đặt cho con đường mới của quận Vuborgskoe, để vinh danh thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, là thành phố kết nghĩa với thành phố Leningrad (sau này là St. Petersburg).

Thế nhưng, trong tiềm thức của nhiều người dân St. Petersburg cũng như người Nga nói chung thì họ vẫn coi con phố này là mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam.

Cũng chính bởi thế, nhiều người dân ở đây khi nhìn lên tấm biển viết tên Hồ Chí Minh mà viết liền theo cách viết tên địa danh trong tiếng Nga… thì họ cho rằng viết như vậy là sai bởi đây là tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (chứ không phải là tên thành phố Hồ Chí Minh).

Biển ghi tên phố Hồ Chí Minh được gắn trên một tòa nhà lớn trên phố
Biển ghi tên phố Hồ Chí Minh được gắn trên một tòa nhà lớn trên phố

Chúng tôi đã gặp ở đây những người dân như thế: Thấy chúng tôi đang quay hình, chụp ảnh và trò chuyện với ông Grigori cũng như một số người dân sống ở đây, họ đã nói với chúng tôi, hãy đề nghị viết lại cho đúng tên phố là mang tên Hồ Chí Minh.

Chúng tôi thực sự cảm động và thầm biết ơn những tấm lòng của người dân thành phố St. Peterburg với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và càng cảm động hơn nữa khi trò chuyện với ông Grigori, chúng tôi còn được nghe ông chia sẻ một ý tưởng rất hay: “Tôi sống gần phố Hồ Chí Minh nhất, vì vậy các cựu chiến binh từng gắn bó với Việt Nam đã giao cho tôi nhiệm vụ liên hệ với chính quyền địa phương để tạo nên sự gắn kết giữa con phố này với các cựu chiến binh Liên Xô cũng như hội người Việt ở St. Petersburg.

Tôi còn đang nghĩ rằng, nên chăng các bạn Việt Nam đang làm ăn ở đây hãy mở một quán cafe Việt ngay trên phố này và đó sẽ trở thành điểm hẹn của các cựu chiến binh chúng tôi cũng như những người Nga yêu Việt Nam. Đặc biệt việc này càng làm người dân Nga hiểu hơn về vị Chủ tịch đầu tiên của Việt Nam mà con phố này mang tên, đồng thời giúp họ hiểu thêm về văn hóa Việt Nam”.

Những cư dân tại một chung cư trên phố Hồ Chí Minh
Những cư dân tại một chung cư trên phố Hồ Chí Minh

Ý tưởng rất hay của ông Grigori đã nhận được sự ủng hộ của anh Phạm Mạnh Cường và điều này cũng rất khả thi khi bản thân anh Cường đã là “ông chủ” của một nhà hàng Việt mang tên “Đông Dương”, một địa chỉ vẫn thu hút các cựu chiến binh Liên Xô (trước đây) hiện sống ở St. Peterburg cũng như không ít người dân Nga.

Bà Galia Petrovna, một cư dân sống ở phố này thấy chúng tôi đang tìm hiểu về con phố mang tên Hồ Chí Minh thì vui vẻ trò chuyện với chúng tôi và kể rằng, con gái bà cũng vừa sang thăm Việt Nam và đến thành phố Hồ Chí Minh và cô ấy rất thích thú.

Bà cho biết: “Khi tôi về sống ở đây thì con phố này đã mang tên Hồ Chí Minh và quanh đây đã có những tòa nhà cao như thế này rồi. Mặc dù tôi chưa sang Việt Nam nhưng tôi cũng biết là nhân dân Việt Nam rất kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh và người Nga chúng tôi cũng vậy. Rất thú vị là tôi sống ở chính con phố mang tên Người”.

Những cư dân tại một chung cư trên phố Hồ Chí Minh
Ông Grigori chia sẻ với anh Phạm Mạnh Cường về ý tưởng chỉnh trang phố Hồ Chí Minh và mở một quán cafe Việt Nam tại đây

Chúng tôi cũng được biết thêm rằng, Chi hội Cựu chiến binh Nga của thành phố St. Peterburg đã gửi lên Chính quyền quận và thành phố đơn đề nghị chỉnh trang lại con phố này với việc làm mới lại hoặc thay các biển ghi tên phố đã cũ, hỏng... và việc quan trọng nữa là đề nghị được đặt một tấm bia đá lớn lưu niệm về Người trên chính con phố Hồ Chí Minh này, có thể là ngay đầu phố, nơi có quảng trường khá rộng rãi.

Đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 125 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng thầm mong, trong một thời gian không xa nữa, những dự định, những đề đạt của những người Nga yêu Việt Nam, trân trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ trở thành hiện thực./.
Theo Điệp Anh/VOV- Moscow