1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Philippines-Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng: Biển Đông có "chật chội" hơn?

Với thỏa thuận hợp tác quân sự mới, Philippines và Mỹ đang lựa chọn các biện pháp đối phó cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Philippines-Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng: Biển Đông có "chật chội" hơn? - 1

Một tàu ngầm đang neo tại cảng Subic, Philippines. (Nguồn: The Straitstimes)

Ông Richard Javad Heydarian, giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học De La Salle, Philippines, nhận định như vậy trong bài viết vừa đăng tải trên The Straitstimes. TG&VN xin giới thiệu bài viết này.

Mỹ và Philippines đã bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA). Thỏa thuận mới này nhằm mục đích tăng cường hợp tác an ninh song phương giữa hai đồng minh, trong bối cảnh sự quyết đoán của Trung Quốc về lãnh thổ đang ngày càng gia tăng ở Biển Đông.

Biện pháp răn đe ngầm

Về phía Philippines, nước này hy vọng có thể ngăn chặn được sự xâm nhập của Trung Quốc vào các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền, bằng việc tăng cường liên minh quân sự với Mỹ, nước đã bắt đầu được quyền tiếp cận mở rộng đối với các căn cứ của Philippines ở Biển Đông thông qua EDCA.

Rõ ràng, một sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ ở khu vực có nguy cơ tạo ra tác động ngược trở lại, khuyến khích Trung Quốc củng cố hơn nữa lập trường của nước này đối với các vùng biển có tranh chấp. Nhưng Philippines cho rằng họ không còn nhiều thời gian, và rằng sức mạnh quân sự của Mỹ là hy vọng tốt nhất để bảo vệ các lợi ích lãnh thổ của nước này.

Không lâu sau khi Trung Quốc tiến hành một loạt chuyến bay thử nghiệm trên sân bay mới xây của nước này ở Đá Chữ Thập trên Biển Đông, các thành viên của Tòa án tối cao Philippines đã bỏ phiếu áp đảo, ủng hộ thực hiện EDCA. Tòa án này đã bác bỏ các đơn kiến nghị cho rằng EDCA trái với Hiến pháp và vi phạm chủ quyền quốc gia của Philippines.

Đồng ý với quan điểm của Chính quyền Tổng thống Benigno Aquino, Tòa án tối cao Philippines đã coi EDCA là một thỏa thuận hành pháp (Executive Agreement), một hình thức thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ với Chính phủ một nước khác mà không đòi hỏi phải có sự thông qua của thượng viện. Trước đó, Thượng viện Philippines yêu cầu được quyền thông qua thỏa thuận này.

Như vậy, bất chấp cuộc tranh cãi về pháp lý, cả bộ máy an ninh Philippines, lẫn đa số người dân nước này đều coi EDCA là một biện pháp cấp bách và cần thiết để củng cố vị thế của Philippines ở Biển Đông. Tòa án tối cao đã đưa ra phán quyết không lâu trước cuộc Đối thoại Bộ trưởng 2+2 diễn ra đầu tháng 1/2016, giữa các Bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của Philippines và Mỹ.

Trái ngược với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, EDCA sẽ không thiết lập lại các căn cứ thường trực của Mỹ ở Philippines. Các lực lượng của Mỹ sẽ được quyền tiếp cận luân phiên, có điều kiện đối với các căn cứ được thỏa thuận chung ở Philippines trong thập kỷ tới. Hiệp ước này bao gồm cả các địa điểm tác chiến tiền tuyến lẫn các địa điểm hợp tác an ninh, với 8 căn cứ quân sự được đánh giá là trong tư thế sẵn sàng của Philippines, trong đó có Vịnh Subic, Clark và Vịnh Oyster - đều là các căn cứ ở gần các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Theo EDCA, Philippines sẽ phải chịu các chi phí vận tải liên quan đến các hoạt động của các lực lượng quân đội Mỹ và cũng không có bất cứ khoản tiền thuê nào mà Mỹ phải trả cho việc tiếp cận các căn cứ. Đặc biệt, trong EDCA không có điều khoản buộc Washington phải can thiệp vào các tranh chấp Biển Đông theo hướng có lợi cho Manila.

Nói tóm lại, thông qua EDCA, Mỹ sẽ có một sự hiện diện quân sự với chi phí thấp, linh hoạt và mở rộng ở Philippines – một thành phần quan trọng trong chính sách “Xoay trục” về châu Á của mình. Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Aquino sắp mãn nhiệm hy vọng rằng, sự hiện diện của Mỹ sẽ đóng vai trò là một sự răn đe ngầm, chống lại các tham vọng biển của Trung Quốc.

EDCA sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô các cuộc tập trận quân sự chung cũng như việc chuyển giao các thiết bị quân sự ngày càng tiên tiến cho lực lượng vũ trang Philippines và tăng cường khả năng tương tác giữa hai quân đội hai nước.

Hai đồng minh này cũng đang xem xét những cách thức để phối hợp các chính sách an ninh biển, kể cả việc tiến hành cuộc tuần tra chung của Hải quân Mỹ và Philippines ở Biển Đông, gần với các cấu trúc địa hình mà Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền.

Biển Đông sẽ “chật chội” hơn

Có thể thấy, Philippines và Mỹ đang lựa chọn các biện pháp đối phó cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Mặc dù vậy, EDCA cũng có nguy cơ biến các tranh chấp Biển Đông trở thành một cuộc ganh đua các nước lớn toàn diện, làm phức tạp thêm các tranh chấp và làm xói mòn các nỗ lực của các bên trong khu vực tham gia vào việc tìm ra một giải pháp hòa bình, thông qua con đường ngoại giao.

Trung Quốc có thể đối phó lại hành động của Philippines và Mỹ bằng cách đẩy nhanh và mở rộng các hoạt động cải tạo đảo của nước này và triển khai các phương tiện quân sự đến các cấu trúc địa hình có tranh chấp bên cạnh việc thúc đẩy lập trường ngoại giao cứng rắn hơn cũng như tìm cách phá hủy các nỗ lực thương lượng về một lập trường chung của ASEAN đối với các tranh chấp Biển Đông.

Có lẽ, các nước láng giềng nhỏ hơn của Bắc Kinh đang liều lĩnh áp dụng bất kỳ biện pháp nào để chống lại cái mà họ coi là hành động trả đũa của Trung Quốc, ngay cả khi điều này đồng nghĩa với việc họ chào đón quân đội nước ngoài trở lại đất nước họ theo kiểu thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Về phần mình, Bắc Kinh đã cảnh báo rằng Manila “sẽ phải hứng chịu những hậu quả tiêu cực trước những hành động của mình trong tương lai”, và kêu gọi Philippines “giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc thông qua đàm phán mà không tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên thứ ba”.

Học giả Trung Quốc Chu Phong, thuộc Đại học Nam Kinh, cảnh báo: “Biển Đông sẽ trở nên chật chội hơn, và nguy cơ xảy ra xung đột quân sự sẽ tiếp tục gia tăng”.

Theo Hằng Phạm