1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Philippines-Mỹ: Ký hợp tác quốc phòng không phải dễ!

Các ý kiến phản đối đề nghị đưa Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao Philippines-Mỹ ra Thượng viện phê chuẩn.

Ngày 25-11 tới, trong phiên xử của Tòa án tối cao Philippines, Văn phòng Tổng biện lý sự vụ sẽ đại diện cho chính phủ đưa ra các lập luận chứng minh Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao đã được Philippines và Mỹ ký kết hồi cuối tháng 4 (có hiệu lực trong 10 năm) là phù hợp hiến pháp.

Hôm 18-11, Tổng thống Benigno Aquino III đã tuyên bố Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao rất cần thiết đối với Philippines và thỏa thuận này chắc chắn phù hợp hiến pháp.

Trong khi đó, trang tin Rappler (Philippines) đưa tin đã có hai đơn kiện ra Tòa án tối cao đề nghị tòa phán quyết hủy bỏ Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao Mỹ-Philippines vì thỏa thuận này vi phạm hiến pháp nghiêm trọng.

Đơn kiện đầu tiên do hai cựu nghị sĩ Thượng viện Rene Saguisag và Wigberto Tañada đứng tên. Hai người này thuộc nhóm 12 nghị sĩ Thượng viện đã từng bỏ phiếu yêu cầu dỡ bỏ các căn cứ quân sự Mỹ tại Philippines năm 1991.

Đơn kiện cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin đã lạm dụng quyền hạn khi ký Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao với Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg.
 
Philippines-Mỹ: Ký hợp tác quốc phòng không phải dễ!
Biểu tình phản đối Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao bên ngoài Tòa án tối cao ở Manila ngày 18-11 (ảnh: BULATLAT.COM)

Đơn kiện đưa ra các lập luận như sau:

- Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao là một hiệp định chứ không phải là một thỏa thuận hành pháp như chính phủ tuyên bố. Và vì đó là một hiệp định nên thỏa thuận cần phải được Thượng viện thông qua.

- Mục XVIII khoản 25 của hiến pháp yêu cầu các căn cứ quân sự, binh sĩ và các phương tiện quân sự nước ngoài không được phép hiện diện ở Philippines, trừ trường hợp thông qua một hiệp định được Thượng viện phê chuẩn. Quy định này không phân biệt căn cứ quân sự, binh sĩ và phương tiện quân sự nước ngoài trú đóng tại Philippines tạm thời hay thường trú.

- Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao còn vi phạm mục II khoản 8 hiến pháp về cấm nước ngoài triển khai vũ khí hạt nhân ở Philippines. Trong khi đó, thỏa thuận trên chỉ cấm Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân sẵn trước ở Philippines chứ không cấm Mỹ đưa vũ khí hạt nhân vào Philippines.

Đơn kiện thứ hai do Tổng Thư ký Liên minh Yêu nước mới Renato Reyes Jr. và các nghĩ sĩ đảng Bayan Muna (Quốc gia trước tiên) đứng tên.

Đơn kiện đưa ra các lập luận:

- Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao là thỏa thuận cho phép quân đội nước ngoài đồn trú ở Philippines. Đây là điều hiến pháp ngăn cấm.

- Thỏa thuận vi phạm các điều khoản hiến pháp về thuế và Bộ luật Thuế nội địa vì cho phép quân đội Mỹ sử dụng miễn phí một số khu vực ở Philippines.

- Thỏa thuận gây nguy hại đến chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ vì cho phép quân đội Mỹ tiếp cận, toàn quyền sử dụng và kiểm soát một số khu vực ở Philippines.

Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao được ký kết tại Philippines ngày 28-4 vài giờ trước khi Tổng thống Obama công du đến Philippines. Thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ luân phiên hiện diện ở Philippines, có quyền sử dụng các khu vực được Philippines đồng ý, xây dựng mới hoặc nâng cấp công trình trong các căn cứ ở Philippines, bố trí sẵn trước tàu hải quân, máy bay, thiết bị quốc phòng và phản ứng thảm họa tại Philippines.
____________________________________
 
Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao không thể giúp Philippines cải thiện năng lực quốc phòng để ngăn chặn Trung Quốc xâm lược vì không có gì bảo đảm Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu tranh chấp biển Đông biến thành xung đột vũ trang.
 

(Đơn kiện của hai cựu nghị sĩ Rene Saguisag
và Wigberto Tañada)

 
Theo Lê Linh
Pháp luật TPHCM