1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Philippines muốn "mời" thêm quân Mỹ

(Dân trí) - Philippines sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán về việc mở rộng sự tiếp cận của Mỹ đối với các căn cứ quân sự nước này, một động thái có thể mở đường cho sự hiện diện lớn hơn của các binh sĩ Mỹ trên đất Philippines trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.

Các tàu chiến và trực thăng Mỹ. (Ảnh minh họa)

Các tàu chiến và trực thăng Mỹ. (Ảnh minh họa)

Phát biểu trước báo giới ngày 8/8, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói: "Chúng tôi sẽ cố gắng bắt đầu các cuộc đàm phán sớm nhất có thể".

"Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đàm phán về việc tiếp cận, chúng ta cần thảo luận về các phương thức và giới hạn", ông Rosario nói thêm.

Kể từ năm 2002, vài trăm binh sĩ đặc nhiệm Mỹ được triển khai luân phiên ở miền nam Philippines đã trợ giúp các binh sĩ địa phương chiến đấu với các phiến quân Hồi giáo.

Kế hoạch trên, được Bộ quốc phòng Philippines lần đầu công bố hồi tháng 6, sẽ cho phép các binh sĩ hiện diện luân phiên nhiều hơn tại quốc gia Đông Nam Á và diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

"Nếu và khi có sự nhất trí về việc tiếp cận, lúc đó sẽ có các trang thiết bị từ Mỹ tới Philippines", Bộ trưởng quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết hôm 27/6.

"Các phương thức cho sự hiện diện luân phiên tăng cường hiện đang được nghiên cứu. Một phương thức là tiệc tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn", ông Gazmin cho biết, nhưng không tiết lộ chi tiết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Gazmin cũng nhấn mạnh rằng kế hoạch sẽ không bao gồm các căn cứ quân sự mới hoặc sự hiện diện lâu dài của Mỹ tại Philippines.

Mỹ từng có hàng chục nghìn binh sĩ đồn trú tại Philippines, tại căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic ở phía bắc Manila, cho tới tận những năm đầu 1990.

Tuy nhiên, Mỹ đã buộc phải rời khỏi các căn cứ tại Philippines do tâm lý chống Mỹ và một cuộc tranh cãi về giá thuê mặt bằng. Hiến pháp Philippines hiện tại cấm các căn cứ quân sự nước ngoài lâu dài tại nước này.

Tuy nhiên, Clark và Subic, giờ đây được chuyển đổi một phần cho mục đích kinh doanh, vẫn đón tiếp các tàu chiến và máy bay Mỹ trong các cuộc tập trận ngắn.

An Bình
Theo AFP