1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Philippines muốn để Mỹ, Nhật tiếp cận các căn cứ quân sự

(Dân trí) - Philippines hôm qua cho biết đang xem xét để Mỹ và Nhật Bản tiếp cận nhiều hơn với các căn cứ quân sự nước này, trong bối cảnh Manila tìm cách đối phó với mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.

Tàu chiến Mỹ USS Fitzgerald thả neo trên vịnh Subic, phía bắc Manila ngày 27/6.

Tàu chiến Mỹ USS Fitzgerald thả neo trên vịnh Subic, phía bắc Manila ngày 27/6.
 
Chính phủ Philippines đang thảo một kế hoạch nhằm cho phép các lực lượng Mỹ ở lại các căn cứ của quốc gia Đông Nam Á lâu hơn, điều cũng có thể được áp dụng với quân đội Nhật sau này, Bộ trưởng quốc phòng Voltaire Gazmin cho hay.

"Nếu và khi có một thỏa thuận về việc tiếp cận, sẽ có các trang thiết bị đưa tới từ Mỹ", ông Gazmin nói trong cuộc họp báo chung tại Manila sau hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera.

"Giờ đây, chúng tôi hoan nghênh các quốc gia khác, đặc biệt là Nhật Bản, vì Nhật Bản là một đối tác chiến lược của Philippines - phù hợp với các hiệp định hiện thời của chúng tôi", Bộ trưởng Gazmin nói.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino trước đó đã khẳng định rằng Philippines sẽ chào đón sự hiện diện nhiều hơn của quân đội Mỹ, trong bối cảnh các tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng căng thẳng.

Các bình luận của Bộ trưởng Gazmin cho thấy Philippines mong muốn mở rộng các cuộc tập trận quân sự mà lực lượng vũ trang của cả hai nước có thể thường xuyên tham gia.

"Các phương thức cho sự hiện diện quân sự luân phiên tăng cường hiện đang được xem xét. Một phương thức là việc tiến hành các cuộc tập trận", ông Gazmin nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Gazmin cũng nhấn mạnh rằng kế hoạch trên không cho phép lập bất kỳ căn cứ quân sự mới nào hoặc sự hiện diện thường trực của quân đội Mỹ tại Philippines.

Mỹ từng có hàng chục nghìn binh sĩ đồn trú tại Philippines, tại căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic ở phía bắc Manila, cho tới tận những năm đầu 1990.

Nhưng Mỹ đã buộc phải rút khỏi các căn cứ do tâm lý chống Mỹ tại Philippines và một cuộc tranh cãi vì giá thuê mặt bằng. Giờ đây hiến pháp cấm sự hiện diện thường trực của bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào tại Philippines.

Tuy nhiên, các căn cứ Clark và Subic, hiện đã được chuyển đổi một phần cho mục đích kinh doanh, vẫn đón các tàu chiến và máy bay Mỹ trong các cuộc tập trận với thời gian ngắn.

Một trong số các cuộc tập trận đó đã bắt đầu hôm qua tại vùng biển nằm giữa đảo Luzon của Philippines và một bãi cạn tranh chấp hiện bị Trung Quốc chiếm đóng.

Vài trăm binh sĩ đặc nhiệm Mỹ đã hoạt động luân chuyển ở phía nam Philippines kể từ năm 2002 nhằm huấn luyện cho các binh sĩ địa phương vốn đang chiến đấu với các phần tử Hồi giáo cực đoan.

An Bình
Theo AFP