1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Philippines cáo buộc Trung Quốc phá san hô, đánh bắt ngao nguy cơ tuyệt chủng

(Dân trí) - Một nhóm ngư dân Philippines hôm nay đã cáo buộc Bắc Kinh phớt lờ yêu cầu của Manila nhằm ngừng đánh bắt loài ngao lớn tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang sau vụ một tàu cá của Philippines bị một tàu nghi của Trung Quốc đâm chìm.

Philippines cáo buộc Trung Quốc phá san hô, đánh bắt ngao nguy cơ tuyệt chủng - 1

Ngư dân Trung Quốc ngày càng đánh bắt xa bờ, ảnh hưởng tới sản lượng đánh bắt của nhiều nước khác (Ảnh: Getty)

Ông Nards Cuaresman, Chủ tịch hội các ngư dân địa phương tại thị trấn Masinloc ở Zambales, một tỉnh giáp Biển Đông, cho biết một nhóm được gọi là dân quân biển của Trung Quốc đang sử dụng cánh quạt gắn trên các thuyền nhỏ để phá vỡ san hô và đào vào vùng đầm rộng 150km2 tại bãi cạn Scarborough. Những con ngao lớn sau đó được đưa lên một chiếc thuyền lớn.

“Họ cũng đã và đang sử dụng một loại búa dưới biển. Họ đập các rạn san hô chỉ để bắt những con ngao lớn. Nếu chính phủ không hành động gì cả, thì chỉ trong 2 năm giữa, tất cả các rạn san hô và số lượng ngao lớn sẽ biến mất”, ông nói.

Bất chấp việc Philippines đã có công hàm ngoại giao gửi Trung Quốc hồi đầu năm nay, ông Cuaresman cho biết lực lượng dân quân biển Trung Quốc tiếp tục khai thác ngao ở Scarborough, bãi cạn tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông và bị Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát từ tay Philippines vào năm 2012.

Ngoài ra, trái ngược với những gì chính phủ Trung Quốc phát biểu, ông Cuaresma cho hay các ngư dân địa phương của Philippines không thể đánh bắt tự do tại bãi cạn Scarborough khi các tàu cảnh sát biển Trung Quốc “luôn chặn và quấy rối họ”.

“Các thuyền đánh bắt nhỏ của chúng tôi không thể vào đó nếu thời tiết xấu”, ông nói.

Manila trước đó đã phản đối sự hiện diện của hơn 200 tàu Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay gần đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa.

Ngao lớn có nguy cơ bị tuyệt chủng

Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vấn đề biển và luật biển thuộc Đại học Philippines, cho biết loài ngao lớn đã được Philippines nuôi trồng vào cuối những năm 1980 và Trung Quốc bắt đầu khai thác chúng vào năm 2003.

“Chúng tôi nuôi trồng loài ngao lớn trong khu vực vì đây là một loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Nếu loại ngao này biến mất, các rạn san hô của chúng ta sẽ không tồn tại lâu”, ông Batongbacal nói, cho biết thêm rằng các ngư dân Trung Quốc vứt bỏ thịt ngao và chỉ giữ vỏ.

Từ bãi cạn Scarborough, người Trung Quốc đưa các vỏ ngao về tỉnh Hải Nam, nơi người mua dùng chúng để chạm khắc.

“Nó được dùng thay cho ngà voi. Họ cũng sử dụng chúng để làm đồ trang sức”, quan chức trên nói.

Yolanda Esguerra, Giám đốc quốc gia của một nhóm bảo vệ môi trường tại Philippines, cho biết nhóm của bà đang phối hợp với một số nghị sĩ để đưa ra luật Quyền tự nhiên nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học trong vùng biển tranh chấp.

“Chúng phủ nên hành động về vấn đề này. Sự phản đối về mặt ngoại giao với Trung Quốc là không đủ. Điều này bao trùm cả luật pháp quốc tế, vì vậy quá trình đàm phán ở đây nên có sự tham gia của các bên khác cũng có tuyên bố chủ quyền”, bà Esguerra nói.

Các cáo buộc từ ngư dân diễn ra sau khi Manila hôm 13/6 đã gửi công hàm ngoại giao tới Bắc Kinh sau khi một tàu cá của nước này bị một tàu nghi của Trung Quốc đâm chìm tại bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa. Bãi Cỏ Rong nằm cách rất xa đất liền Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 13/6 đã gọi vụ việc là một “tai nạn giao thông đường biển thông thường” và nói Trung Quốc vẫn đang điều tra. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Nếu các thông tin liên quan là đúng sự thật, không cần biết là bên vi phạm đến từ nước nào, hành động của họ cũng phải bị lên án”.

Ông Cảnh còn cáo buộc phía Philippines “chính trị hóa vụ việc mà không có xác minh”.

Mặc dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phần lớn đã đặt qua một bên cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc vì các tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông, Manila thỉnh thoảng vẫn phản đối các hành động của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.

Trong một tuyên bố giận dữ được đưa ra hôm 13/6, phát ngôn viên của Tổng thống Duterte, ông Salvador Panelo, đã mạnh mẽ chỉ trích các thủy thủ trên tàu đánh bắt nghi của Trung Quốc, nói rằng “một hành động như vậy là vô nhân đạo và quá đáng”.

“Không cần biết vụ va chạm là tai nạn hay cố ý nhưng theo lẽ thường và tinh thần nhân đạo của loài người thì cần phải cứu ngay tức thì các thủy thủ của tàu Philippines bị chìm”, ông Panelo nói. Ông cũng cảm ơn các thủy thủ của một tàu cá Việt Nam di chuyển gần đó và cho biết họ đã cứu sống các thủy thủ Philippines.

An Bình

Theo SCMP