1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phía sau việc Malaysia hủy các dự án “khủng” với Trung Quốc

(Dân trí) - Trên cương vị nhà lãnh đạo của Malaysia, Thủ tướng Mahathir Mohamad là người có thể định đoạt “số phận” của các dự án gây tranh cãi với trị giá hàng tỷ USD do Trung Quốc hỗ trợ tại Malaysia, song ông vẫn cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tại Bắc Kinh ngày 20/8 (Ảnh: China Daily)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tại Bắc Kinh ngày 20/8 (Ảnh: China Daily)

Theo các nguồn tin thân cận với thủ tướng Malaysia, mặc dù ông Mahathir dường như mập mờ trong các tuyên bố chính thức liên quan tới các dự án của Trung Quốc tại Malaysia, song bản thân ông hiểu rõ nhất “số phận” của các dự án này sẽ như thế nào. Các nguồn tin này là những người từng tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán về tương lai của các dự án do Trung Quốc bảo trợ tại Malaysia.

Các nguồn tin cho biết Thủ tướng Mahathir đã quyết định chắc chắn rằng ông sẽ hủy bỏ vĩnh viễn dự án đường sắt ven biển phía đông trị giá 20 tỷ USD và dự án đường dẫn khí đốt trị giá 2,3 tỷ USD mà Malaysia dự kiến hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, khi phát biểu công khai trước công chúng, ông Mahathir vẫn nói “lấp lửng” rằng Malaysia chỉ đang tạm hoãn các dự án này.

Trong khi đó, theo các nguồn tin trên, dự án đường sắt cao tốc trị giá hàng tỷ USD nối Malaysia với Singapore do chính phủ hai nước ký kết sẽ chỉ bị tạm hoãn hai năm, chứ không bị hủy bỏ hoàn toàn như Thủ tướng Mahathir tuyên bố. Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Azmin Ali sẽ tới Singapore trong hai ngày 29-30/8 để tiến hành các cuộc đàm phán cuối cùng trước khi hai nước ký thỏa thuận tạm hoãn dự án. Chính phủ Malaysia có thể sẽ phải chịu phí bồi thường lớn nếu nước này chấm dứt hợp đồng với quốc gia láng giềng.

Ngoài các dự án trên, Thủ tướng Mahathir cũng đặt hai dự án khác liên quan tới Trung Quốc là dự án khu đô thị Forest City, trị giá 100 tỷ USD, và dự án cảng biển Melaka, trị giá 10,5 tỷ USD, vào “tầm ngắm”. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, các dự án này vẫn được ông Mahathir cho phép tiếp tục thực hiện vì chúng liên quan tới các quỹ tư nhân, chứ không phải là các dự án liên chính phủ như dự án đường sắt và dự án đường dẫn khí đốt.

Vậy lý do nào khiến thủ tướng Mahathir “ngoài mặt” vẫn không công khai tuyên bố hủy vĩnh viễn các dự án hợp tác với chính phủ Trung Quốc, mặc dù ông đã quyết định như vậy trong suy nghĩ của mình.

Giữ thể diện cho Trung Quốc

Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Dũng khởi công dự án đường sắt ở Malaysia năm 2017 (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Vương Dũng khởi công dự án đường sắt ở Malaysia năm 2017 (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Theo các nguồn tin thân cận với ông Mahathir, nhà lãnh đạo Malaysia cố tình tỏ ra “mập mờ” về số phận của các dự án để tránh cho phía Trung Quốc không bị “mất mặt” khi hàng loạt dự án lớn của Bắc Kinh ở nước ngoài bị hủy bỏ đồng loạt. Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích liên quan tới các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường trên khắp thế giới. Ngày càng nhiều quốc gia lo ngại về chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc khi viện trợ hoặc cho vay ưu đãi hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.

Ngoài việc không công khai tuyên bố hủy các dự án của Trung Quốc, chính quyền Thủ tướng Mahathir cũng tìm cách đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm với nhiều bê bối rúng động của cựu Thủ tướng Najib Razak. Thủ tướng Mahathir cho rằng, chính quyền tiền nhiệm, chứ không phải Trung Quốc, mới là bên đồng ý với những điều khoản hợp đồng được cho là đi ngược lại với lợi ích của Malaysia. Các nguồn tin nhận định đây cũng là chiến lược “giữ thể diện” cho Trung Quốc của Thủ tướng Mahathir.

“Đối với Trung Quốc, nếu các dự án của họ bị hủy bỏ thẳng thừng, thì cả thế giới sẽ biết chuyện đó. Khi đó không ai muốn làm ăn với họ nữa. Các vấn đề tương tự cũng từng xảy ra ở Sri Lanka, Pakistan, châu Phi rồi”, một nguồn tin chính phủ Malaysia cho biết.

“Đó là lý do khiến chúng tôi phải liên tục nói rằng lỗi là của (cựu Thủ tướng) Najib, là do ông Najib, chứ không phải Trung Quốc”, nguồn tin cho biết thêm.

Giới quan sát vẫn đang chờ đợi những thông tin rõ ràng về tương lai của các dự án tỷ USD sau khi Thủ tướng Mahathir từ Trung Quốc trở về Malaysia. Ông Mahathir được cho là đã thảo luận về các dự án này trong các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Trở về sau chuyến đi tới Bắc Kinh, Thủ tướng Mahathir chỉ tiết lộ rằng ông đã nhận được sự chấp thuận từ phía các nhà lãnh đạo Trung Quốc về việc đàm phán các điều khoản khi hủy bỏ các dự án đường sắt và ống dẫn khí đốt. Ông Mahathir vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục thực hiện các dự án này.

Thủ tướng Mahathir gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh (Ảnh: SCMP)
Thủ tướng Mahathir gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh (Ảnh: SCMP)

Theo các nguồn tin từ chính phủ Malaysia, Thủ tướng Mahathir khó có thể hủy bỏ thẳng thừng hai dự án lớn nói trên vì muốn đảm bảo rằng “Trung Quốc sẽ không bị mất thể diện”.

“Thể diện là điều rất quan trọng đối với Trung Quốc. Tuy nhiên cả hai bên đều nhất trí sẽ hủy các dự án này vì lập trường trong vấn đề tài chính của Malaysia”, một nguồn tin tham gia hội đàm trực tiếp với các nhà đàm phán Trung Quốc, cho biết.

Liên quan tới vấn đề tài chính, các quan chức trong chính quyền Thủ tướng Mahathir cho biết phần lớn các khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc để thực hiện hai dự án đường sắt và đường ống dẫn khí đốt đều đã được rút ra, trong khi mới chỉ có một phần nhỏ của các dự án được hoàn thiện.

Tuy vậy, cả 3 nguồn tin từng tham gia vào các cuộc đàm phán về các dự án bị hủy bỏ cho biết họ hài lòng với những gì mà chính quyền Mahathir làm được từ sau cuộc bầu cử hồi tháng 5. Các nguồn tin cho rằng cựu Thủ tướng Najib đã quá lỏng lẻo trong việc phê chuẩn các hợp đồng triển khai dự án với Trung Quốc nhằm đưa Malaysia xích lại gần tầm ảnh hưởng ngoại giao của Bắc Kinh.

Thủ tướng Mahathir đã nhận được sự tín nhiệm từ cử tri và đắc cử dựa trên cam kết rằng sẽ xem xét lại các dự án hợp tác với Trung Quốc. Ông Mahathir và các đồng minh của mình trong liên minh cầm quyền Pakatan Harapan tin rằng các dự án này cần được hủy bỏ hoặc rà soát lại. Xem xét lại các dự án là một trong 10 cam kết do chính quyền Mahathir đưa ra trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên tại Malaysia.

Thành Đạt

Theo SCMP