1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phía sau quyết định phá dỡ khu thử hạt nhân “sống còn” của Triều Tiên

(Dân trí) - Triều Tiên được cho là có nhiều lý do khi quyết định phá dỡ khu thử hạt nhân Punggye-ri, nơi diễn ra toàn bộ 6 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên trong 12 năm qua, trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên quốc tế.

Vụ nổ khu thử hạt nhân Triều Tiên dưới góc máy phóng viên Nga

Trạm chỉ huy và trại lính tại khu thử hạt nhân Punggye-ri trước và sau khi bị đánh sập. (Ảnh: Reuters)
Trạm chỉ huy và trại lính tại khu thử hạt nhân Punggye-ri trước và sau khi bị đánh sập. (Ảnh: Reuters)

Triều Tiên ngày 20/4 thông báo nước này đã hoàn tất chương trình vũ khí hạt nhân và không cần tiến hành thêm bất kỳ vụ thử vũ khí nào nữa. Để chứng minh cho cam kết của mình, Bình Nhưỡng tuyên bố phá hủy khu thử hạt nhân Punggye-ri, nơi diễn ra toàn bộ 6 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên từ năm 2006 đến nay, ở phía bắc nước này. Triều Tiên cũng mời các phóng viên nước ngoài tới chứng kiến và đưa tin về sự kiện “để đảm bảo tính minh bạch của cam kết dừng các vụ thử hạt nhân”.

Có nhiều lý do để giải thích cho quyết định phá dỡ khu thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Giới phân phân tích cho rằng Bình Nhưỡng có thể đã chịu sức ép từ những tuyên bố cứng rắn của chính quyền Mỹ, trong đó Tổng thống Donald Trump yêu cầu chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải có những bước đi cụ thể đối với cam kết phi hạt nhân hóa. Theo đó, ông Kim Jong-un đã ra lệnh phá bỏ khu thử hạt nhân trước khi bước vào bàn đàm phán với Tổng thống Trump vào ngày 12/6 tới tại Singapore.

Theo nhà khoa học hạt nhân Siegfried Hecker, giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos từ năm 1986-1997, sở dĩ chính quyền Kim Jong-un quyết định phá bỏ khu thử hạt nhân vì hy vọng động thái này sẽ mang lại lợi ích lớn cho mối quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ này đang bị xấu đi trong những năm gần đây. Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên được cho là đã gây ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng đối với Trung Quốc.

Điều khiến Trung Quốc lo ngại nhất là sự mở rộng của chương trình hạt nhân Triều Tiên sẽ kéo theo sự can thiệp quân sự của Mỹ, từ đó đẩy lùi mọi nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Khi Bình Nhưỡng tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân, Mỹ cũng sẽ đẩy mạnh triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tại Hàn Quốc để đối phó với tên lửa Triều Tiên. Trung Quốc từng chỉ trích việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở sát biên giới Trung Quốc đã đe dọa tới an ninh của Bắc Kinh.

Quan chức Triều Tiên giải thích cho các phóng viên quy trình phá dỡ khu thử hạt nhân Punggye-ri. (Ảnh: Reuters)
Quan chức Triều Tiên giải thích cho các phóng viên quy trình phá dỡ khu thử hạt nhân Punggye-ri. (Ảnh: Reuters)

Ngoài ra, Trung Quốc cũng không muốn khu thử hạt nhân Punggye-ri duy trì hoạt động vì lo ngại các nguy cơ nhiễm độc phóng xạ, đặc biệt tại tỉnh Cát Lâm giáp biên giới với Triều Tiên - nơi cách khu thử hạt nhân Punggye-ri chưa đầy 100 km. Người dân sống tại khu vực này sợ rằng phóng xạ sẽ rò rỉ qua biên giới và ảnh hưởng tới cuộc sống của họ.

Tất cả những lo ngại này có thể đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuyển lời tới nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong hai chuyến đi của ông Kim tới thủ đô Bắc Kinh và thành phố Đại Liên hồi tháng 3 và tháng 5. Một điều dễ hiểu là ông Tập có thể thuyết phục ông Kim đóng cửa vĩnh viễn khu thử hạt nhân Punggye-ri để ngăn chặn mọi mối nguy hại có thể xảy ra.

Bình Nhưỡng từng nhiều lần tuyên bố rằng các vụ thử hạt nhân của nước này diễn ra theo cách thức an toàn và không gây nguy hiểm sang khu vực xung quanh. Trong thông báo phát đi sau sự kiện phá bỏ khu thử hạt nhân, Triều Tiên cũng khẳng định “không có bất kỳ hiện tượng rò rỉ vật liệu phóng xạ nào cũng như không có bất kỳ tác động xấu nào tới môi trường sinh thái” xung quanh Punggye-ri.

Một số nhà phân tích đã chỉ trích quyết định của Triều Tiên khi chỉ mời các phóng viên mà không mời các chuyên gia kỹ thuật và các thanh sát viên tới chứng kiến sự kiện phá dỡ khu thử hạt nhân Punggye-ri. Giới phân tích cho rằng nếu Triều Tiên cho phép các chuyên gia tới dự sự kiện này, họ có thể sẽ tiếp cận gần hơn với các đường hầm bên trong khu thử trước khi chúng bị đánh sập, từ đó có thể thu thập thêm nhiều thông tin quan trọng về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Chuyên gia hoài nghi

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát tên lửa Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát tên lửa Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Một số chuyên gia cho rằng động thái phá dỡ khu thử hạt nhân của Triều Tiên thực chất chỉ là “chiêu trò” để thu hút sự chú ý của dư luận, chứ không mang nhiều ý nghĩa thực sự trong chương trình hạt nhân của nước này. Các chuyên gia lấy dẫn chứng thời điểm năm 2008 khi Triều Tiên phá hủy tháp làm mát tại lò phản ứng Yongbyon nhưng sau đó vẫn xây dựng một cơ sở khác để tiếp tục sản xuất vật liệu chế tạo bom hạt nhân. Theo chuyên gia Siegfried Hecker, so sánh như vậy là khập khiễng vì việc đánh sập một khu thử hạt nhân quan trọng hơn nhiều so với việc phá hủy một tháp làm mát, hơn nữa sẽ tiêu tốn thời gian và chi phí hơn nếu muốn xây dựng lại.

Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục đào và xây dựng các đường hầm mới sau khi phá hủy các đường hầm cũ ở Punggye-ri, tuy nhiên để hoàn thiện một khu thử hạt nhân mới, Bình Nhưỡng sẽ phải chi một khoản tiền không nhỏ trong một khoảng thời gian dài. Khi Triều Tiên xây dựng khu thử hạt nhân Punggye-ri nằm sâu trong núi, nước này chắc chắn đã chọn một địa điểm đảm bảo đầy đủ các yếu tố thuận lợi về địa chất, thiết kế đường hầm cũng như an ninh. Theo đó, việc xây dựng một khu thử mới đòi hỏi Triều Tiên phải tìm được một nơi hội tụ những điều kiện thuận lợi tương tự và điều này được cho là không hề đơn giản.

Mặc dù nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố năng lực hạt nhân của Triều Tiên đã hoàn thiện nhưng chuyên gia Hecker tin rằng Bình Nhưỡng vẫn chưa sở hữu tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân đủ mạnh để bắn tới lục địa Mỹ. Triều Tiên được cho là vẫn phải tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo liên lục địa trước khi thực sự sở hữu vũ khí uy lực để đe dọa Mỹ. Hơn nữa, nếu Triều Tiên muốn tăng cường tính phức tạp, độ an toàn cũng như sự đa dạng của kho vũ khí hạt nhân, các vụ thử hạt nhân là yêu cầu bắt buộc.

Bình Nhưỡng từng tuyên bố đang phát triển đầu đạn hạt nhân để gắn lên tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, đồng thời quan tâm tới việc phát triển các vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng như các vũ khí xung điện từ. Để có thể đưa những vũ khí này vào kho vũ khí hạt nhân của mình, Triều Tiên chắc chắn phải cần thêm các vụ thử nghiệm nữa. Tuy vậy các vụ thử nghiệm này sẽ không thể diễn ra sau khi khu thử Punggye-ri bị phá hủy, ít nhất trong tương lai gần.

Thành Đạt

Theo Washington Post