1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Phi công Ukraine lý giải nguyên nhân khó đánh chặn UAV tự sát của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một phi công điều khiển tiêm kích MiG-29 của Ukraine đã tiết lộ về cuộc không chiến giữa nước này với Nga, trong đó giải thích nguyên nhân vì sao UAV tự sát Moscow khó đánh chặn.

Phi công Ukraine lý giải nguyên nhân khó đánh chặn UAV tự sát của Nga - 1

Một tiêm kích MiG-29 của Ukraine (Ảnh: Quân đội Ukraine).

Trả lời phỏng vấn trang tin The Drive, phi công điều khiển MiG-29 của Ukraine với biệt danh "Juice" thừa nhận việc đối phó với các máy bay không người lái (UAV) tự sát Geran-2 của Nga là một thách thức của Không quân Ukraine. Ukraine và phương Tây nghi Geran-2 là UAV Shahed do Iran sản xuất nhưng Nga đã nhiều lần bác bỏ thông tin này.

Kể từ tháng 10, các tiêm kích Ukraine đã bắt đầu nỗ lực ngăn chặn UAV tự sát của Nga tập kích các mục tiêu chủ chốt của phía Kiev như nhà máy sản xuất và truyền tải điện, cũng như cơ sở quân sự.

Vào ngày 5/10, các máy bay MiG-29 của Lữ đoàn Hàng không Chiến thuật 204 của Lực lượng Không quân Ukraine đã bắn hạ 3 UAV tự sát Nga, đánh dấu lần đầu tiên máy bay chiến đấu được sử dụng để chống lại UAV kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.

Tuy nhiên, Juice thừa nhận việc tìm kiếm và truy vết UAV tự sát của Nga để đánh chặn là rất khó khăn, đặc biệt là khi Ukraine đang sử dụng tiêm kích từ thời Chiến tranh Lạnh như MiG-29.

Juice giải thích rằng rất khó để có thể tìm ra biện pháp đánh chặn bằng hỏa lực với Geran-2, với hình ảnh UAV trên màn hình radar của tiêm kích Ukraine trông giống một đàn chim hoặc thậm chí là một chiếc xe tải đang di chuyển trên đường.

Phi công Ukraine lý giải nguyên nhân khó đánh chặn UAV tự sát của Nga - 2

Một UAV của Nga bay trên bầu trời Ukraine (Ảnh: AFP).

Truyền thông Ukraine dẫn nguồn tin nói rằng các phi công tiêm kích đang áp dụng chiến thuật đánh chặn tên lửa hành trình của Nga ở giai đoạn giữa để đối phó với Geran-2. Các tên lửa hành trình của Nga, giống như UAV tự sát, có bề mặt phản chiếu tên radar nhỏ. Chúng thường bay ở tầm thấp, khiến chúng khó bị phát hiện bằng radar máy bay.

Vì vậy, các phi công chiến đấu Ukraine dựa vào hệ thống nhắm mục tiêu quang điện để phát hiện dấu vết nhiệt của tên lửa.

Tuy nhiên, Juice giải thích rằng tên lửa hành trình do tốc độ cao hơn nên dễ bị radar của MiG phát hiện hơn nhiều so với UAV Geran-2 bay chậm và dễ bị lẫn vào các vật thể dưới mặt đất.

"Tôi đã xuất kích nhiều lần đối phó Geran-2, đặc biệt là trong tháng 10. Và tôi đã có một số pha đánh chặn rất tốt và cũng phát hiện ra nhiều mục tiêu. Nhưng thật không may, chúng bay ngay phía trên các thị trấn và khu định cư, và tôi không thể làm nhiệm vụ của mình vì nó có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Đó là lý do tại sao tôi hủy bỏ tấn công trong một số trường hợp", phi công Ukraine giải thích.

Thay vào đó, Juice để chiếc UAV bay về phía các khu vực có sự hiện diện của hệ thống phòng không trên mặt đất để những chiếc Geran-2 sau đó bị bắn hạ.

Không quân Ukraine có một phi công khác có mật danh là Karaya nổi tiếng vì bắn rơi 5 chiếc UAV tự sát của Nga trong một tuần. Tuy nhiên, chiếc MiG-29 mà người này điều khiển đã bị rơi, khiến cho Karaya phải nhảy dù ra ngoài thoát hiểm.

Juice nói rằng, Karaya đã bắn rơi 3 UAV tự sát đầu tiên vào ban ngày. Đây là một điều may mắn vì các UAV thường được triển khai tấn công vào ban đêm - thách thức lớn cho các phi công tiêm kích của Ukraine.

Juice cho biết, việc phát hiện được UAV tự sát của Nga vào ban đêm, đặc biệt khi Ukraine đang bị mất điện trên diện rộng là rất khó khăn.

Juice giải thích: "Các thị trấn của chúng tôi vào ban đêm gần như chìm trong bóng tối. Bạn cần sử dụng định vị GPS để biết xung quanh mình có khu định cư hay thị trấn nào hay không, chỉ để biết bạn đang ở đâu, đặc biệt là trong thời tiết xấu như bây giờ".

Một thách thức khác để đánh chặn Geran-2 là Ukraine thiếu vũ khí để đánh chặn chúng từ tầm xa. Vì vậy, các phi công Ukraine buộc phải tiến vào gần UAV và đối diện với nguy cơ cao bị hư hại.

Ví dụ, vụ MiG-29 của Karaya bị rơi là do anh này phải áp sát UAV của Nga. Việc đánh chặn đã gây vụ nổ lớn và mảnh tên lửa và UAV đã văng vào MiG-29 khiến chiếc máy bay bị hỏng.

Các vũ khí mà phi công MiG-29 Ukraine đánh chặn Geran-2 bao gồm tên lửa không đối không tầm nhiệt R-73 và tên lửa R-27R dẫn đường bằng radar. Đầu dò nhiệt R-73 không hoạt động trong các đám mây, trong khi hạn chế về đầu dò trên tên lửa R-27R buộc các phi công phải tiếp cận máy bay không người lái ở cự ly gần và điều này tiềm ẩn rủi ro.

Ngoài ra, các phi công cũng chỉ có thể sử dụng pháo 30mm vào ban ngày và trong điều kiện thời tiết quang đãng.

Theo Eurasian Times
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine