Phép thử mới cho Thủ tướng Tsipras
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tiếp tục đối mặt với một cuộc thử thách tín nhiệm trong Quốc hội hôm 22/7, khi yêu cầu các nhà làm luật nước này chấp nhận quá trình cải cách để vòng đàm phán về gói cứu trợ để có thể giữ cho quốc gia này giữ vững tư cách thành viên trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Các biện pháp cải cách đầu tiên mà Hy Lạp phải chấp nhận chủ yếu nhằm vào tăng thuế, cải cách ngân sách…đã gây nên sự phản ứng dữ dội từ chính nội bộ đảng cầm quyền mà ông Tsipras đang dẫn đầu hồi tuần trước. Việc gói cải cách này được thông qua phần lớn là nhờ vào các phiếu thuận đến từ các đảng có tư tưởng thân phương Tây trong Quốc hội nước này.
Và trong lần thử thách này, dường như ông Tsipras cũng chỉ có thể trông đợi vào số phiếu bầu từ các đảng trên để thông qua gói cải cách thứ hai. Được biết gói cải cách lần này tập trung vào cải cách hệ thống ngân hàng và hệ thống luật pháp - 2 điều kiện chủ chốt mà các chủ nợ phương Tây đưa ra để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 86 tỷ Euro.
Chính phủ Hy Lạp hiện đang hy vọng rằng các cuộc đàm phán có thể khởi động trong tuần này và kết thúc vào ngày 20/8 tới. tuy nhiên, sự chia rẽ trong nội bộ đảng Syriza của ông Tsipras đang trở nên ngày càng sâu sắc ngay trước thềm cuộc bầu cử trước thời hạn diễn ra trong thời gian tới đây.
Vấn đề chia rẽ trong nội bộ đảng cầm quyền ở Hy Lạp đã trở thành đề tài được báo giới nước này khai thác đến cạn kiệt trong suốt tuần này. Tờ Ethnos hôm 22/7 đăng bài báo lớn trên trang nhất với tiêu đề: “Sự suy sụp của Tsipras vì phản ứng trong đảng Syriza”. Sự phản ứng mạnh mẽ trong nội bộ đảng Syriza thậm chí còn khiến ông Tsipras phải tức giận, khi chỉ trích một số thành viên trong Quốc hội rằng “đang lẩn trốn đằng sau sự an toàn nhờ chữ ký” của ông trong thỏa thuận với phương Tây.
Nhưng dù sao thì tình hình ở Hy Lạp trong những ngày vừa qua dường như đang trở lại bình ổn, sau khi hệ thống ngân hàng mở cửa lại từ hôm đầu tuần và Athens đã trả được khoản nợ đúng hạn cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hôm 21/7, hãng đánh giá uy tín Standard&Poor đã nâng nhẹ xếp hạng tín dụng của nước này, nói rằng thanh khoản của Hy Lạp đã được cải thiện sau các vòng đàm phán về gói cứu trợ.
Tuy nhiên, các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới mà các chủ nợ phương Tây áp đặt cho Hy Lạp được xem là rất khó chấp nhận ở một quốc gia vốn đang có nền kinh tế suy giảm nặng nề sau 5 năm chìm trong khủng hoảng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên đến 25%. Một số liên đoàn lao động trong nước đã bắt đầu tổ chức tuần hành để phản ứng các biện pháp khắc khổ này
Hồi tuần trước, một số cuộc tuần hành phản đối “thắt lưng buộc bụng” đã nhanh chóng biến thành các cuộc bạo lực khi những thanh niên trẻ tuổi mang mặt nạ ném bom xăng về phía cảnh sát. Sự việc xảy ra sau khi Quốc hội Hy Lạp bắt đầu tranh luận về gói cứu trợ mới.
Bản thân ông Tsipras cũng từng nói rằng ông không đồng ý với các biện pháp khắc khổ mà giới chức Eurozone và các chủ nợ quốc tế áp đặt cho Hy Lạp để đổi lấy việc tiếp tục các vòng đàm phán nhằm thông qua gói cứu trợ thứ ba dành cho nước này. Nhưng sau khi quay ngoắt 180 độ để đạt thỏa thuận với châu Âu, ông lại kêu gọi các chính trị gia trong đảng của mình nên chấp nhận thực tại.
“Đến ngày này, tôi đã chứng kiến nhiều phản ứng sau khi tôi đọc tuyên bố mới. Nhưng tôi chưa thấy ai đưa ra một đề xuất thay thế cả” – ông Tsipras tuyên bố, thêm rằng các thành viên đảng Syriza không nên phớt lờ mong chờ của người dân Hy Lạp - “Đảng Syriza cần phản phản ánh được xã hội, cần phải tiếp nhận cả những nỗi lo và sự kỳ vọng của hàng chục nghìn người dân, những người đã đặt mọi hy vọng lên họ”.
Tuy nhiên, chính sự thay đổi quan điểm quá nhanh chóng của ông Tsipras đã gây nên tình trạng chia rẽ trong nội bộ đảng cầm quyền, và không ai có thể nói trước điều gì nếu tình trạng này cứ tiếp diễn.