1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phép thử lòng tin

Sau 8 ngày ròng rã thương lượng, Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran, mở đường đi tới thỏa thuận chính thức cuối cùng sau 3 tháng nữa theo kế hoạch dự kiến

Nhìn lại chặng đường 12 năm đàm phán gập ghềnh, có lúc đổ vỡ giữa chừng, thì đây quả là một dấu mốc quan trọng xét trên nhiều phương diện. Đối với tiến trình đàm phán, thỏa thuận ở Lausanne (Thụy Sĩ) góp phần vạch ra một lộ trình cụ thể có lúc tưởng chừng sẽ không bao giờ kết thúc, tiến tới giải quyết những tranh cãi liên quan tới chương trình hạt nhân Iran. Và trên hết, nó góp phần tạm gác lại một thời kỳ nghi kỵ, đóng băng quan hệ  giữa Iran với Mỹ và phương Tây.
 
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng, thỏa thuận khung sẽ mở đường cho việc củng cố hòa bình và ổn định ở Trung Đông.
 
Vậy nhưng để biến những giá trị và ý nghĩa được trông mong đó của bản thỏa thuận khung Lausanne thành hiện thực vẫn còn cả một hành trình dài chông gai phía trước cần vượt qua. Cho dù thỏa thuận khung đã được nhất trí, nhưng không phải tất cả những khúc mắc đã được giải tỏa hoàn toàn. Cuộc đàm phán đã phải kéo dài thêm 2 ngày so với thời hạn chót 31-3, thậm chí có lúc diễn ra thâu đêm để các bên mặc cả từng chi tiết nhằm bảo đảm lợi ích và các nguyên tắc của mình không bị xâm phạm.
 
Nhưng dự kiến một nội dung rất khó đồng thuận đó là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran. Thỏa thuận Lausanne quy định quá trình nới lỏng và bãi bỏ trừng phạt sẽ được tiến hành đồng bộ và tương ứng với tình hình Iran thực hiện các cam kết. Các biện pháp trừng phạt có thể được nối lại nếu thỏa thuận khung không được thực hiện.
 
Các đại diện P5+1 và Iran sau khi kết thúc đàm phán. (
Các đại diện P5+1 và Iran sau khi kết thúc đàm phán. (Ảnh: TTXVN)
 
Cục diện giằng co cho tới phút chót của cuộc đàm phán khiến người ta có cảm giác dường như thỏa thuận Lausanne đã đạt được bằng ý chí của các bên đàm phán nhiều hơn là dựa trên kết quả thực chất. Không khí đàm phán tích cực, khẩn trương cho thấy không bên nào muốn ra về tay trắng.
 
Thực tế là các bên đã buộc phải tạm gác lại những bất đồng mấu chốt để nhất trí một thỏa thuận trong bối cảnh phải chịu rất nhiều áp lực. Các nhà đàm phán Iran cần phải chứng minh thỏa hiệp với phương Tây không phải là một giải pháp tồi mà sẽ đưa lại lợi ích thực sự cho Iran.
 
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng Tổng thống B. Obama đang mong muốn ghi dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình bằng một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Và Wasington cũng không còn đường lui trong “ván bài” này vì phe Cộng hòa đang nắm Quốc hội đe dọa sẽ thúc đẩy thêm các lệnh trừng phạt Iran nếu không đạt được một thỏa thuận đủ mạnh, khiến mọi nỗ lực thỏa hiệp với Iran từ trước tới nay quay trở lại vạch xuất phát.

Vả lại, xét bối cảnh hiện nay, khi mà mọi mâu thuẫn trong cuộc tranh cãi hạt nhân Iran đã được đẩy lên tới đỉnh điểm, các bên đều đã nhận ra chẳng bên nào có lợi nếu cứ kéo dài mãi tình thế đối đầu như hiện nay. Không chỉ Iran điêu đứng vì các lệnh cấm vận, mà đối với phương Tây, kéo dài trừng phạt Iran cũng gây thiệt hại không nhỏ bởi giới đầu tư và công nghiệp, nhất là công nghiệp dầu mỏ của Mỹ và phương Tây vẫn đang phải đứng "chầu rìa" trước một thị trường đầy tiềm năng như Iran.

Hơn nữa, việc đi tới một thỏa thuận sẽ giúp nền kinh tế Iran thoát dần khỏi cảnh bị bóp nghẹt bởi các lệnh cấm vận. Quan trọng hơn, Tehran vẫn có quyền sản xuất năng lượng hạt nhân vì mục tiêu dân sự, phù hợp với các điều khoản của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ở một khía cạnh khác, đối với Mỹ, việc ký kết một thỏa thuận với Iran sẽ chấm dứt những năm tháng thù địch căng thẳng với Iran và được hy vọng sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ với thế giới Hồi giáo nói chung. Cam kết của Mỹ chống tổ chức khủng bố IS ở Iraq và Syria cũng là lý do khiến Wasington muốn đạt một thỏa thuận cuối cùng với Tehran. Tổng thống Mỹ nhiều lần công khai đánh giá cao vai trò của Iran trong cuộc chiến này.

Cho dù thế nào cũng phải khách quan  nhìn nhận rằng, thỏa thuận Lausanne mới chỉ mang ý nghĩa xây dựng lòng tin và là một bước đi tiếp cận giải pháp cho vấn đề hạt nhân Iran chứ chưa có nhiều sự ràng buộc. Vì thế, giai đoạn 3 tháng tiếp theo của tiến trình đàm phán cho tới thời hạn chót 30-6 để đạt được thỏa thuận cuối cùng, sẽ là một phép thử đối với các bên trên bàn đàm phán.
 
Lịch sử cuộc đối đầu giữa Mỹ, phương Tây và Iran xung quanh chương trình hạt nhân của nước này cho thấy đàm phán có thể bị trì hoãn bất cứ lúc nào chỉ với một tuyên bố cứng rắn hay bước đi không thích hợp của một bên nào đó.

Bản thỏa thuận vì thế cho dù đã được lên khung sẽ vẫn có khả năng bị đổ vỡ, nếu các bên không duy trì nỗ lực tuân thủ các cam kết và hợp tác trên tinh thần xây dựng cũng như củng cố lòng tin một cách dài lâu.

Đàm phán đi được tới giai đoạn này có thể coi là một kỳ công. Trải qua những thăng trầm, có lúc tình hình căng thẳng tới mức tưởng chừng bùng nổ một cuộc chiến tranh, nhưng cuối cùng, “ngòi nổ” đã được các bên tháo gỡ bằng nỗ lực đàm phán hòa bình.
 
Trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động như hiện nay, đàm phán hạt nhân Iran cần phải đóng góp kinh nghiệm hữu ích đó là mọi xung đột, mâu thuẫn dù khó đến đâu đều có thể giải quyết thông qua  nỗ lực ngoại giao bền bỉ.
 
Theo Mai Nguyên
Quân đội Nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm