1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phép thử lớn trong quan hệ Mỹ - Trung

Thanh Thành

(Dân trí) - Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến châu Á, trong đó có kế hoạch thăm đảo Đài Loan, đang phủ bóng lên quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã căng thẳng liên tục trong vài năm qua.

Phép thử lớn trong quan hệ Mỹ - Trung - 1

Chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan theo dõi một máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc bay qua Kênh Bashi, phía nam Đài Loan, hồi năm 2018 (Ảnh: Getty).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lâu nay vẫn luôn tuyên bố sẽ "đáp trả bất kỳ thách thức nào đối với tuyên bố chủ quyền đối với đảo Đài Loan", nhưng vấn đề hiện nay là Bắc Kinh đang đứng trước thời điểm khó khăn về kinh tế và chuẩn bị cho Đại hội Đảng vào cuối năm.

Sau cuộc đối đầu lớn cuối cùng giữa Bắc Kinh với Washington về vấn đề Đài Loan (1995-1996), ông Tập khi đó là một quan chức ở tỉnh Phúc Kiến, khu vực đối diện với đảo Đài Loan, và thường thu hút các nhà đầu tư từ hòn đảo này.

Ông Tập sau đó trở thành sĩ quan chính trị cao nhất của một sư đoàn phòng không dự bị của quân đội Trung Quốc (PLA) tại tỉnh này vào năm 1996, sau khi trở thành phó bí thư tỉnh ủy.

Thời điểm đó, trong sự kiện được gọi là "khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 3", xung đột chực chờ bùng nổ. Lần này khủng hoảng một lần nữa lại đưa cả hai đến những căng thẳng mới.

Với quan điểm cứng rắn đối với hòn đảo này, ông Tập từ lâu đã học cách đối phó với vấn đề này trước khi trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.  Hiện nay, ông Tập phải cân nhắc cách phản ứng nếu bà Pelosi đến Đài Loan trong chuyến công du các quốc gia châu Á, và có thể trở thành quan chức Mỹ cao cấp nhất đến thăm hòn đảo này kể từ năm 1997 sau chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich.

Rõ ràng việc hòn đảo có khả năng lần đầu tiếp đón một chủ tịch Hạ viện Mỹ sau 25 năm khiến Trung Quốc phản ứng gay gắt.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo bà Pelosi về "hậu quả nghiêm trọng" nếu đến Đài Loan, và quân đội Trung Quốc đã đưa ra những cảnh báo về sự sẵn sàng bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng vũ lực.

Trong cuộc điện đàm gần đây nhất với Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cảnh báo "Mỹ đừng đùa với lửa" về vấn đề Đài Loan.

Nhưng vấn đề là Trung Quốc cũng đang đối mặt với một thời điểm kinh tế và chính trị khó khăn nên sẽ dự kiến không để khủng hoảng ở Đài Loan leo thang vượt tầm kiểm soát. Ông Tập đang tập trung vào Đại hội Đảng vào cuối năm nay, khi ông có nhiều khả năng sẽ tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba. Tuy nhiên, ông đang đối mặt với những khó khăn như tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chững lại do dịch Covid-19 và những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt cho đến nay, và cả những tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine.

"Sẽ không vượt tầm kiểm soát"?

Giờ đây, chuyến thăm dự kiến của bà Pelosi tới đảo Đài Loan có thể là thử thách lớn hơn với Bắc Kinh. Theo các chuyên, nếu bà Pelosi đến thăm Đài Loan, ông Tập có khả năng sử dụng sức mạnh quân sự để thể hiện lập trường của Bắc Kinh trong khi tìm cách tránh làm thị trường bất ổn và kéo nền kinh tế Trung Quốc đi xuống hơn nữa.

Giáo sư Chen Dingding thuộc Đại học Tế Nam, miền nam Trung Quốc, cho biết: "Chắc chắn sẽ có một phản ứng rất mạnh mẽ, nhưng mọi phản ứng sẽ không nằm ngoài tầm kiểm soát".

Ông David Gitter, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tiên tiến, một Viện nghiên cứu phi lợi nhuận cho rằng: "Cảnh báo của Bắc Kinh đang ở cấp độ trung bình, không phải cảnh báo cấp cao báo hiệu về rủi ro chiến tranh".

Bắc Kinh từng có hoạt động quân sự mỗi khi các quan chức Mỹ đến Đài Loan và lần này cũng không ngoại lệ.

Trong bối cảnh chuyến thăm của bà Pelosi tới châu Á, Trung Quốc ngày 30/7 đã tập trận bắn đạn thật ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến, cách bờ biển Đài Loan 120km, dù trong thông báo chính thức của phía Mỹ không đề cập đến chuyến thăm hòn đảo.

Hôm 1/8, kỷ niệm 95 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc, truyền thông quân đội đưa ra nhiều tuyên bố về việc bảo vệ chủ quyền, cũng như video về tên lửa đạn đạo Dongfeng-17 của Trung Quốc. Truyền hình Trung Quốc cũng đăng tải một đoạn video về bà Pelosi.

Trong bài xã luận ngày 1/8, Nhân dân Nhật báo ca ngợi các nỗ lực hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc những năm qua, cho rằng "quân đội mạnh mẽ" là một phần của quốc gia vĩ đại có thể bảo đảm an ninh quốc gia.

Cũng trong ngày 1/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cảnh báo chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là hành động "can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc".

Nhưng hiện tại, ít nhất, các tờ báo chính lớn của Trung Quốc đã không đăng các bài xã luận về chuyến thăm của bà Pelosi. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không đưa ra bất cứ điều gì giống tuyên bố có thẩm quyền như đã từng xảy ra vào năm 1995.

Khi được hỏi biện pháp đáp trả của Bắc Kinh là gì, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói "thế giới hãy chờ xem".

Ông Bonnie S. Glaser, Giám đốc Chương trình Châu Á tại Quỹ Marshall của Mỹ, cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình dường như không muốn gây ra khủng hoảng. "Nhưng nếu máy bay của quân đội Trung Quốc tiếp cận Đài Loan theo những cách khác với trước đây, và nếu họ đi vào không phận của đảo Đài Loan, sự cố có thể xảy ra, cho dù ông Tập có muốn hay không".

Bài học từ cuộc khủng hoảng 1995-1996

Trong cuộc khủng hoảng Đài Loan năm 1995-1996, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự ngoài khơi Đài Loan, và đỉnh điểm là đợt Mỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz đến eo biển hồi tháng 12/1995.

Bắc Kinh giận dữ sau khi chính quyền Tổng thống Bill Clinton cho phép nhà lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy thăm Mỹ, và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phóng tên lửa vào khu vực cách phía bắc đảo Đài Loan khoảng 160km.

Mọi chuyện sau đó đã hạ nhiệt khi các bên xuống thang căng thẳng, kết thúc "khủng hoảng eo biển Đài Loan lần 3", nhưng vấn đề này vẫn là điểm gây căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung.

Lần này, dù bà Pelosi hủy chuyến thăm Đài Loan và mọi việc trôi qua, nhiều chuyên gia tin rằng căng thẳng gia tăng về tương lai của hòn đảo khiến xung đột ngày càng có khả năng xảy ra trong những năm tới.

Ông Tập đã đặt mục tiêu thống nhất Đài Loan như một định hướng cho việc "trẻ hóa quốc gia" của Trung Quốc hướng tới một siêu cường hiện đại, thống nhất. Ông đã nói rằng muốn tiếp nhận Đài Loan một cách hòa bình vào một số thời điểm không xác định trong tương lai, nhưng cũng không loại trừ vũ lực.

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm